Khởi công cầu đi bộ qua sông Sài Gòn 1.000 tỷ đồng

Lễ khởi công cầu đi bộ qua sông Sài Gòn dài 720m, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, hứa hẹn trở thành điểm nhấn kiến trúc, thúc đẩy du lịch, giao thương TP.Hồ Chí Minh.

Thúc đẩy phát triển du lịch, giao thương

Sáng nay, ngày 29/3, UBND TP. Hồ Chí Minh chính thức khởi công dự án xây dựng cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn, kết nối trung tâm quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm - TP. Thủ Đức. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Công trình không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đô thị mà còn tạo thêm điểm nhấn kiến trúc, thúc đẩy phát triển kinh tế - du lịch của TP. Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.

Theo Sở Giao thông công chánh TP. Hồ Chí Minh: Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có tổng chiều dài 720m, chiều rộng từ 6 đến 11m với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Đây là cây cầu bộ hành đầu tiên tại Việt Nam áp dụng kết cấu vòm thép không gian - một giải pháp kỹ thuật tiên tiến, giúp công trình trở thành một trong những cây cầu đi bộ độc đáo nhất thế giới.

Cầu được xây dựng với điểm đầu tại khu vực Công viên bến Bạch Đằng (cách công trường Mê Linh khoảng 125m về phía Nam) và điểm cuối tại Công viên bờ sông thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Với vị trí chiến lược, công trình không chỉ giúp người dân và du khách di chuyển thuận tiện mà còn tạo không gian công cộng xanh, thúc đẩy giao thông bền vững.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông công chánh TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại buổi lễ.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông công chánh TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại buổi lễ.

Cầu đi bộ không chỉ phục vụ người đi bộ mà còn có làn riêng dành cho xe đạp. Bên cạnh đó, kết cấu cầu được thiết kế đủ chắc chắn để chịu được tải trọng của xe cứu thương tối đa 3 tấn, bảo đảm an toàn trong các tình huống khẩn cấp.

Đặc biệt, hai bên cầu là lối đi rộng rãi dành cho khách tham quan, nghỉ ngơi, chụp ảnh, kết hợp với dải phân cách mềm có thể tháo lắp linh hoạt. Theo đó, cầu có thể được sử dụng để tổ chức các sự kiện cộng đồng, tạo không gian sinh hoạt văn hóa đặc sắc cho người dân.

Biểu tượng kết nối - mở rộng không gian phát triển

Chia sẻ tại sự kiện, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - bày tỏ: Hôm nay, trong không khí cả nước hân hoan hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta vui mừng, phấn khởi và long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.

Mô hình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.

Mô hình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.

Nhấn mạnh công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng về kết nối giao thông mà còn mang tính biểu tượng kết nối, mở rộng không gian phát triển khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường cho biết, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn nối liền hai công viên, nằm ở vị trí đặc biệt ngay tại khu vực trung tâm thành phố.

Chính vì vậy, sau khi hoàn thành, đây sẽ là địa điểm lý tưởng phục vụ người dân và du khách trải nghiệm, thư giãn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông Sài Gòn và cảnh quan khu vực. Điểm độc đáo của cầu là thiết kế mang hình dáng chiếc lá dừa nước - hình ảnh thân thuộc của vùng đất Nam Bộ, phong cách ấn tượng, hiện đại.

Công trình này là minh chứng cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh với vai trò là một đô thị lớn, không ngừng hiện đại hóa, với tầm nhìn phát triển là thành phố toàn cầu nhưng vẫn giữ cho mình những giá trị văn hóa bền vững.

Phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn về đêm - Ảnh: Sở Giao thông công chánh TP. Hồ Chí Minh cung cấp

Phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn về đêm - Ảnh: Sở Giao thông công chánh TP. Hồ Chí Minh cung cấp

“Đặc biệt, công trình cùng với dòng sông Sài Gòn sẽ như một minh chứng cùng thời gian, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ và khát vọng vươn lên không ngừng của Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu trong niềm tri ân và tự hào với lịch sử" - Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông công chánh TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn không chỉ đơn thuần là một công trình hạ tầng giao thông, mà còn là biểu tượng của sự kết nối, phát triển bền vững và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trong quá trình thi công, các đơn vị sẽ áp dụng công nghệ hiện đại, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng.

Dự kiến, công trình hoàn thành vào dịp 30/4/2026. Khi đưa vào sử dụng, cầu sẽ trở thành động lực khuyến khích lối sống năng động, lành mạnh, thân thiện với môi trường của người dân. Qua đó, góp phần xây dựng một cộng đồng vững mạnh cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khoi-cong-cau-di-bo-qua-song-sai-gon-1000-ty-dong-380553.html