Khơi dậy tiềm năng OCOP Thuận Châu

Việc phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Thuận Châu (Sơn La) được xem là 'cú hích' tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê, đến cuối năm 2022, huyện Thuận Châu có 8 sản phẩm đạt OCOP: điểm du lịch Pha Đin Top, chè Trọng Nguyên và trà Ô long Thu Đan, Mật ong Phổng Lái Thuận Châu đạt 4 sao và sản phẩm cá rô phi phile Sông Đà, cá trắm hun khói Chiềng La, Coffee Arabica Minh Trí, Thịt hun khói Tông Cọ đạt 3 sao.

Điểm nhấn OCOP Phổng Lái

Tiêu biểu như tại xã Phổng Lái đã có đến 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao là chè Trọng Nguyên của HTX Sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, trà Ô long Thu Đan của Công ty TNHH Trà Thu Đan, Mật ong Phổng Lái của HTX ong Phổng Lái. Ngoài ra, điểm du lịch Pha Đin Top của HTX Du lịch Pha Đin trên địa bàn xã Phổng Lái cũng đã được lựa chọn làm điểm sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La.

Là một trong những đơn vị tiên phong tham gia chứng nhận OCOP, bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, chia sẻ việc đạt chứng nhận sản phẩm OCOP và phát triển được vùng chè nguyên liệu rộng lớn với 750 ha không chỉ góp phần tạo nguồn thu cho gần 400 hộ trồng, chế biến, kinh doanh chè mà còn giúp địa phương giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động, đặc biệt những người làm nghề thu hái chè trong và ngoài địa bàn xã. Hoạt động này đã góp phần hoàn thành tiêu chí giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Một điểm nhấn trong sản phẩm chè OCOP của HTX là mẫu mã - hộp đựng chè được làm từ những gốc tre rất bắt mắt và phù hợp làm quà biếu, quà tặng khi đối ngoại, tặng cho du khách quốc tế. Đây cũng là điểm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Còn ông Phạm Văn Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Trà Thu Đan, cho biết bằng việc đầu tư cho chất lượng, mẫu mã, sản phẩm, chè OCOP 4 sao của đơn vị đã được nhiều khách hàng quan tâm, ủng hộ. Trung bình mỗi năm, công ty xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước 300 tấn trà ô long.

Sản xuất chè theo mô hình HTX đang là thế mạnh trong phát triển sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới ở Phổng Lái.

Sản xuất chè theo mô hình HTX đang là thế mạnh trong phát triển sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới ở Phổng Lái.

Điều đặc biệt là nhờ chú trọng cải tạo sản xuất, cùng với phát triển điểm du lịch Pha Đin Top của HTX Du lịch Pha Đin, mô hình sản xuất chè của HTX Bình Thuận còn thu hút không ít khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và đưa Phổng Lái trở thành một trong những xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao của huyện.

Việc phát triển mô hình HTX và xây dựng đa dạng các sản phẩm OCOP không chỉ cho thấy thế mạnh về nông nghiệp, du lịch của xã đã được khai thác hiệu quả. Các HTX, doanh nghiệp phát triển cùng với sản phẩm OCOP đã góp phần giúp Phổng Lái tháo gỡ được những khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí: Hình thức tổ chức sản xuất, lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập…

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 32,07 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,28%; tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động chiếm 93,63%.

Phát triển quy mô sản phẩm

Nhìn từ những thành tựu mà xã Phổng Lái có thể thấy, để có được sản phẩm OCOP, các HTX, doanh nghiệp, hộ dân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Thuận Châu đã không ngừng tâm huyết nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, tăng cường cơ sở vật chất theo hướng tự động hóa để không phụ thuộc vào thời tiết, tăng năng suất, giảm lao động thủ công, đặc biệt chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp.

Còn đối với những HTX du lịch đã không ngừng hoàn thiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đẩy mạnh liên kết để xây dựng các tour du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái… .

Nhờ đó, huyện đã bước đầu xây dựng được những sản phẩm OCOP chất lượng, có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Ngay như sản phẩm chè của HTX Bình Thuận không chỉ được bán trong nước theo hình thức truyền thống mà còn được bán trên các sàn thương mại điện tử và xuất khẩu.

Tuy nhiên, khó khăn với Thuận Châu trong thời điểm hiện nay lại nằm ở việc mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm. Số sản phẩm đạt OCOP hiện còn khiêm tốn, đi liền với đó là một vài mô hình có quy mô sản xuất chưa thực sự lớn, vẫn còn mang tính thời vụ cao, sản lượng nhỏ nên khi thị trường có nhu cầu về số lượng lớn thì các chủ thể OCOP chưa đáp ứng được.

Đặc biệt một số chủ thể có nội lực và khả năng quản trị sản xuất còn hạn chế, lúng túng trong công tác hoàn thiện hồ sơ, đưa sản phẩm tham gia đề án để được chứng nhận OCOP hoặc nâng cấp sao.

Bà Nguyễn Thị Bình cho biết mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 30 - 40 tấn chè, thị trường Đài Loan khoảng 500 - 600 tấn chè búp khô, tương đương gần 3.000 tấn chè búp tươi. Nhưng đôi khi HTX gặp tình trạng sản lượng chưa ổn định, khách yêu cầu số lượng lớn chè lại khiến HTX “quá sức”.

Để tiếp tục nối dài thành tựu phát triển OCOP và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, Thuận Châu đang tập trung củng cố, nâng cao chất lượng, nâng sao của các sản phẩm 3 sao, 4 sao đã được công nhận.

Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng của tiểu vùng, như dược liệu, dịch vụ, du lịch; thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm, nhất là các sản phẩm từ chè, cây ăn quả, chăn nuôi để tiêu thụ mạnh trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tăng giá trị của sản phẩm.

Định hướng từ nay đến 2025, huyện sẽ phát triển thêm 15 HTX nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ để khai thác, sử dụng tối ưu các tiềm năng, lợi thế và nguồn lực sẵn có của huyện trong phát triển quy mô, đa dạng sản phẩm OCOP.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/khoi-day-tiem-nang-ocop-thuan-chau-1092093.html