Khói ấm

Rồi cuối cùng gia đình tôi cũng về lại Bình Nguyên sau mười lăm năm xa xứ. Giấc mơ làm một cuộc đổi đời của ba tôi có vẻ như thất bại.

Trong căn gác chật chội như cái chuồng chim, tôi chứng kiến đêm đêm ba lầm lũi đốt thuốc, má chiều chiều trở về với chiếc xe đẩy còn đầy nhóc mì, thịt và thùng nước lèo ế ẩm sau một ngày dang nắng ở ngã tư đường. Tôi nhìn thấy trong mắt ba nỗi xót xa khi má vật vã ho nhưng 3 giờ sáng vẫn lồm cồm dậy nấu nồi nhưn mì, cho lên xe đẩy đi.

Nỗi chua xót trong mắt ba càng đặc quánh khi anh Hai tôi trượt đại học, suốt ngày lang thang đàn đúm ngoài quán net. Nỗi niềm trong mắt ba như nghẹn ứ khi mỗi chiều tan học tôi lại ghé qua cô Tầm chở bao đồ may gia công, về nhà chưa kịp ăn gì đã ngồi vào bàn máy, tiếng mô-tơ lạch xạch đến đêm.

"Về thôi!" - ba buông hai chữ mà nghe nặng như đeo đá. "Về là về đâu?" - tiếng má tôi thẽ thọt trong góc tối.

Tôi thức giấc nhưng nằm im vờ ngủ, mắt he hé nhìn hai bóng người dài thượt vẹo vọ in trên vách tường loang lổ. Ba đứng lên đi đi lại lại cùng tiếng thở nồng khói thuốc. "Thì về Bình Nguyên chớ về đâu!". "Về Bình Nguyên rồi thằng Khải làm gì ăn, con Thảo còn đi học" - má ôm ngực nén tiếng ho khan. "Tui nói về là về!" - ba gằn lên. Má sụt sùi khóc. Bà bao giờ cũng vậy, tần tảo, cam chịu và mau nước mắt.

"Tui xin lỗi mình" - tiếng ba rì rầm - "Vợ chồng mình từ gốc rơm gốc rạ sợ chi không kiếm được lon gạo đổ vô nồi". "Nhưng còn hai đứa nó…" - má nghèn nghẹn. "Thằng Khải có nghề sửa xe, không ưng thì về quê trồng dưa mà sống chớ ở đây lêu lổng miết. Con Thảo chỉ còn năm cuối, để tìm nhà trọ cho nó".

Tôi quay mặt vào vách nghe nỗi buồn dâng lên nghẹn ứ. Tôi không tiếc thành phố này, không tiếc căn nhà ngột ngạt mùa nắng tưởng như không thở nổi, mùa mưa nước nhỏ long tong không chừa chỗ nào, tôi buồn vì gần hết đời người, ba má tôi quần quật làm lụng nhưng vẫn chật vật với miếng cơm manh áo.

Gia đình tôi, bốn con người chen chúc trong căn nhà nóng như lò lửa. Giường bên tiếng má thở dài, tiếng ba liên tục trở mình sột soạt trên tấm chiếu, tiếng lũ chuột chít khịp khịp đuổi nhau trên trần nhà… Những thanh âm quen thuộc trong đêm hòa cùng nhau nghe buồn nẫu nuột.

* * *

Bốn giờ sáng, chiếc xe tải đã trờ tới đầu ngõ. Bác tài cùng ba tôi khệ nệ khiêng hết đồ đạc ra xe. Má ngồi trong góc, bàn tay hết rờ rẫm mấy cái nồi, đến chiếc xe đẩy… Mắt má rưng rưng. Mười lăm năm, từ một người đàn bà thôn dã, má trở thành người đàn bà tảo tần bán buôn giữa thị thành. Cái xe mì nhỏ xíu đã gánh gồng gia đình tôi đi qua một chặng đường dài. Ba ban ngày theo công trình đi đóng trần thạch cao, đêm xin được chân bảo vệ ở xí nghiệp may gần nhà.

Từ hôm nay, gia đình tôi tạm biệt phố thị, trở về quê. Ở đó vẫn còn cái nền nhà cũ. Má ngồi nép vào ba, câm lặng nhìn con đường vun vút lùi lại phía sau. Trong đôi mắt đùng đục như có khói của ba, tôi không đọc thấy nỗi vui hay buồn. Anh Hai ỉu xìu tựa đầu vào thành xe lơ đãng lướt điện thoại. Chỉ tôi là hào hứng, dẫu gì tôi cũng sắp được trở về nơi đã sinh ra.

"Vui gì mà mặt hớn dữ vậy?" - anh Hai làu bàu. "Em thấy nhà mình về quê vầy cũng tốt mà!". "Về quê chăn trâu hay gì?". "Chăn trâu thì sao?" - tôi cự. "Thôi thôi hai đứa!" - má chỉ vào ba đang thiu thiu gục đầu bên thành xe, ra hiệu cho hai anh em yên lặng.

Hơn nửa ngày ròng rã, gia đình tôi cũng về đến quê. Trong khi mọi người khuân dọn đồ đạc, tôi le te xách mấy cái túi xuống trước, nôn nao xem căn nhà mới của mình trên cái nền cũ ngày xưa, cảm giác thân thương không chi bằng. Căn nhà rộng thênh nền được láng xi-măng ra tới hiên, vách quây bằng mấy tấm liếp còn thơm mùi tre ngâm. Mọi thứ trong vườn vẫn như xưa… Ngày ba đưa cả gia đình lên thành phố, cô bé là tôi lúc đó mới bảy tuổi học lớp hai trường làng. Những ký ức ngày thơ dại vẫn còn nguyên vẹn bỗng sống lại, rưng rưng…

Tôi chạy chân trần ra cánh đồng trước ngõ. Đã vào mùa thu hoạch, dưa chất đống trên những cánh đồng, bên bờ thửa lũ chim trời dập dìu từng bầy, chúng lượn lòng vòng trên cao rồi vụt qua cánh đồng bên. Vài sợi khói mỏng lơ phơ trên chái bếp nhà ai mang theo mùi cá kho nghệ thơm lừng. Lẫn trong mùi đồng bãi ngọt ngào có cả mùi của dòng sông oàm oạp phù sa châu thổ. Sau cánh cổng tre sơ sài vọng ra tiếng mẹ trẻ gọi con…, những thanh âm bao năm vẫn dậy lên ven cánh đồng rộng trải dài những vạt dưa xa tít tắp.

Chiều chập choạng, tôi về đến ngõ đã thấy khói bếp lơ phơ bay lên. Ba tất bật kê dọn đồ đạc, anh Hai ngồi bên hiên ơ thờ nhìn ra con mương trước nhà. Nghe tiếng tôi, má lật đật đi ra, mớ muội than lấm lem trên gương mặt hao gầy mà miệng má cười tươi: "Chớ đi đâu giờ này mới về, má tưởng con lạc". Ba lầm bầm: "Trên đồng, trên quê mình lạc đâu cho được, đi đâu rồi cũng về nhà". Anh Hai vẫn ngồi bó gối bên hiên làu bàu: "Tự nhiên dọn về đây chi cho cực hông biết nữa, tới wifi cũng không có!". Má lẳng lặng dọn cơm ra hiên, ba cũng không nói không rằng ngồi xuống mâm và làm một mạch ba chén cơm rồi đứng dậy.

Gà chưa lên chuồng tôi đã lăn ra ngủ sớm. Nửa đêm thức giấc nhìn ra thấy ba má và anh Hai vẫn ngồi ngoài hiên, loáng thoáng tiếng ba rì rầm, tiếng má phành phạch cầm cái quạt đuổi muỗi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

* * *

Tôi trở lên thành phố tìm nhà trọ. Hôm tôi đi, ba cột theo bao gạo, dặn dò: "Ra trường xin việc ở thành phố khó quá thì về quê xin dạy trường làng". Về quê dạy học? Nghĩ đến đó tôi đã thấy ấm áp vì được gần ba má, được thở không khí của đồng bãi, bến sông. Má liên tục lên thăm, đem theo gạo, mắm và rau củ trong vườn. Lần nào má cũng kể chuyện nhà. Chuyện ba bữa nay quay về với nghề thợ mộc, nhận đóng bàn ghế, giường, tủ việc làm không hết. Anh Hai mở tiệm sửa xe máy ở đầu làng, cũng có khách lai rai. Má ra chợ sang cái sạp bán gia vị.

Nghe chừng cuộc sống gia đình tôi đang dần yên ổn. Hôm đi học về, chưa kịp ăn xong chén cơm, tôi đã nghe má gọi. Tiếng má qua điện thoại thảng thốt: "Con về nói chuyện với ba giùm má chớ nhà mình có khấm khá chi mà ba còn dắt về con bé cháu ông già bán chiếu ngoài chợ, ổng mới mất hôm bữa. Ba nói nhà mình ráng cưu mang nó, tội nghiệp" - giọng má rầu rầu - "Mà nuôi thêm một miệng ăn trong thời buổi ni có dễ đâu con!".

