Khởi công cao tốc đầu tiên của Tây Nguyên: Con đường khát vọng
Ngày 18-6-2023 đánh dấu một sự kiện lớn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng: Cao tốc đầu tiên của vùng chính thức được khởi công, nối cao nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ tại tỉnh Khánh Hòa.
Sơ đồ toàn tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có chiều dài bằng một nửa Quốc lộ 26 cũ.
Ước mơ thành hiện thực
Bốn năm trước, ý tưởng xây dựng cao tốc đầu tiên của Tây Nguyên nối thủ phủ của vùng là thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) với thành phố Nha Tranh (tỉnh Khánh Hòa) thay cho quốc lộ 26 chật hẹp, quanh co lần đầu tiên được tỉnh Đắk Lắk đề xuất với đoàn công tác của Chính phủ vào ngày 16-9-2019. Nhưng kể cả những người lạc quan nhất lúc đó cũng nghĩ phải cả chục năm nữa, ý tưởng này mới thành hiện thực.
Nhưng từ đề xuất táo bạo và hợp lý này của địa phương, các cơ quan chức năng đã bắt tay vào cuộc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc trong dự án tạo động lực phát triển cho Tây Nguyên. Ngày 16-6-2022, sau khi xem xét đề xuất của Chính phủ, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 58/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Quốc lộ 26 cũ nay đã trở nên chật hẹp trước sự phát triển nhanh của Tây Nguyên.
Theo Nghị quyết 58, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến 117,5km (đoạn qua Khánh Hòa dài hơn 68km; qua tỉnh Đắk Lắk dài hơn 48km). Dự án có điểm đầu tại vị trí giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, điểm cuối tại vị trí giao cắt đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ có chiều dài bằng một nửa quốc lộ 26, bởi tuân thủ phương châm của Chính phủ là “qua núi làm hầm, qua vực làm cầu, tạo đường ngắn nhất”.
Đúng 1 năm sau Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ tổ chức khởi công xây dựng cao tốc đầu tiên theo trục ngang của Tây Nguyên. Ngay trước ngày khởi công (18-6), tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk đã bàn giao 71% mặt bằng dự án. Phần còn lại sẽ bàn giao ngay trong năm 2023.
Người dân xã Hòa Đông và Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã hợp tác bàn giao mặt bằng, mong dự án sớm hoàn thành.
Huyện Krông Pắc là địa phương có tuyến cao tốc đi qua dài nhất tại Đắk Lắk, lên tới 33/48km qua tỉnh. Bà Đàm Thị Đạo, người dân tại xã Ea Kênh, chia sẻ: “Người dân ở đây ai cũng đồng thuận phối hợp bàn giao mặt bằng cho dự án. Không ngờ mọi việc lại diễn ra nhanh đến vậy! Chúng tôi mong chờ con đường sớm hoàn thành, bởi tất cả sẽ có lợi ích từ chính con đường này”.
Con đường khát vọng
Là người điều hành doanh nghiệp, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk cho biết, trước đây, công ty phải vận chuyển cà phê xuất khẩu vượt 400km đường bộ xuống thành phố Hồ Chí Minh để xuất cảng. Khi có đường mới, cà phê chỉ mất hơn 2 giờ đồng hồ để đi hơn 100km cao tốc xuống Nha Trang. “Chúng tôi rất kỳ vọng vào dự án này, bởi nó không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương mà còn góp phần thu hút nhiều bạn hàng, nhà đầu tư đến Đắk Lắk”, ông Lê Đức Huy nói.
Phối cảnh một nút giao trên cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được đầu tư đoạn Km0+000 - Km7+700 (nút giao cao tốc Bắc - Nam) quy mô 4 làn xe hoàn thiện, mặt cắt ngang 24,75m; đoạn Km7+700 - Km117+500 (cuối tuyến) quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe hạn chế, mặt cắt ngang 17m. Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ là tuyến đường chiến lược, có vai trò quan trọng trong việc đánh thức và khai thác tiềm năng du lịch sinh thái Tây Nguyên và kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ.
Những vùng đất của tỉnh Đắk Lắk, nơi có dự án đi qua, mong đợi một cơ hội phát triển mới sau khi dự án hoàn thành.
Tính toán ban đầu cho thấy, khi đưa vào vận hành, dự án này tác động đến phát triển kinh tế của các địa phương và vùng hấp dẫn tăng khoảng 0,9-2,1%, trung bình 1,5%. Đối với du lịch, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển cho du khách và giúp phát triển liên kết vượt bậc kết nối “rừng” với “biển”.
“Chúng tôi gọi đây là "Con đường khát vọng". Lần đầu tiên, Tây Nguyên có đường ra biển thênh thang và ngắn đến vậy. Dự án quan trọng quốc gia này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển mạnh hơn nữa cho Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh.