Khơi dậy nguồn lực phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đang từng bước rút ngắn khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với đồng bằng và thành thị và mục tiêu 'dân thụ hưởng' đang từng bước hiện thực hóa.

Đầu tư phát triển, giảm nghèo vượt mức

Với việc thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đặc biệt là từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt mức khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,0%/năm.

Đời sống kinh tế-xã hội của Xín Mần và Hoàng Su Phì, những huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang đang dần đổi thay nhờ sự nhạy bén, năng động và tinh thần vươn lên thoát nghèo của những thanh niên dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất chổi 3S của chị em phụ nữ xã Tân Tiến, huyện Hoàng Su Phì. (Ảnh: Lê An)

Đời sống kinh tế-xã hội của Xín Mần và Hoàng Su Phì, những huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang đang dần đổi thay nhờ sự nhạy bén, năng động và tinh thần vươn lên thoát nghèo của những thanh niên dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất chổi 3S của chị em phụ nữ xã Tân Tiến, huyện Hoàng Su Phì. (Ảnh: Lê An)

Đáng chú ý, công tác giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều điểm sáng, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tại 74 huyện nghèo đã giảm còn 31,72%, giảm 6,9% so với năm 2022.

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể. Những kết quả này cho thấy sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh chương trình giảm nghèo bền vững, góp phần thu hẹp chênh lệch về mức sống giữa các vùng dân tộc thiểu số và khu vực phát triển.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi cả nước là 16%, hộ cận nghèo là 10,52%[1]. Một số chỉ tiêu cơ bản đạt được bao gồm: 98,4% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 69,1% số trạm y tế có bác sĩ, y tá khám chữa bệnh cho người dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.

Những kết quả này thể hiện rõ những tiến bộ cụ thể trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện dịch vụ tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Điều này minh chứng rõ nét cho sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác giảm nghèo và phát triển bền vững.

Đến nay, sau 5 năm thực hiện đồng thời cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách dân tộc khác, các mục tiêu đã đạt được nổi bật như sau:

Tính đến 31/12/2024, có 7 nhóm mục tiêu có thể rà soát được kết quả, trong đó có 5 nhóm mục tiêu cơ bản đạt; 2 nhóm mục tiêu chưa đạt, dự kiến có 8 chỉ tiêu sẽ sớm đạt: Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân đạt 3,7% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao); tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học, THCS, THPT đến trường; tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kì và sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi... Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu như trên sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Có thể khẳng định, với những kết quả trên đã làm thay đổi bộ mặt của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mục tiêu giảm nghèo trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng do thay đổi cách thức tiếp cận theo hướng phát huy nội lực của đối tượng thụ hưởng.

Nông dân Khmer Danh Sơn, ngụ ấp Hòa Mỹ, xã Định Hòa (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) phấn khởi vì vụ trồng trồng khoai lang trúng mùa được giá cho thu nhập ổn định. (Ảnh: Phương Nghi)

Nông dân Khmer Danh Sơn, ngụ ấp Hòa Mỹ, xã Định Hòa (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) phấn khởi vì vụ trồng trồng khoai lang trúng mùa được giá cho thu nhập ổn định. (Ảnh: Phương Nghi)

Khó khăn và thách thức

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng, môi trường sinh thái, có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và dịch vụ. Tuy nhiên hiện nay, đây vẫn là vùng khó khăn nhất với 1.551 xã đặc biệt khó khăn, 13.222 thôn đặc biệt khó khăn, là vùng 5 “nhất” so với cả nước, đó là: cơ sở hạ tầng, địa bàn khó khăn nhất; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất; khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; quốc phòng, an ninh tiềm ẩn nguy cơ nhiều nhất.

Cùng với đó là nhiều thách thức, khó khăn cần được tiếp tục giải quyết như kinh tế chậm phát triển so với tiềm năng của vùng và chưa bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tình hình an ninh chính trị vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định; các giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, thậm chí mất hẳn. Công tác xóa đói giảm nghèo có tiến bộ song tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo vẫn còn cao.

Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số chiếm 56,31% tổng số hộ nghèo của cả nước (trong khi đó tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,7% dân số cả nước); vẫn còn 40 dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%).

Chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mặt bằng chung cả nước chậm được thu hẹp (Theo báo cáo của Văn phòng giảm nghèo quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 còn 17,82% giảm 3,2 so với năm 2022 (21,02%) nhưng vẫn cao gấp 6,4 lần so với tỷ lệ nghèo chung của cả nước năm 2023 (2,78%).

Mặt khác, chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn thấp, nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu cho sự phát triển bền vững. Hệ thống chính trị cơ sở một số nơi còn yếu, đặc biệt thiếu đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ còn bất cập; chưa có giải pháp tích cực nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện công tác dân tộc cũng như chính sách dân tộc ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ là địa bàn có xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí giữa các vùng không đồng đều mà còn là địa bàn rộng, địa hình khó khăn, chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện tự nhiên...

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai như sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền trung, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long... làm cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số càng khó khăn hơn. Một số quy định chính sách dân tộc còn nội dung chưa phù hợp, chồng chéo, cơ chế phân cấp chưa rõ ràng, chưa có cơ chế đặc thù để xử lý những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là những khó khăn về kinh tế của đất nước, an ninh chính trị vùng biên giới dẫn đến một số địa bàn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh, trật tự.

Bà con dân tộc Dao đỏ, Cao Bằng sử dụng điện thoại để tiếp cậm thông tin. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bà con dân tộc Dao đỏ, Cao Bằng sử dụng điện thoại để tiếp cậm thông tin. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đánh thức tiềm năng phát triển

Thời gian tới, để tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác dân tộc, chính sách dân tộc gắn với đẩy mạnh thực hiện giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng cường quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trên cơ sở đó đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát huy sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, phát huy tổng hợp sức mạnh của các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm khơi dậy tinh thần và ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng chung tay phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc,

Thứ hai, để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong tình hình mới, cần tăng cường công tác hoàn thiện thể chế, quy định và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi; nhận thức đúng đắn, thống nhất quan điểm trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát và phân bổ nguồn lực hợp lý. Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết trong chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc.

Thứ ba, trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc từ Trung ương đến địa phương cần phải quyết liệt, kịp thời, đồng bộ; kịp thời phát hiện khó khăn vướng mắc và kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết, không để chậm trễ kéo dài. Công khai minh bạch trong chỉ đạo, điều hành để củng cố niềm tin trong Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,0%/năm. Đến nay, 98,4% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.

Thứ tư, đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân nhằm “phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”. Huy động, tăng cường các nguồn lực cho đầu tư, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ưu tiên đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo, phòng chống thiên tai, phát triển nhanh kinh tế - xã hội, giải quyết những khó khăn, bức xúc nhất của đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện nghiêm việc công khai các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư... để đồng bào biết và tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện.

Thứ năm, duy trì và nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc thông qua việc tăng cường đầu tư có trọng điểm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, cũng như nâng cao năng lực quản lý tại địa phương. Đặc biệt, cần có các chính sách khuyến khích sự tham gia chủ động của cộng đồng và doanh nghiệp trong các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.

Những chính sách nổi bật được triển khai trong năm 2024 đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Các kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế là minh chứng cho sự quyết tâm và nỗ lực của các cấp chính quyền cũng như sự đồng lòng của người dân địa phương.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi có tiềm năng trở thành những khu vực phát triển năng động, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc.

[1] Quyết định số 134/QĐ-LĐTBXH ngày 31/01/2024 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

HOÀNG VĂN TUYÊN

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khoi-day-nguon-luc-phat-trien-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-311924.html