Khóc cười với 'Cậu đồng' tái dựng
Nghiêm túc trong sáng tác, dàn dựng và diễn xuất, các nghệ sĩ của sân khấu IDECAF xứng danh là thỏi nam châm đối với khán giả yêu kịch
Dàn dựng cách đây 23 năm, diễn đi diễn lại nhiều đợt trong suốt 8 năm trên sân khấu IDECAF, vở "Cậu đồng" vừa tái dựng sau 15 năm vắng bóng trên sân khấu tạo sức hút kỳ lạ, gợi mở nhiều điều.
Nhiều yếu tố làm nên sức hút
Khán phòng sân khấu IDECAF nơi vở "Cậu đồng" tái dựng chỉ có 330 chỗ ngồi mà suất nào cũng không còn chỗ trống. Không chỉ có khán giả tại TP HCM đến xem mà còn có nhiều khán giả các tỉnh, thành phía Nam thuê hẳn xe lên xem, có cả khán giả bay từ Hà Nội vào. Lịch diễn kế tiếp đều "cháy" vé trong sự ngỡ ngàng của giới chuyên môn và số đông khán giả.
Lý giải về hiện tượng ăn khách này, có thể nêu ra mấy yếu tố. Trước hết là khâu kịch bản. Đây là tác phẩm sân khấu cổ điển nước ngoài được Việt hóa bởi đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc. Vở có tên "Tartuffe" (Đạo đức giả) do nhà viết kịch vĩ đại người Pháp Molìere sáng tác cách đây hơn 350 năm. Khi Việt hóa, tác giả đã chọn cách kể chuyện theo kiểu sân khấu truyền thống Việt Nam, nội dung có đủ hỉ, nộ, ái, ố và các tình huống bi hài đan xen trên nền tảng vững chắc của câu chuyện mang chất châm biếm.
Thành phần nghệ sĩ tham gia đều giỏi nghề, họ đã tạo được sức hút với khán giả thông qua tính cách nhân vật. Sức hút lớn hơn chính ở chỗ nghệ sĩ tham gia vở không nhẵn mặt trên sóng truyền hình trong các game show, truyền hình thực tế, vì thế người xem vẫn muốn được gặp họ trong số phận nhân vật trên sàn diễn: Thành Lộc, Hữu Châu, Bạch Long, Hoàng Trinh, Hương Giang… Đặc biệt, cặp đôi Thành Lộc - Hữu Châu đúng là tương tác hợp ý. Họ tung hứng duyên dáng, xoay trở tình huống, làm chủ tuyến kịch và trở thành điểm tựa ăn ý cho nhau để đẩy cao trào kịch lên đỉnh điểm, mang đến tiếng cười thú vị theo kiểu mượn chuyện xưa nói chuyện nay.
NSƯT Thành Lộc đã đầu tư để nhân vật "Cậu" đồng (lên đồng) tỏa sáng trong suốt gần 3 giờ tung hoành trên sàn diễn. Anh đã nghiên cứu để múa mâm vàng theo đúng phong cách múa bóng rỗi của miền Nam, với phục trang, đạo cụ, âm nhạc không chê vào đâu được. Chính vai diễn này đã mang về cho anh Giải Mai Vàng năm 1998. Từ nhân vật của anh, câu chuyện xoáy vào thói cuồng tín của không ít người dân đã tạo cơ hội cho những kẻ nhân danh tôn giáo, tín ngưỡng trục lợi, để rồi phải nhận cái kết đắng. Thông điệp kịch rõ ràng, vở kịch kết thúc trong sự thán phục, đọng lại trong tim khán giả sự thổn thức và day dứt của người nghệ sĩ trước những thói hư tật xấu vẫn tồn tại trong xã hội ngày nay, trở thành tác nhân phá nát hạnh phúc gia đình của nhiều người.
Thủ pháp dàn dựng sáng tạo
Sự chăm chút trong bản dựng của đạo diễn bậc thầy kịch châm biếm - NSND Trần Minh Ngọc là yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn của vở diễn. Ông đã truyền năng lượng tích cực để cộng hưởng tất cả những sáng tạo mới mẻ của ê-kíp, đưa vào từng vai diễn ý thức làm nghề nghiêm túc của diễn viên.
