Khốc liệt 'cuộc chiến' giành miếng bánh thị phần kho bãi và dịch vụ logistics

Xét về dài hạn, nhu cầu kho bãi và dịch vụ logistics ở Việt Nam vẫn có xu hướng tăng mạnh bất chấp những biến động của nền kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, khối ngoại không ngừng đầu tư và thể hiện rõ tham vọng tiếp tục giành thêm 'miếng bánh' thị phần ở lĩnh vực này. Ngược lại, sự sụt giảm đáng kể của doanh nghiệp nội địa khi tham gia vào lĩnh vực kho bãi, vận tải là điều đáng lo ngại.

Bất chấp những khó khăn về kinh tế và hoạt động xuất khẩu (XK), nhìn về dài hạn thì nhu cầu kho bãi và dịch vụ logistics của các doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam sẽ vẫn có xu hướng tăng mạnh khi hoạt động sản xuất phục hồi, nhu cầu tiêu dùng và XK gia tăng trở lại.

Nhu cầu kho bãi sẽ tăng mạnh trong dài hạn

Ông Hamza Harti, Giám đốc điều hành FM Logistic Việt Nam (công ty cung cấp dịch vụ hậu cần đến từ Pháp) cho rằng, tăng trưởng XK trong thời gian tới có mối liên hệ chặt chẽ đến nhu cầu kho bãi nội địa, nhưng điều quan trọng nhất là phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng. Nhu cầu tiêu dùng càng nhiều thì nhu cầu cho kho bãi nói riêng và dịch vụ logistics nói chung sẽ càng tăng lên.

Bất chấp những khó khăn về kinh tế và trong hoạt động xuất khẩu, nhìn về dài hạn thì nhu cầu kho bãi và dịch vụ logistics sẽ vẫn có xu hướng tăng mạnh.

Bất chấp những khó khăn về kinh tế và trong hoạt động xuất khẩu, nhìn về dài hạn thì nhu cầu kho bãi và dịch vụ logistics sẽ vẫn có xu hướng tăng mạnh.

“Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang có nhiều nỗ lực trong phục hồi sản xuất và XK trong thời gian sớm nhất có thể. Điều quan trọng nhất là làm thế nào để vượt qua giai đoạn khó khăn này, khi đã vượt qua được rồi thì chắc chắn trong thời gian tới, lĩnh vực logistics sẽ tiếp tục phát triển”, ông Harti nói.

Trao đổi với VnBusiness tại buổi khánh thành trung tâm kho hàng phân phối đa khách hàng hiện đại mới của FM Logistic với quy mô diện tích trên 20.000 m2 (được trang bị 78 cửa xuất nhập hàng) và khả năng mở rộng lên đến 50.000 m2 tại Khu công nghiệp VSIP 2 (tỉnh Bình Dương), ông Hamza Harti khẳng định, tiềm năng của thị trường kho bãi và logistics ở Việt Nam là rất lớn, còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư phát triển để đáp ứng nhu cầu của DN.

Đặc biệt, những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp và khu sản xuất đều rất cần trung tâm phân phối hiện đại và quy mô có thể tham gia vào hệ sinh thái công nghiệp.

Giám đốc điều hành FM Logistic Việt Nam nhận định, các nhà sản xuất và XK của Việt Nam đang rất cần có những trung tâm kho hàng được thiết lập với đa hoạt động, bao gồm các dịch vụ tiên tiến về kho bãi, quản lý vận hành hậu cần, đồng thời đóng gói, phân phối và thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các kho bãi cần mang đến sự tối ưu cho DN về diện tích cũng như về nguồn lực của kho giúp đáp ứng cho sự biến động theo nhu cầu đa dạng trên thị trường.

Theo giới chuyên gia quốc tế về lĩnh vực kho vận, Việt Nam là một ứng viên sáng giá có thể trở thành trụ sở chính cho các trung tâm phân phối vùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng phát triển, chi phí lao động và vận hành cạnh tranh, Việt Nam mang đến nhiều cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập hoặc mở rộng hoạt động thị trường kho bãi và dịch vụ logistics tại châu Á.

