Khơi dậy nét đẹp văn hóa dân tộc Mường
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết 179 của HĐND tỉnh về quy hoạch, phát triển văn hóa tỉnh đến năm 2020...
(baophutho.vn)
- Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết 179 của HĐND tỉnh về quy hoạch, phát triển văn hóa tỉnh đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc vùng Đất Tổ…, nhiều năm nay, các địa phương, nhất là các huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống đã có nhiều giải pháp hữu hiệu, cách làm sáng tạo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống mai một qua thời gian nay đã được khôi phục gần như nguyên trạng và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội vùng cao...
Nếp sống ngàn xưa...
Trong nền văn hóa chung của đất nước, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng được hun đúc qua hàng ngàn năm. Cùng với 54 dân tộc như: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Mông, Sán Dìu…, dân tộc Mường mang trong mình sức sống mạnh mẽ, lâu bền với bản sắc văn hóa mộc mạc, giản dị mà độc đáo, ấn tượng, góp phần làm nên truyền thống văn hóa đa dạng cho đất nước Việt Nam. Trải qua thời gian, biến động lịch sử và tác động của cơ chế thị trường, các phong tục tập quán của người Mường dần bị mai một, lớp trẻ không còn mặn mà với tiếng nói, trang phục hay các giá trị văn hóa mà tổ tiên để lại. Trước thực trạng đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường.Đồng chí Bùi Ngọc Hà- Chủ tịch UBND xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn cho biết: “Xã có 90% dân số là dân tộc Mường. Tuy nhiên, do sự xâm nhập của nền văn hóa từ bên ngoài, nhiều thanh niên hiện giờ không biết nhiều về những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Những điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc Mường đang dần mai một. Thế nên khi Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường được triển khai trên địa bàn, bà con rất phấn khởi, tích cực hưởng ứng”. Năm 2018, xã đã thành lập Câu lạc bộ văn hóa Mường với 15 thành viên tham gia. Sau 3 năm hoạt động, Câu lạc bộ văn hóa Mường đã tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Nhiều trò chơi dân gian như hát ví, múa mỡi, đâm đuống, cồng chiêng đã được khôi phục, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy những nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Mường. Đặc biệt, Câu lạc bộ văn hóa Mường còn được lựa chọn là điểm nhấn trong tour du lịch cộng đồng bản Chuôi, xã Khả Cửu để du khách tới thăm và trải nghiệm do chính các thành viên trong câu lạc bộ biểu diễn, bước đầu thu hút hàng ngàn khách đến thăm quan, chụp ảnh. Ngoài những đoàn khách trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc Mường trong nước, còn có những đoàn khách quốc tế đến từ các nước: Ấn độ, Nhật, Hàn Quốc... cảm nhận chung đều để lại những cảm xúc, ấn tượng tốt trong lòng du khách. Đến nay xã đã sưu tầm được một số công cụ lao động, nhạc cụ như: Cối giã gạo, khung cửi dệt vải, cọn nước, 2 đuống, 15 xênh tiền, 11 nhà sàn...Mấy năm gần đây, ngôi nhà sàn cổ của gia đình ông Đinh Văn Khánh ở bản Chuôi, xã Khả Cửu đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và nghỉ ngơi. Nhiều vật dụng truyền thống của người Mường vẫn được gia đình ông Khánh lưu giữ và bảo quản cẩn thận như: Cối xay lúa, cuốc, liềm, hái, cọn nước, khung cửi, chõ đồ rau, đồ xôi… Đến tham quan, trải nghiệm, du khách còn có cơ hội thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc của đồng bào Mường cùng tiếng chiêng, câu hát Ví, hát Rang của những trai thanh gái tú trong bản được người lớn tuổi truyền dạy. Bà Hà Thị Vân, 68 tuổi nghệ nhân hát Ví cho biết: “Vào những ngày đầu năm mới và những dịp lễ hội, người dân trong bản lại ngồi quanh bếp lửa hồng cùng nhau hát những làn điệu ví trao duyên cho đến thâu đêm, suốt sáng. Không ít đôi trai gái đã thành duyên vợ chồng nhờ những câu hát ví tha thiết, tình tứ này. Để giữ lại những làn điệu hát đó, tôi thường xuyên truyền dạy cho con cháu trong gia đình và trai gái trong bản những câu hát do mình tự sáng”.