Vở "Cậu đồng" lấy bối cảnh nhà ông Phán (NSƯT Hữu Châu), một địa chủ vùng Nam Trung Bộ những năm đầu thế kỷ XX. NSƯT Thành Lộc hóa thân vào vai "Cậu" - một nhà đạo đức được ông Phán đưa về tôn làm "thánh nhân". Mỗi lời "Cậu" ban ra, ông Phán đều phải nghe theo trong sự tôn sùng tuyệt đối, bất chấp vợ con ngăn cản. Đỉnh điểm của bi kịch chính là sự mê muội của ông Phán khi quyết định hủy bỏ hôn ước của con gái, ép gả cô cho "Cậu". Từ đó, các thành viên trong gia đình quyết tâm vạch trần bộ mặt thật của "Cậu".
Vở được công chúng chấp nhận, giới chuyên môn đánh giá cao về mặt nghệ thuật chính nhờ vào thủ pháp dàn dựng được xem là khuôn mẫu đúng nghĩa "Thánh đường nghệ thuật".
Sự hòa quyện ăn ý giữa âm nhạc, họa sĩ thiết kế, đội ngũ hậu đài, chế tác đạo cụ, điều chỉnh âm thanh, nghệ sĩ biểu diễn… đã làm nên tinh thần trân trọng sáng tạo nghệ thuật tuyệt đối trên sân khấu kịch được xem là thành công nhất trong khối sân khấu tư nhân phía Nam: Kịch IDECAF.
NSND Trần Minh Ngọc cho biết: "Khi bắt tay vào Việt hóa vở "Cậu đồng", cũng như từng Việt hóa "Người mua hạnh phúc" cho Đoàn kịch Kim Cương, hoặc "Một cuộc đời bị đánh cắp" cho Sân khấu IDECAF, tôi tìm hiểu thật kỹ về tác giả, về không gian, thời gian ra đời của vở diễn và tìm điểm tương đồng giữa văn hóa vùng miền để cài những nút thắt kịch đúng với tính cách, tâm lý người Việt".
Ông cho rằng trong kịch cổ điển, các quy tắc xây dựng hài kịch không được giải thích nghiêm ngặt như các quy tắc cho bi kịch, người dựng được phép thay đổi để liên tục cập nhật những thông tin thời sự mà nghệ sĩ muốn chia sẻ, thậm chí tạo sự đối thoại với khán giả. "Tôi may mắn có được trong tay nguồn diễn viên giỏi nghề nên họ đã thuyết phục khán giả tuân theo các quy luật tự nhiên tạo nên tiếng cười ý nghĩa. Chìa khóa sáng tạo cho nhân vật "Cậu đồng" lại nằm trong tay khán giả. Bởi, chính sự tương tác duyên dáng của NSƯT Thành Lộc với người xem đã làm nên "xương sống" của vở kịch" - NSND Trần Minh Ngọc phân tích.
Phải chăng từ thủ pháp dàn dựng tinh tế, đi vào từng chi tiết mà bản dựng "Cậu đồng" của hôm nay vẫn ngồn ngộn tính thời sự?
Học lại cách làm từ những vở cũ
Nhiều câu hỏi đặt ra sau thành công của "Cậu đồng" tái dựng: Phải chăng sàn diễn không cần sáng tác vở mới khi bản cũ ăn khách dựng lại vẫn đạt doanh thu? Phải chăng cần dựng lại vở cũ để phục vụ lượng khán giả mới chưa được xem những vở kịch hay của hàng chục năm trước, đồng thời mang lại cho khán giả yêu kịch cảm giác được chiêm ngưỡng hào quang cũ của sân khấu kịch những thập kỷ trước?
Các nhà chuyên môn nhận định không phải vở cũ nào cũng mang tính thời sự dai dẳng. Cũng đã có nhiều phiên bản tái dựng chết yểu. Trên hết, "thành công của vở cũ tái dựng sẽ là chất xúc tác để giới sáng tác sáng tạo kịch bản mới, mang hơi thở cuộc sống mà công chúng đang cần. Sau "Cậu đồng", kế hoạch của sân khấu IDECAF là sẽ tái dựng một số vở cũ trước khi đưa lên sàn diễn các vở kịch mới" - ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/khoc-cuoi-voi-cau-dong-tai-dung-20200716204458042.htm