Mặt khác, giá thuê kho bãi logistics ở Việt Nam cũng được dự báo là sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 1,5% - 4% mỗi năm. Còn hiện nay, Việt Nam được đánh giá là vẫn còn gặp tình trạng thiếu kho bãi logistics. Nguyên do là mức giá cho thuê đất công nghiệp còn khá cao bởi nhu cầu thuê vẫn tăng mạnh, trong khi các quỹ đất cho thuê tại các khu công nghiệp ngày càng khan hiếm hơn.

Tham vọng của khối ngoại và sự thụt lùi ở khối nội

Trong khi đó, việc bố trí kho bãi vẫn còn phân tán, thiếu tính liên kết, hạ tầng đường bộ (đặc biệt là đường cao tốc) nối giữa các đô thị với nhau. Điều này gây trở ngại lớn cho việc mở rộng các hoạt động liên quan đến vận chuyển nguyên vật liệu, kho bãi và quản lý chuỗi cung ứng hoàn chỉnh tại Việt Nam.

Hiện nay, cả nước có hơn 5.000 DN hoạt động trên thị trường logistics (trong đó có nhiều DN trong lĩnh vực kho vận), thế nhưng 89% trong số đó là các DN vừa và nhỏ của Việt Nam, 11% là các công ty liên doanh, công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Điều đáng nói là các doanh nghiệp FDI, công ty liên doanh tuy chỉ chiếm 11% số DN trong lĩnh vực kho bãi và dịch vụ logistics nhưng lại là những tên tuổi chiếm thị phần lớn hàng đầu trong lĩnh vực hậu cần, kho bãi, cung cấp dịch vụ hậu cần xuyên biên giới.

Ngay như trường hợp của FM Logistic, tuy là một DN FDI mới thâm nhập vào thị trường kho bãi Việt Nam cách đây không lâu, nhưng theo chia sẻ của ông Hamza Harti, mục tiêu mà công ty muốn hướng tới trong 3 năm tiếp theo là nằm trong Top 3 DN hàng đầu về cung cấp dịch vụ logistics.

“Chúng tôi tự tin có thể đạt được mục tiêu của mình. Bởi vì chúng tôi có sự đầu tư phát triển, cũng như có sự phối hợp với các khách hàng, đối tác chiến lược để có thể cùng nhìn nhận được chiến lược lâu dài nhằm phát triển cùng nhau”, ông Harti nhấn mạnh.

Trong khi khối ngoại không giấu tham vọng giành thêm “miếng bánh” thị phần kho bãi và dịch vụ logistics thì sự sụt giảm đáng kể của DN nội địa khi tham gia vào lĩnh vực kho bãi, vận tải vẫn là điều đáng lo ngại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, số DN đăng ký thành lập mới tính riêng trong nửa đầu năm 2023 đã giảm 7,6%, số vốn đăng ký giảm 63,6% và số lao động giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2022. Không chỉ vậy, còn có 349 DN ở lĩnh vực này hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 3,95% tổng số DN giải thể của cả nước.

Thực tế cho thấy điểm yếu của các DN nội địa trong mảng kho bãi nói riêng và dịch vụ logistics nói chung là chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao, trong khi thị trường cung cấp dịch vụ logistics lại đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ khối ngoại.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự lép vế của khối nội trong mảng kho bãi và dịch vụ logistics là do hạn chế về quy mô DN và vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế. Cho nên, để “chiếc bánh” thị phàn kho bãi và dịch vụ logistics ở Việt Nam không rơi hẳn vào tay của khối ngoại đang đòi hỏi các DN nội địa cần khắc phục những hạn chế này thông qua đầu tư chiến lược để có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/khoc-liet-apos-cuoc-chien-apos-gianh-mieng-banh-thi-phan-kho-bai-va-dich-vu-logistics-1095645.html