Tranh thủ mấy ngày nghỉ, tôi đón xe về quê. Từ đầu ngõ nhìn vào đã thấy mấy luống rau trong vườn xanh um, ngoài sân gỗ ván phơi chất đống. Bên hiên, một con bé đang lúi húi hốt vỏ bào, ngẩng lên thấy tôi nó đứng như trời trồng, giương hai con mắt trong leo lẻo nhìn vẻ lạ lẫm. Tôi lại gần làm quen, vuốt mớ tóc bù xù cháy nắng như râu bắp của nó. Ngoài ngõ có tiếng ba kêu hời hời: "Nghé đâu, ra xách đồ vô cho ba cái coi!". Trong khi con bé còn lom lom nhìn tôi, ba đã vô tới sân, nhác thấy tôi, ba ngạc nhiên: "Về sao không báo để ba ra đón?". Nói rồi ba quay qua biểu con bé: "Thưa chị Ba chưa?".

Con bé lúc này mới khoanh tay lí nhí: "Thưa chị Ba!". Tôi kéo nó lại gần gỡ mớ tóc ra thắt bím, kẹp thêm cho nó cái kẹp của tôi. Con bé được chải chuốt nhìn đáng yêu hẳn, duy nước da đen cóc cáy không cách gì thay đổi được. Nó tỏ ra thân thiện, dắt tôi dạo quanh vườn. Trong khi ba còn cặm cụi đục đẽo ngoài sân, tôi vô bếp bắc ấm nước. Con nhỏ từ lúc tôi về đến giờ cứ lẽo đẽo bám theo, thấy tôi làm gì cũng lăng xăng phụ giúp, bếp vừa nhen nó đã lật đật lấy ống thổi lửa phù phù rồi rót ly nước chè đem ra cho ba. Ba quệt mồ hôi vô ống tay áo, đón ly nước từ tay con bé uống ừng ực.

Ngoài cổng có tiếng lạch xạch. "Má về!" - con bé reo lên, chạy ra đỡ cái giỏ trên tay má, rổn rảng: "Chị Ba mới về đó má!". Má tươi tỉnh hẳn, vô sân đặt cái gánh xuống đất ngó quanh. Con nhỏ lại lật đật đi rót nước cho má, tôi thấy trong đôi mắt đầy dấu chân chim của má ánh lên vẻ yêu thương. Hỏi tôi dăm điều ba chuyện, má quày quả ra sau hè bắt con gà mái dầu, bẻ thêm cái bắp chuối vô làm mì. Trong này, Nghé sè sẹ kéo tay tôi: "Đi chị Ba, em có cái này cho chị coi, hay lắm!".

Tôi cùng nó đi qua cánh đồng dưa, đến bên gốc sung phía sau cái miếu, con nhỏ dừng lại. Giữa bụi rậm đầy cỏ gai, một con chó vàng nằm cuộn tròn trong cái ổ lót bằng rơm và cỏ khô, quanh nó đàn chó con nhỏ xíu hồng hào bò lổm ngổm.

"Em thấy con chó mẹ có bầu lang thang ngoài chợ, nó đẻ mà không có chỗ nằm, cũng không có gì ăn, em đem tụi nó giấu ở đây chớ không dám đem về nhà. Mà chị coi nè, mới hai tuần chó con lớn như ri rồi" - con nhỏ híp mắt cười. Tôi nghe mắt mình cay cay khi nó cúi xuống thầm thì điều gì đó vào tai chó mẹ. Hai chị em ngồi bên đàn chó quên cả trời chiều sâm sẩm. Chừng sực nhớ nó kéo tay tôi: "Thôi về chị Ba, chớ để má đi kiếm!".

Hai chị em về tới cổng đã nghe mùi mì gà bay ra thơm lừng, con nhỏ chun mũi hít hà: "Có chị Ba về má nấu mì liền. Em ưng chị Ba về hoài!". Từ chái bếp liêu xiêu làn khói mỏng nhẹ bay lên, tôi nghe trong đó có mùi củi khô, mùi rơm rạ và cả mùi mồ hôi của ba má mằn mặn, âm ấm.

Vũ Ngọc Giao tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Giao, sinh năm 1972. Quê quán: huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện sống và làm việc tại TP Đà Nẵng.

Đã xuất bản:

- "Búp bê Matryoshka" (tản văn - truyện ngắn), NXB Hội Nhà văn 2019.

- "Dòng chảy" (hồi ký, chấp bút), NXB Hội Nhà văn 2022.

- "Người đàn bà và chiếc dương cầm" (tập truyện ngắn), NXB Dân Trí 2023.

- "Miền trăng tối" (tiểu thuyết), NXB Dân Trí 2023.

- "Vườn sơn tra dưới trăng" (tập truyện ngắn), NXB Dân Trí 2024.

- "Bến Mù U" (tiểu thuyết), NXB Dân Trí 2024.

Truyện ngắn của VŨ NGỌC GIAO

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khoi-am-196240615182612375.htm