Khởi công xây dựng công trình Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2
Cảng Chân Mây có vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng, là cảng biển tổng hợp Quốc gia, đầu mối khu vực và là cảng nước sâu, điểm cuối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; hội đủ các điều kiện, có khả năng tiếp nhận đồng thời các loại tàu cỡ lớn và hiện đại của thế giới; phục vụ chuyển tiếp hàng quá cảnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan, có vai trò điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...
Ngày 08/10/2022, tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu kinh tế, công nghiệp Thừa Thiên - Huế (Chủ đầu tư dự án) đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình Đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2).
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương tham dự và phát lệnh khởi công công trình.
Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2) được triển khai xây dựng nhằm hoàn thiện quy mô đê chắn sóng cảng Chân Mây theo Quy hoạch chi tiết xây dựng cảng đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt tại Quyết định số 2063/QĐ-UBND ngày 29/10/2010, với quy mô kéo dài đê chắn sóng thêm 300m, hoàn thiện tổng thể chiều dài đê chắn sóng đạt 750m theo quy hoạch.
Các thông số chính của dự án gồm: Đầu tư xây dựng kéo dài Đê chắn sóng cảng Chân Mây thêm 300m (tổng chiều dài 2 giai đoạn là 750m); Dịch chuyển luồng tàu đến vị trí mới cách luồng cũ khoảng 50m, giữ nguyên hướng tuyến Tây Bắc - Đông Nam và có góc phương vị 147 o 00-327 o 00; Khu quay trở tàu D = 470m vẫn bố trí trước bến số 1 hiện tại.
Kết cấu công trình sử dụng là dạng đê chắn sóng mái nghiêng phủ khối bêtông phức hình RAKUNA IV. Thông số và kết cấu đê chắn sóng có cao độ đỉnh đê +7,0m; mặt đê là kết cấu tường đỉnh; mái dốc thân đê m = 4/3. Đoạn thân đê sử dụng khối phủ phía biển là các khối Rakuna có trọng lượng khối 40T, phía cảng là khối Rakuna16T. Lớp lõi đê sử dụng loại đá hỗn hợp có trọng lượng 5÷300kg; Lớp đá đệm dưới chân lớp đá chống xói là đá loại 5÷300kg được phủ toàn bộ chiều rộng hố móng. Xử lý nền đê chắn sóng đất yếu bằng phương pháp nạo vét lớp bùn yếu và thay thế bằng cát từ hoạt động nạo vét, thu hồi cát tại cửa Thuận An. Nạo vét khơi thông dòng chảy, nâng cao năng lực thoát lũ cửa biển Thuận An: Đáy nạo vét là -4,5m so với độ cao luồng quy hoạch.
Việc hoàn thiện Đê chắn sóng cảng Chân Mây không những tăng năng lực khai thác hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển Khu bến Chân Mây nói riêng, cảng biển Thừa Thiên Huế nói chung; còn góp phần thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021.
Tổng mức đầu tư của dự án là 757 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là 680 tỷ đồng, với nguồn vốn là Ngân sách nhà nước, bao gồm vốn Ngân sách Trung ương và Ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nhà thầu khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng là Liên danh CEOTIC – ICOFFSHORE ( gồm các thành viên: Công ty Cổ phần Tư vấn và kỹ thuật hạ tầng giao thông; Viện Xây dựng công trình Biển).
Nhà thầu thi công xây dựng: Liên danh Đạt Phương - Lũng Lô - Mạnh Linh - Long Phụng ( gồm các thành viên: Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương, Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, Công ty TNHH Xây dựng Mạnh Linh, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xây dựng Long Phụng).
Dự kiến dự án sẽ hoàn thành sau 1.250 ngày tính từ ngày khởi công.
Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2) đã cụ thể hóa, hiện thực hóa mục tiêu, chủ trương của tỉnh và quyết tâm thực hiện Chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 25/5/2009 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung, huy động mọi nguồn lực, từng bước đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kinh tế - xã hội; sớm đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.
Để triển khai, hoàn thành dự án đúng kế hoạch, ông Nguyễn Văn Phương đề nghị Chủ đầu tư, các nhà thầu tập trung các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, tổ chức thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, cảnh quan, môi trường công trình, khu vực và cộng đồng bị tác động bởi Dự án.
“Đề nghị UBND huyện Phú Lộc, UBND thành phố Huế phối hợp với Chủ đầu tư tạo điều kiện tối đa để nhà thầu thi công, hoàn thành đúng thời hạn; thực hiện tốt
công tác bảo vệ an ninh, trật tự và an toàn giao thông trong suốt thời gian thi công xây dựng”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Cảng Chân Mây có vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng, là cảng biển tổng hợp Quốc gia, đầu mối khu vực và là cảng nước sâu, điểm cuối tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây; hội đủ các điều kiện, có khả năng tiếp nhận đồng thời các loại tàu cỡ lớn và hiện đại của thế giới; phục vụ chuyển tiếp hàng quá cảnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan, có vai trò điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Là cảng biển du lịch, được Hiệp hội Du thuyền Quốc tế khu vực Châu Á lựa chọn là một trong 46 cảng dừng chân ở khu vực Đông Nam Á.
Cảng Chân Mây nằm giữa tuyến hàng hải kết nối Singapore và Hongkong (Trung Quốc); hội đủ các điều kiện, tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho tỉnh Thừa Thiên - Huế và cả nước. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2 Dự án Đê chắn sóng với chiều dài 750m; và các cầu cảng tiếp theo với chiều dài đến 1.450m, cảng Chân Mây đảm bảo các điều kiện và khả năng tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container và tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới, cho hầu hết thời gian trong năm (kể cả mùa mưa).