… lan tỏa hôm nayNhững năm qua, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung và dân tộc Mường nói riêng luôn được tỉnh quan tâm bằng nhiều giải pháp và việc làm thiết thực. Đặc biệt, huyện Thanh Sơn đã ban hành Kế hoạch triển khai “Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện Thanh Sơn” bước đầu đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo nhân dân và các ngành, địa phương, triển khai thực hiện. Sau 4 năm triển khaiĐề án đã bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Huyện đã ra mắt gần 100 Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường; bảo tồn trên 300 chiếc chiêng; 400 bộ quần áo, gần 100 nhà sàn truyền thống và nhiều đồ dùng lao động, sản xuất, sinh hoạt vẫn được bảo tồn trong các gia đình đồng bào dân tộc Mường; phục dựng 3 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian: Diễn tấu cồng chiêng, chàm đuống, chạm ống, múa sênh tiền, múa trống đu và hát Ví, hát Rang; lễ hội truyền thống đình Lưa, xã Tân Lập và phục chế hiện vật là công cụ, dụng cụ lao động sản xuất, nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mường như: Cối giã gạo, khung cửi dệt vải, cọn nước... văn hóa ẩm thực như: Xôi ngũ sắc, thịt luộc, măng chua nấu thịt gà, thịt trâu nấu lá lồm, cá nướng, cơm lam, canh đắng.., công cụ lao động sản xuất, đồ gia dụng, trang phục, y phục... và những lễ hội truyền thống như: Tục thờ cúng tổ tiên, lễ đóng, mở cửa rừng; Tết thanh minh 3/3; Tết mùng 7/7; lễ cúng cơm mới... Cùng với đó, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được phát triển sâu rộng ở cơ sở, trong các cơ quan, trường học. Các Câu lạc bộ được thành lập không chỉ phát huy những giá trị văn hóa dân tộc truyền thống của dân tộc Mường mà còn góp phần nâng cao giá trị, ý thức của cán bộ, người dân trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa mà ông cha đã tạo dựng. Từ đó đã góp phần phục dựng, gìn giữ, bảo tồn những nét văn văn hóa độc đáo, đặc sắc đang có nguy cơ bị mai một của đồng bào Mường.
Đồng chí Nguyễn Duy Phượng- Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương cho biết: “Thông qua việc phục dựng lại các yếu tố văn hóa đã bị mai một, giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống điển hình của dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh một cách lâu dài, bền vững. Việc phục dựng, khảo sát, nghiên cứu được tiến hành một cách khoa học, đúng, đủ các yếu tố văn hóa truyền thống tuyệt đối tránh việc áp đặt chủ quan hoặc thêm bớt làm sai lệch di sản”.Cùng với huyện Thanh Sơn, huyện Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy... nơi có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống cũng có nhiều cách làm khá hiệu quả nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Tuy nhiên, do đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng truyền miệng, hiện nay lớp người cao tuổi ngày càng ít đi, lớp trẻ không mấy mặn mà, vì vậy một số di sản đang dần bị mai một. Bên cạnh đó, do tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường cùng với sự giao lưu, hội nhập toàn diện nên văn hóa vật thể như kiến trúc nhà ở, không gian văn hóa, một số nghề truyền thống, dụng cụ sản xuất, trang phục, vật dụng sinh hoạt, phương tiện vận chuyển đã thay đổi và cách tân rất nhiều. Hiện nay số lượng nhà sàn truyền thống còn rất ít, một số đã được cách tân, không còn giữ được nét truyền thống, một số nghề truyền thống như dệt vải cũng đã bị mai một, các dụng cụ sản xuất cũng ngày càng ít đi...Để khắc phục những khó khăn trên, các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền, quán triệt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc; từ đó góp phần cùng với các dân tộc khác hồi sinh những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202106/khoi-day-net-dep-van-hoa-dan-toc-muong-177486