Khởi công cảng Liên Chiểu: Những 'đề bài' khó cần giải

Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, với phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng, đã được khởi công hôm 14-12. Tại buổi lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu ra nhiều vấn đề mà Đà Nẵng cần giải quyết để dự án có thể hoạt động và 'tiêu' số tiền đầu tư công một cách hiệu quả.

Khu vực sẽ đầu tư cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

Khu vực sẽ đầu tư cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

Không thất thoát, không tham nhũng, đúng tiến độ và đưa vào sử dụng năm 2025, đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và giải tỏa, di dời 4.324 hộ dân xung quanh là những vấn đề khác mà Chủ tịch nước nhắc đến.

Vấn đề di dời và giải ngân

Nhìn vào thực tế, đây có vẻ như là những “đề bài” khó cho chính quyền Đà Nẵng cũng như những người thực hiện dự án cần giải quyết để có thể thu hút nhà đầu tư bến cảng khi đưa cơ sở hạ tầng dùng chung này vào hoạt động năm 2025.

Theo quy hoạch, khu vực lập quy hoạch của dự án Cảng Liên Chiểu có diện tích hơn 1.293 ha, gồm hơn 1.081 ha thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu và gần 212 ha thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Dân cư trên các địa bàn này chịu ảnh hưởng là gần 16.000 người với hơn 4.200 hộ. Nghề nghiệp chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ thương mại, buôn bán nhỏ lẻ, xây dựng, công nhân.

Hiện nay, đây là khu vực có nhiều dự án đang và chuẩn bị triển khai cũng như có nhiều dự án đang cần lập quy hoạch phân khu để xác định cụ thể các chức năng sử dụng cho từng khu đất; nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan cho toàn khu vực lập quy hoạch; chỉ tiêu về dân số.

Đặc biệt, người dân nơi đây vẫn còn nhớ bài học nhãn tiền vừa mới xảy ra. Dự án ga đường sắt tại quận Liên Chiểu được dỡ bỏ sau 18 năm quy hoạch để dời sang nơi khác, khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn. Họ cũng thấy được nhiều dự án lớn không chỉ ở Đà Nẵng mà nhiều nơi trên cả nước khởi công rồi trì hoãn thực hiện trong nhiều năm. Vì vậy, những người dân ở đây đặt dấu hỏi về thời gian thi công và hoàn thành nhiều dự án trên.

Vấn đề tiếp theo là giải ngân nguồn vốn. Vấn đề này cũng có liên quan đến việc dự án có thể thực hiện di dời các hộ dân sớm hay không.

Cụ thể, ngày 22-6-2022, UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung, bao gồm xây dựng đê chắn sóng, kè chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời. Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng là chủ đầu tư dự án.

Tổng mức đầu tư của dự án là 3.426,3 tỉ đồng (trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỉ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố Đà Nẵng). Tiến độ thực hiện đến tháng 12-2025 đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho hai bến khởi động ban đầu.

Ông Lê Thành Hưng, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng, cho hay sau hơn 500 ngày công khai đấu thầu, nhà đầu tư đã chọn được đơn vị thi công dự án. Liên danh Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân – Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô – Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng DACINCO – Công ty cổ phần Xây dựng Xuân Quang trúng thầu thi công với thời gian thực hiện hợp đồng là 1.380 ngày (gồm 1.080 ngày thực hiện và 300 ngày hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đến hợp đồng), công trình đủ điều kiện để khởi công theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, việc các bên có thực hiện đúng theo hợp đồng hay không sẽ tùy thuộc vào vấn đề giải ngân nguồn vốn từ trung ương và từ ngân sách Đà Nẵng.

Tạo ra vùng cảng biển miền Trung

Khi giải quyết xong các đề bài trên, chính quyền Đà Nẵng cũng như các bên liên quan phải giải quyết tiếp các đề bài khác. Đó là đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng. Dự án phải đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống kho bãi và các hạ tầng hỗ trợ liên quan.

Cảng biển Chu Lai tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thái Lộ

Cảng biển Chu Lai tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thái Lộ

Về vấn đề kết nối liên vùng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết việc Nhà nước đầu tư cảng Đà Nẵng không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả vùng miền Trung. Nếu chỉ một mình quy mô kinh tế của Đà Nẵng khai thác cảng thì sẽ không thể đủ quy mô kinh tế hiệu quả, khi đó việc đầu tư là không cần thiết. Thay vào đó, dự án phải hướng đến quy mô kinh tế cả vùng hay ít nhất là các tỉnh lân cận phải cùng chia sẻ không gian và hạ tầng chung, khi đó mới phát huy hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cảng biển.

“Nhận thức này cũng cần được lan tỏa trong công tác lập quy hoạch chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam nói riêng và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn có tính liên kết vùng nói chung. Vì vậy các cảng Chân Mây, Chu Lai… đều có đề án phát triển riêng”, Chủ tịch nước cho biết.

Điều này có nghĩa rằng các cảng tại khu vực Trung Trung bộ, bao gồm Chân Mây (Huế), Chu Lai (Quảng Nam), sau này là Liên Chiểu (Đà Nẵng) và một phần nào đó là Dung Quất (Quảng Ngãi) và Quy Nhơn (Bình Định), phải hợp tác với nhau để thu hút một lượng hàng lớn từ khu vực châu Á và trên thế giới.

Theo lộ trình đưa ra cho cảng Liên Chiểu, sau khi được đầu tư xong hạ tầng dùng chung vào năm 2025, cảng Liên Chiểu sẽ được phát triển và khai thác hai bến đầu tiên từ cuối năm 2026 hoặc 2027 để trước mắt thông qua lượng hàng đến 5,0 triệu tấn/năm. Đến năm 2050 con số này sẽ đạt 50 triệu tấn.

Trong khi “chờ” cảng Liên Chiểu hình thành và đi vào hoạt động, các cảng biển lân cận cũng đã có kế hoạch của mình.

Các cảng Liên Chiểu không xa, nằm bên kia đèo Hải Vân, cảng Chân Mây tại khu vực Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được đầu tư mở rộng, thêm các cầu cảng để có thể tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container, tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới, cho hầu hết thời gian trong năm (kể cả mùa mưa). Dự án này sẽ được Thừa Thiên Huế thực hiện bắt đầu tư năm nay theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579, cảng biển Thừa Thiên Huế được xác định là cảng biển tổng hợp quốc gia, cảng đầu mối khu vực (loại I).

Trong đó, khu bến Chân Mây (nằm trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô) gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, Đông Bắc Thái Lan; có khả năng tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.

Đến nay, tại khu bến Chân Mây đã đưa vào khai thác 3 cầu cảng với tổng chiều dài khoảng 910 m. Ban Quản lý Khu kinh tế- công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến số 4, số 5 cảng Chân Mây…

Một góc cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Chan May Port

Một góc cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Chan May Port

Trong khi đó, Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam (QNIZA) cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào cảng, khu phi thuế quan cũng như dịch vụ hậu cần (logistics) sau khi được Thủ tướng Chính phủ “bật đèn xanh”.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ vừa thống nhất chủ trương đầu tư mở rộng Khu kinh tế Chu lai và các khu công nghiệp khác theo hình thức xã hội hóa bên cạnh khu phi thuế quan gắn với sân bay Chu Lai (200 ha).

Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển Quảng Nam, trong đó có cảng biển Chu Lai, cảng Kỳ Hà được quy hoạch là cảng biển loại I, hiện nay đã có các tuyến vận chuyển quốc tế đi các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Để phục vụ cho quy hoạch này, QNIZA được giao kêu gọi đầu tư tuyến luồng cho tàu 5 vạn tấn để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng nhanh của các doanh nghiệp tại Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu công nghiệp khác trong tỉnh và kể cả các địa phương lân cận, dự kiến tổ chức triển khai trong năm 2023 và hoàn thành trong năm 2026.

Đồng thời, tỉnh cũng kêu gọi đầu tư mở rộng hệ thống cảng biển Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Giang, đảm bảo cảng biển Chu Lai đón tàu trọng tải đến 50.000 DWT vào năm 2030, dự báo công suất hàng qua cảng đạt từ 16 đến 18 triệu tấn/năm.

Dựa theo những quy hoạch trên, theo tính toán sơ bộ đến năm 2030, ba cảng biển tại khu vực Trung Trung bộ này đạt công suất hàng qua cảng khoảng 60 triệu tấn/năm, gấp 10 lần hiện nay và bằng tổng lượng hàng trong một tháng của hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay. Một con số lớn và đầy thách thức.

Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khoi-cong-cang-lien-chieu-nhung-de-bai-kho-can-giai/