Khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo
Với phương châm 'học đi đôi với hành', những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thị xã Quảng Trị đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh các hoạt động tìm tòi, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học. Qua đó, khơi dậy niềm đam mê, phát huy tiềm năng sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) trong học sinh.
Với mục đích khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống; đồng thời tạo cơ hội để giáo viên, học sinh giới thiệu sản phẩm của bài học STEM, năm học 2024-2025, sau khi ban hành kế hoạch tổ chức, Cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp thị xã và trưng bày sản phẩm giáo dục STEM đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của học sinh các trường học trên địa bàn.
Theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Quảng Trị Cao Nguyên Vũ, những năm học vừa qua, phong trào nghiên cứu khoa học và giáo dục STEM của thị xã đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, các sản phẩm, giải pháp, mô hình tham dự các cuộc thi KHKT học sinh trung học hằng năm được đầu tư bài bản, chất lượng, có nhiều ý tưởng mới cũng như khả năng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp một cách hoàn chỉnh. Nhiều sản phẩm gắn với đời sống thực tiễn, có tính khả thi cao, được hội đồng ban giám khảo đánh giá toàn diện.
“Năm học này là năm đầu tiên Phòng GD&ĐT thị xã Quảng Trị tổ chức Cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp thị xã và tiến hành trưng bày sản phẩm giáo dục STEM cấp Tiểu học và THCS. Theo đó, đã có 50 sản phẩm giáo dục STEM được trưng bày, trong đó có 19 sản phẩm giáo dục STEM của 19 học sinh tham gia dự thi; có 6 dự án tham gia dự thi Cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp thị xã.
Thông qua cuộc thi nhằm đánh giá chất lượng công tác triển khai nghiên cứu khoa học và giáo dục STEM tại các nhà trường, đồng thời là căn cứ để Phòng GD&ĐT tuyển chọn những dự án, sản phẩm đạt chất lượng cao để tham gia dự thi cấp tỉnh. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để học sinh giới thiệu kết quả nghiên cứu KHKT của mình, tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các trường trên địa bàn thị xã.
Đặc biệt, cuộc thi góp phần thúc đẩy việc đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các trường THCS, Tiểu học và THCS, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, ông Vũ nhấn mạnh.
Dự án “Chế tạo nước rửa chén bát sinh học từ quả bồ kết, bồ hòn và vỏ bưởi” của nhóm học sinh đến từ lớp 9A, Trường Tiểu học và THCS Hải Lệ là một trong 6 dự án tham dự cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp thị xã năm học 2024-2025 được ban giám khảo đánh giá rất cao về tính sáng tạo và tính ứng dụng trong đời sống thực tiễn.
Em Phạm Quý Hưng, đại diện nhóm tác giả chia sẻ: “Chúng em nhận thấy, hiện nay, người tiêu dùng vẫn còn đang lựa chọn, sử dụng nhiều loại nước rửa chén hóa học được pha chế từ các hợp chất hóa học. Tuy nhiên, nước rửa chén hóa học thường có thể gây kích ứng da, mắt, hoặc hô hấp nếu tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là đối với những người có làn da nhạy cảm.
Ngoài ra, nước rửa chén hóa học có thể gây ra ô nhiễm môi trường nếu xả trực tiếp ra ngoài sau khi sử dụng mà chưa được xử lý đúng quy trình. Với mong muốn đem lại cho người tiêu dùng một sản phẩm vừa có tác dụng thông thường của nước rửa chén, vừa không độc hại với sức khỏe và thân thiện với môi trường.
Nhóm chúng em đã lựa chọn đề tài “Chế tạo nước rửa chén bát sinh học từ quả bồ kết, bồ hòn và vỏ bưởi” để nghiên cứu, sáng tạo bằng cách sử dụng kết hợp giữa quả bồ kết, bồ hòn và bột vỏ bưởi khô để tạo ra một loại nước rửa chén sinh học, có tính tẩy rửa cao, dưỡng da, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, thân thiện với môi trường, đặc biệt sẽ tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn, giá rẻ tại địa phương.
Em mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều sân chơi, cuộc thi bổ ích như thế này được tổ chức tại địa phương để chúng em được phát huy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề bức thiết trong thực tiễn đời sống”.
Còn đối với em Nguyễn Thị Quỳnh Trang, học sinh lớp 9D, Trường THCS Thành Cổ, khi được tham gia trưng bày và thuyết trình về sản phẩm STEM mang tên “Ngôi nhà thông minh” tại cuộc thi năm nay, em cảm thấy rất hào hứng và thích thú.
Em Quỳnh Trang chia sẻ về quá trình tạo ra sản phẩm STEM của mình: “Ngôi nhà thông minh là ngôi nhà được lắp đặt các thiết bị thông minh thành hệ thống và được điều khiển tự động hoặc bán tự động, đảm bảo tính tiện ích, an toàn và tiết kiệm năng lượng. Để tạo ra sản phẩm “Mô hình ngôi nhà thông minh”, nhóm chúng em gồm 6 bạn đã thực hiện các bước như: Xây dựng ý tưởng dự án, lập kế hoạch thực hiện dự án, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm; Nghiên cứu kiến thức nền và xây dựng bản thiết kế mô hình ngôi nhà thông minh; Trình bày và thảo luận về bản thiết kế mô hình ngôi nhà thông minh; Chế tạo mô hình ngôi nhà thông minh...
Trước khi đến với cuộc thi cấp thị xã, sản phẩm STEM của chúng em đã được trưng bày ở lớp, đồng thời đại diện nhóm cũng đã trình bày báo cáo sản phẩm, phân tích về cấu tạo, đặc điểm mô hình ngôi nhà thông minh, nguyên lý hoạt động của các mạch điện và mạch điện điều khiển sử dụng mô đun cảm biến trong mô hình ngôi nhà, giá thành sản phẩm, phản biện các câu hỏi của các nhóm bạn.
Khi tham gia hoạt động này, em không chỉ được thể hiện niềm đam mê sáng tạo mà còn được giao lưu, học hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, giúp chúng em không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm có ích trong cuộc sống hằng ngày”.
Qua các dự án, mô hình tham dự Cuộc thi KHKT dành cho học sinh phổ thông và trưng bày sản phẩm giáo dục STEM cho thấy, hầu hết các ý tưởng của các em đều gắn với đời sống thực tiễn, phù hợp với điều kiện nghiên cứu trong trường.
Đặc biệt, thông qua nghiên cứu, sáng tạo KHKT, các em đã tìm cách vận dụng những kiến thức mình thu nhận được từ nhà trường, từ các nguồn tài liệu khác nhau để tạo ra những đề án thiết thực với cuộc sống hiện tại hay tạo ra những sản phẩm cụ thể có ích cho cộng đồng. Đây là kỹ năng rất cần thiết đối với mỗi học sinh trong thời kỳ hội nhập toàn cầu hiện nay - kỹ năng vận dụng lý thuyết, kiến thức đã được học để giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/khoi-day-niem-dam-me-nghien-cuu-sang-tao-190429.htm