Khơi dậy tiềm năng các khu công nghiệp
Ra đời muộn hơn so với các khu công nghiệp (KCN) khác trong vùng Đông Nam bộ từ 3-5 năm, nhưng nếu xét trên tiêu chí quy mô thì Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển KCN.
Đến nay, toàn tỉnh BR-VT có 15 KCN với tổng diện tích 8.802ha.
* Hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Những ngày này, tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX.Phú Mỹ) đang khẩn trương hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1 theo kế hoạch đã được phê duyệt. KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 là một trong 2 dự án KCN kiểu mẫu của cả nước, nằm trong thỏa thuận hợp tác và phát triển được ký kết giữa Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 11-2011. Dự án này cũng nằm trong Chương trình sáng kiến phát triển kinh tế địa phương của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA cùng chính quyền tỉnh BR-VT hỗ trợ để phát triển thành một KCN kiểu mẫu. Đến nay, giai đoạn 1 KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã đạt tỷ lệ lấp đầy 54%, với 19 dự án đã được cấp phép đầu tư trên tổng diện tích 150ha.
Không chỉ có KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, hiện nay, hầu hết các KCN trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, đồng thời bảo đảm về tiện ích giúp các doanh nghiệp (DN) thứ cấp có đủ các điều kiện thiết yếu để sản xuất kinh doanh. Trong các KCN không chỉ có nhà xưởng, mà phải có cả các dịch vụ cho đời sống và dịch vụ sản xuất để phục vụ cho các nhà máy, xí nghiệp. Với những KCN này, tỷ lệ diện tích dành cho nhà xưởng sản xuất sẽ ít đi mà tỷ lệ về cây xanh, thương mại, dịch vụ, đời sống, thậm chí cả nhà ở, khu vui chơi giải trí sẽ nhiều lên.
* Lợi thế cạnh tranh ưu việt
Theo đánh giá của các chuyên gia, BR-VT có lợi thế lớn để phát triển các KCN nhờ vị trí địa lý chiến lược và kết nối giao thông đặc biệt thuận lợi. Nhất là trên địa bàn có hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.
Hầu hết các KCN đã được thành lập có vị trí nằm liền kề với các sông lớn, thuận tiện trong việc chuyên chở hàng hóa bằng đường thủy như KCN Đông Xuyên (TP.Vũng Tàu) nằm sát bên sông Dinh, phù hợp với khả năng phát triển hệ thống cảng từ 10 ngàn tấn trở xuống. Các KCN còn lại thuộc địa bàn TX.Phú Mỹ nằm liền kề với hệ thống sông Thị Vải - Cái Mép có khả năng đón tàu có trọng tải đến 200 ngàn tấn. Việc bố trí, quy hoạch kề cận với hệ thống cảng đã tạo cho các KCN tỉnh có lợi thế lớn về phát triển công nghiệp nặng. Từ đó, nhiều dự án quy mô sản xuất và vốn đầu tư lớn đã chọn đầu tư vào các KCN ở BR-VT để hưởng lợi thế từ hệ thống cảng nhằm giảm chi phí vận chuyển, nâng cao khả năng cạnh tranh sản xuất kinh doanh.
Cũng theo các nhà đầu tư, một trong những lợi thế của tỉnh BR-VT là mặt bằng giá thuê đất cũng rất cạnh tranh. Thông tin từ Ban Quản lý các KCN cho biết, hiện giá thuê đất tại KCN Mỹ Xuân A2 là 120 USD/m2; KCN Phú Mỹ 1, 2 là 75 USD/m2; KCN Phú Mỹ 3 là 150 USD/m2; KCN Đất Đỏ 1 là 55 USD/m2; KCN Sonadezi Châu Đức 51 USD/m2; KCN Cái Mép 80 USD/m2. Trong khi đó, những địa phương khác, giá thuê đất tại các tỉnh như: Đồng Nai, giá thuê đất từ 40-160 USD/m2/kỳ thuê 40-50 năm; Bình Dương 53-80 USD/m2/kỳ thuê 37-39 năm; Long An từ 38-220 USD/m2/kỳ thuê 44-48 năm...
Đặc biệt, để phát huy hiệu quả các KCN, tạo thuận lợi cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, tỉnh đã tranh thủ các nguồn vốn để thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. Theo đó, các tuyến giao thông huyết mạch thông suốt sẽ giúp tăng năng lực khai thác của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tạo sự kết nối vùng BR-VT với các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ, góp phần xóa bỏ tình trạng kẹt xe trên quốc lộ 51; tạo động lực để các nhà đầu tư đổ vốn xây dựng hoàn thiện hệ thống cảng và KCN; định hình dần trung tâm dịch vụ logistics của cả nước và khu vực Đông Nam Á cho BR-VT, đưa kinh tế, dịch vụ của tỉnh BR-VT tăng tốc mạnh mẽ.
* Thu hút đầu tư đúng định hướng
Thời gian qua, BR-VT đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các cụm ngành công nghiệp có mối liên kết với nhau, tạo chân hàng cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải; thực hiện điều chỉnh ngành, nghề thu hút đầu tư vào các KCN.
Tính đến nay đã có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Một số tập đoàn xuyên quốc gia đã đầu tư và đồng hành với sự phát triển của tỉnh trong những năm qua như: Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, ACDL, CJ, BP, SCG, Hyosung...
Các dự án đầu tư vào nhiều lĩnh vực, có cả các lĩnh vực quan trọng, trọng điểm như: sản xuất điện, đạm, sản xuất thép, đóng tàu, vật liệu xây dựng cũng như dịch vụ dầu khí, cùng các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ gắn liền với phát triển hệ thống cảng và dịch vụ hậu cần cảng, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.
Theo Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh BR-VT Nguyễn Anh Triết, BR-VT luôn thu hút đầu tư một cách có chọn lọc, không chạy theo số lượng để phải trả giá. Có những dự án cả tỷ USD nhưng không phù hợp với môi trường đầu tư của tỉnh nên phải từ chối.
Tính đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh có 423 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 19,6 tỷ USD. Trong đó có 221 dự án đầu tư nước ngoài và 202 dự án đầu tư trong nước. Hầu hết các dự án đầu tư sau khi được cấp phép đều được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động theo đúng tiến độ. Theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN tỉnh, các dự án trong KCN là động lực chính đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa với tỷ trọng công nghiệp rất cao trong GDP, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách. Tính riêng năm 2019, các DN trong các KCN đóng góp cho ngân sách 612 triệu USD.
Ngoài ra, thông qua khu vực KCN, nhiều nguồn lực như lao động, đất đai, tài nguyên khoáng sản trong phạm vi địa giới của tỉnh được khai thác và sử dụng mang lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt là đóng góp rất lớn vào kết quả xuất khẩu cho cả nước nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng.
Thùy Trang (tổng hợp)