Khóc giữa trời xanh - Đưa lịch sử đến với công chúng bằng ngôn ngữ nghệ thuật

Nằm trong ý tưởng đưa lịch sử dân tộc đến với công chúng bằng ngôn ngữ nghệ thuật, đêm 27/11, tại Nhà hát Opera Đà Lạt House, Công ty Sử Việt tiếp tục biểu diễn vở kịch Khóc giữa trời xanh phục vụ khán giả Đà Lạt.

Vở kịch Khóc giữa trời xanh để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng Đà Lạt

Vở kịch Khóc giữa trời xanh để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng Đà Lạt

Khóc giữa trời xanh do đạo diễn Nguyên Phùng dàn dựng, kịch bản của tác giả Lê Chí Trung cảm tác từ nỗi oan khuất và thân phận bi thương của Thái sư Lê Văn Thịnh - đỗ đầu khoa thi tam trường đầu tiên dưới triều Lý vào năm 1075, là trạng nguyên đầu tiên của nền khoa bảng Việt Nam.

Theo sử sách, Lê Văn Thịnh (1050 - 1096), tại làng Đông Cứu, nay là thôn Bảo Tháp, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, chăm chỉ và thần đồng trong việc học, học đâu nhớ đấy, chong đèn học thâu đêm. Tháng 2 năm Ất Mão (1075), vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi “Minh kinh bác học”, Lê Văn Thịnh ứng thí và đỗ đầu.

Ông làm quan, rồi thăng chức thị lang bộ binh vào năm Bính Thìn (1076). Tháng 6 năm Giáp Tý (1084), trong cuộc thương thuyết về cương giới, bằng tài tranh biện, ông đã buộc nhà Tống phải trả cho Đại Việt 6 huyện và 3 động thuộc châu Quảng Uyên là phần đất phía Bắc tỉnh Cao Bằng nay.

NSƯT Xuân Hồng và NSƯT Tuyết Thu trong đêm diễn vở Khóc giữa trời xanh

NSƯT Xuân Hồng và NSƯT Tuyết Thu trong đêm diễn vở Khóc giữa trời xanh

Năm Ất Sửu (1085), vua Lý Nhân Tông cất ông lên làm Thái sư khi mới ở vào tuổi 35 và giữ chức Thái sư của triều đại nhà Lý trong suốt 10 năm. Cho đến khi xảy ra vụ án “Hồ Dâm Đàm”, ông bị hàm oan do các gian thần câu kết với nhau vu cho ông có mưu đồ giết vua, cướp ngôi, ông bị đi đày rồi chết trong bi thảm, lãng quên.

Vở kịch Khóc giữa trời xanh kể câu chuyện về Lê Văn thị lang, một người tuổi trẻ tài cao, văn võ song toàn vô tình được biết đến cái chết oan khuất của Mai Hoa thái hậu. Vượt qua các thế lực đen tối, dù phải đối diện với hoàng thượng đương triều, với Vân Dung thái hậu, ông đã quyết dâng tấu để trả lại trong sạch cho người đã khuất, giữ kỷ cương phép nước. Ông cùng với Lý Thường Kiệt làm nên “hai cánh tay” cho vua Lý Nhân Tông.

Cảm tác từ nỗi oan khuất và thân phận bi thương của Thái sư Lê Văn Thịnh, tác giả Lê Chí Trung đã mượn tích xưa để nói chuyện nay. Tên nhân vật trong vở được thay đổi so với tên trong chính sử. Cùng với NSƯT Tuyết Thu vai Thái hậu Vân Dung, vai Thái sư Lê Văn Thịnh của Sĩ Hoàng có nhiều trường đoạn với tâm lý khác nhau, nhưng bằng nét diễn tự nhiên, khoan thai, nghệ sĩ Sĩ Hoàng đã phác họa thành công phong thái của một vị trung quân, hết lòng vì dân vì nước.

Những cảnh diễn khắc họa nội tâm nhân vật đã thể hiện tài năng của các nghệ sĩ

Những cảnh diễn khắc họa nội tâm nhân vật đã thể hiện tài năng của các nghệ sĩ

Các nhân vật khác do các nghệ sĩ NSƯT Cao Đức Xuân Hồng, NSƯT Phạm Huy Thục, Phương Minh, Quốc Việt, Anh Đức, Mai Thanh Duy, Thùy Dung, Hoài Phong, Phạm Thị Hồng Vân thể hiện đã diễn tròn vai, bộc lộ rõ tính cách từng nhân vật tạo nên thành công cho tác phẩm.

Khóc giữa trời xanh của Công ty Sử Việt đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021.

Đưa sử học đến với công chúng, nhất là khán giả trẻ thông qua nghệ thuật là khát khao của nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Đầu tư dàn dựng vở kịch lịch sử này, anh mong muốn góp phần hình thành một lớp khán giả trẻ biết yêu kịch, hiểu sân khấu và lịch sử nước nhà.

Nói về vở diễn của mình, anh chia sẻ: “Sử là niềm tự hào của đất nước, của dân tộc. Tôi mong muốn góp sức để đẩy mạnh hơn nữa các dự án liên quan về nghệ thuật gắn với lịch sử dân tộc, dùng ngôn ngữ nghệ thuật chuyển tải văn học và lịch sử, để từ đó giúp các em thêm yêu văn hóa dân tộc, không quên nguồn cội”.

Trước khi diễn ra đêm diễn phục vụ công chúng Đà Lạt, giấy mời đã phát đến học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long và đặc biệt là học sinh chuyên sử của cả 3 khối lớp với mong muốn "các em thêm hiểu và yêu lịch sử của dân tộc mình hơn".

Trong đêm diễn, Nhà hát Dalat Opera House với hơn 500 ghế không còn chỗ trống đã cho thấy sức hút của một tác phẩm lịch sử được đầu tư chỉn chu, nghiêm túc, các nghệ sĩ biểu diễn bằng tài năng và tinh thần cống hiến.

Sân khấu đẹp như bức họa, hòa quyện cùng âm thanh và ánh sáng; trang phục diễn viên ấn tượng với những kiểu dáng, chất liệu, họa tiết dân tộc tinh tế, thuần Việt.

Đêm diễn tạo nên dấu ấn mạnh mẽ, để lại trong lòng khán giả Đà Lạt nhiều cung bậc cảm xúc. Dự kiến hàng tháng Công ty Sử Việt sẽ mang vở diễn đến với công chúng Đà Lạt 1 lần tại Nhà hát Dalat Opera House.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202211/khoc-giua-troi-xanh-dua-lich-su-den-voi-cong-chung-bang-ngon-ngu-nghe-thuat-3146431/