Khởi đầu một năm 'được mùa' của du lịch Việt

Tết Nguyên đán năm nay thời tiết đặc biệt thuận lợi, cùng với đó, tư duy về việc 'chơi Tết' vui hơn 'ăn Tết' đã khiến cho nhiều gia đình 'xách ba lô lên và đi' đón Xuân ở một nơi xa. Sau chuỗi ngày dài nghỉ lễ, nhiều địa phương đã công bố số lượng khách đến đông một cách bất ngờ. Các chuyên gia du lịch khẳng định, đây là tín hiệu vui, tạo đà cho du lịch phục hồi sau một thời gian dài 'khủng hoảng' do dịch bệnh.

Các lễ hội Xuân thu hút sự tham gia của rất nhiều du khách

Các lễ hội Xuân thu hút sự tham gia của rất nhiều du khách

Hà Nội “được mùa” những ngày đầu năm mới

Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ đô ước đón 653 nghìn lượt khách, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế tăng 2,2 lần so với cùng kỳ 2023 với gần 103 nghìn lượt; khách du lịch nội địa tăng 12,2% với 550 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2,35 nghìn tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2023. Công suất bình quân khối khách sạn ước đạt 59,6%, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Để có được con số đáng mơ ước này, ngay từ trong năm, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Nội đã chủ động nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu, thị hiếu của khách, đồng thời tăng cường công tác phòng chống dịch dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách. Với tinh thần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đưa văn hóa trở thành tài nguyên và động lực để phát triển kinh tế, chuỗi các hoạt động, sự kiện được diễn ra từ trước Tết kéo dài xuyên Tết làm cho du khách đến Thủ đô được sống trong không khí Tết cổ truyền.

Lễ hội Gióng Sóc Sơn, Hà Nội vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm

Lễ hội Gióng Sóc Sơn, Hà Nội vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm

Theo số liệu cung cấp từ các điểm đến di tích, bảo tàng, công viên, khu sinh thái, nghỉ dưỡng du lịch trên địa bàn, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán: Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hơn 106.000 lượt khách; Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đón hơn 48.700 lượt khách; Khu di tích Cổ Loa đón 25.000 lượt khách; Điểm du lịch làng cổ Đường Lâm đón khoảng 15.000 lượt khách; Điểm chùa Tây Phương đón trên 32.000 lượt khách; Cụm di tích đền Hai Bà Trưng đón 16.000 lượt khách; Điểm di tích Nhà tù Hỏa Lò đón 13.000 lượt khách; Khu di tích Thành cổ Sơn Tây và phố đi bộ đón khoảng 25.000 lượt khách…

“Cao nguyên đá” khách đông như trảy hội

Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2024, lượng khách du lịch của tỉnh đạt 141.200 lượt, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế là 1.589 lượt, khách nội địa 139.611 lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt trên 350 tỷ đồng.

Xin chữ đầu Xuân, một phong tục được nhiều người lựa chọn để lấy may đầu năm

Xin chữ đầu Xuân, một phong tục được nhiều người lựa chọn để lấy may đầu năm

Để có được con số ấn tượng này, ngay từ cuối năm 2023, Sở VHTT&DL Hà Giang đã ban hành các văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các làng văn hóa du lịch, khu, điểm du lịch chuẩn bị tốt các hoạt động tham quan, trải nghiệm cho khách du lịch, công tác vệ sinh môi trường và ứng xử văn minh du lịch được chú trọng. Tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch mở cửa phục vụ khách trong dịp Tết Nguyên đán, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định về niêm yết giá, không để xảy ra tình trạng tùy tiện tăng giá, ép khách, ảnh hưởng đến du lịch Hà Giang. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở lưu trú tổ chức đón Giao thừa cho khách du lịch. Được biết, trong dịp Tết Nguyên đán, toàn tỉnh có gần 600 cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, điểm mua sắm, trạm dừng chân mở cửa phục vụ khách du lịch xuyên Tết.

Nhiều năm trở lại đây, với số lượng khách tăng rõ rệt, các dịch vụ du lịch tại Hà Giang dần phong phú và chuyên nghiệp hơn. Không ít nơi đã hình thành nên những bản du lịch cộng đồng, đồng bào dân tộc được hướng dẫn làm du lịch, cải thiện đời sống. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, cùng với hạ tầng, giao thông cơ bản đáp ứng được nhu cầu khách du lịch, Hà Giang tiếp tục là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước.

Du thuyền trên sông Nho Quế

Du thuyền trên sông Nho Quế

Du xuân trên đỉnh Fansipan

Những ngày đầu năm mới, nhiều du khách đã chọn Sa Pa (Lào Cai) là điểm đến. Năm nay dù kinh tế khó khăn, dự báo chi tiêu giảm, nhưng nhiều điểm đến ở Sa Pa vẫn đón hàng chục nghìn khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay từ sớm mùng 1, tại khu vực ga cáp treo lên đỉnh Fansipan, hàng dài du khách đã xếp hàng đợi mua vé.

Từ ngày mùng 3, không khí xuân tại đây càng nhộn nhịp hơn khi diễn ra “Lễ hội khèn hoa” và “Hội Xuân mở cổng trời Fansipan” với nhiều trải nghiệm tâm linh và đón Tết vùng cao ý nghĩa.

Du lịch biển đảo hút khách

Du lịch biển đảo năm nay đặc biệt nhộn nhịp khi nhiều du khách muốn lựa chọn tránh rét miền Bắc hoặc mong muốn những trải nghiệm Tết độc lạ. Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang tấp nập đón khách đầu năm mới với lượng khách đông nhất kể từ thời điểm sau dịch.

Tại khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng, Công viên châu Á - Asia Park mở cửa từ mùng 2 Tết, sôi động với hàng chục nghìn khách đến vui chơi, tăng 366% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Quốc đang là mùa đẹp nhất trong năm, do đó liên tiếp đón nhiều chuyến bay từ Thái Lan, Malaysia, Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Mỹ, Mông Cổ... với hàng chục ngàn du khách. Hiện mỗi ngày, có trên 2.000 khách quốc tế đến Đảo Ngọc. Từ ngày 15-2 (mồng 6 Tết), một sân khấu rối nước trên biển đầu tiên tại Việt Nam sẽ được dựng để du khách đến Phú Quốc có thể thưởng thức loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.

Ghé thăm “Nóc nhà Nam bộ”

Là điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng bậc nhất cả nước, từ ngày đầu năm mới, du khách khắp các tỉnh đã đến núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) chiêm bái, cầu tài lộc tại quần thể các chùa Núi Bà, chiêm bái quần thể tâm linh kỳ vĩ trên “nóc nhà Nam bộ”.

Từ mùng 1, du khách đã tấp nập tới “Hội xuân Di Lặc” trên núi Bà Đen để dâng hoa đăng, xem biểu diễn lân sư rồng, trình diễn nghệ thuật kết hợp các vũ điệu dân gian, thưởng thức show nhạc nước ấn tượng ngay dưới chân Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc và gửi gắm ước nguyện về một năm mới nhiều hỷ lạc. Từ ngày 13-2 (mùng 4 Tết), du khách đến với núi Bà Đen càng nhộn nhịp hơn nữa khi khu du lịch chính thức khai mạc Hội Xuân núi Bà Đen 2024 với chủ đề “Hương sắc Tây Ninh”. Hội xuân năm nay tiếp tục được tổ chức quy mô với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc trong suốt tháng Giêng năm Giáp Thìn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khoi-dau-mot-nam-duoc-mua-cua-du-lich-viet-post567302.antd