'Khơi dòng' cơ chế để phát triển điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp

Sử dụng điện mặt trời mái nhà giúp doanh nghiệp giải quyết được hai vấn đề mấu chốt gồm đảm bảo mục tiêu sản xuất xanh và giải quyết bài toán thiếu điện trong sản xuất. Tuy nhiên, cần có cơ chế phù hợp để phát triển loại hình năng lượng này trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Điện mặt trời là nguồn điện rẻ nhất và dễ thực hiện nhất với hiệu quả công suất đầu ra cao. Ảnh minh họa

Điện mặt trời là nguồn điện rẻ nhất và dễ thực hiện nhất với hiệu quả công suất đầu ra cao. Ảnh minh họa

Dư địa trong các khu công nghiệp còn rất lớn

Hiện nay, xu hướng thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp Việt Nam đã lên kế hoạch chi tiết cho mục tiêu sử dụng năng lượng. Theo đó, nguồn năng lượng xanh từ điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đang là nguồn điện bổ sung hữu ích nhất giúp họ giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng và được sở hữu “chứng chỉ xanh”, chứng minh cho lộ trình giảm phát thải, thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.

Phấn đấu 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Về nguồn điện mặt trời mái nhà, quy hoạch điện VIII cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 phấn đấu có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, không phát lên lưới được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.

Bên cạnh đó, xu hướng phát triển khu công nghiệp (KCN) mới phát triển đều hướng đến tiêu chí xanh, sạch, thông minh và bền vững, đòi hỏi các chủ đầu tư hạ tầng phải chú trọng các giải pháp tự động hóa, hiện đại, tối ưu. Ngoài ra, giá trị của nguồn năng lượng xanh từ ĐMTMN là rất lớn, có thể giúp mô hình KCN sớm tiến tới mục tiêu sinh thái, trung hòa carbon và phát triển bền vững.

Ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam, cho biết năm 2020, các doanh nghiệp rất hào hứng, quan tâm tới ĐMTMN cho doanh nghiệp. Chỉ trong vòng 1 năm đã thực hiện được gần 100 Megawatt (Mgw). Do đó, có thể nói dư địa cho lĩnh vực này trong các khu chế xuất (KCX), KCN là rất lớn. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh đã có gần 2.000 nhà đầu tư, nếu làm hết cũng phải gần 2.000 Mgw.

Hiện tại, chúng ta có 428 KCN và hơn 1.000 cụm công nghiệp, trong đó các nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN, KCX và khu công nghệ cao có gần 80.000 doanh nghiệp và nhà đầu tư thứ cấp. Đây là con số rất tiềm năng để phát triển ĐMTMN. Ngoài ra, hiện nay đối với nhà đầu tư, chủ đầu tư KCN, đa số các nhà đầu tư (gần 100% nhà đầu tư) quan tâm tới KCN sinh thái.

Trong các KCN, KCX có một số lượng lớn nhà đầu tư thứ cấp, nhà xuất khẩu, nếu không thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thì đó sẽ là một vấn đề rất lớn. Nếu không có chứng chỉ xanh thì rất khó xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp hiện nay đang rất quan tâm tới chuyển đổi xanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam chia sẻ.

Cần "khơi dòng" cơ chế

Theo các chuyên gia năng lượng tái tạo, phát triển ĐMTMN trong KCN cần có chính sách riêng, việc không thể bán điện dư thừa cho các tổ chức, cá nhân hoặc khấu trừ vào tổng sản lượng sử dụng dẫn đến không hiệu quả tổng thể khi đầu tư hệ thống điện mặt trời, nhất là tại khu vực có chênh lệch lớn về hiệu suất điện mặt trời theo thời điểm. Vì vậy, ngoài tự sản tự tiêu, nên cho phép mở kinh doanh điện mặt trời giữa các tổ chức cá nhân để có giá điện thấp hơn chi phí bình quân, ví dụ khu vực công nghiệp giá điện thấp hơn bình quân, hoặc dân cư khu vực nông thôn, miền núi, khu vực hành chính sự nghiệp…. để giảm lỗ cho EVN.

Ths. Phan Công Tiến - Giám đốc Viện Nghiên cứu ứng dụng năng lượng thông minh, cũng cho rằng, hiện nay các thủ tục hành chính về ĐMTMN còn quá rườm rà, điều này sẽ làm mất thời gian cho doanh nghiệp và người dân khi đăng ký thực hiện. Do đó nên xây dựng cơ chế "một cửa" trong việc xin cấp phép và kết nối vào lưới điện đồng thời số hóa việc đăng ký, phê duyệt công suất qua hệ thống phần mềm trên máy tính để tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp cũng như giảm thiểu công việc không cần thiết cho các cơ quan thực thi cấp phép.

Điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng đã chứng minh là nguồn điện rẻ nhất và dễ thực hiện nhất với hiệu quả công suất đầu ra cao. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc phân bổ "hạn ngạch" theo các tỉnh sẽ là một rào cản lớn để họ và người dân tiếp cận nguồn năng lượng quý giá này.

Về mặt quản lý hệ thống điện, việc giám sát và điều khiển điện mặt trời mái nhà từ trung tâm điều độ quốc gia có thể coi là "điểm mù" do chỉ có thể giám sát đến cấp trạm biến áp 110/22 kV trở lên. Trong khi đó, hệ thống điện mặt trời mái nhà lại ảnh hưởng từ cấp độ lưới điện hạ áp 0,4 kV. “Do đó, để giải quyết "điểm mù" này, theo kinh nghiệm từ các nước cho thấy cần phân cấp quản lý theo vùng và tăng cường sự tham gia của các công ty điện lực phân phối tỉnh/thành trong việc kiểm soát nguồn điện mặt trời phân tán" - Ths. Phan Công Tiến đề xuất.

Hiện nay một KCN, một nhà máy rất khó chuyển đổi xanh nếu như không có sự chung tay của nhà nước, địa phương thông qua những hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả. Theo nhiều chuyên gia về năng lượng tái tạo, chính phủ cần phát triển quỹ hỗ trợ nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp. Nên có gói hỗ trợ riêng hoặc ngân hàng nhà nước có gói hỗ trợ quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp có thể thực hiện được việc chuyển đổi xanh một cách đồng bộ, hiệu quả.

ÔNG TRẦN THIÊN LONG - PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC LIÊN CHI HỘI BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM: Doanh nghiệp mong chờ tính pháp lý rõ ràng

Một khu công nghiệp, một nhà máy rất khó chuyển đổi xanh nếu như không có sự chung tay của Nhà nước, địa phương thông qua những hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả. Hiện nay mọi người đang chờ nghị định của Chính phủ ban hành cho lĩnh vực ĐMTMN. Bộ Công thương cũng rất quyết liệt trong việc sớm trình chính phủ nghị định.

Tất các các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thứ cấp đều mong muốn tính pháp lý cho lĩnh vực ĐMTMN phải hết sức rõ ràng, cụ thể và phải thực hiện một cách đồng bộ,… như vậy mới phát triển được loại hình năng lượng này.

ÔNG VŨ ĐỨC GIANG - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DỆT MAY VIỆT NAM (VITAS):

Điện mái nhà đã tạo ra được thế chủ động điện năng cho doanh nghiệp

Hầu hết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sau khi được Đảng và Chính phủ tạo điều kiện, những doanh nghiệp nào đầu tư ĐMTMN ngay giai đoạn đầu thì rất hiệu quả. Với tỷ lệ 50% dùng điện áp mái của doanh nghiệp, 50% dùng của Nhà nước, từ đó có các chứng chỉ chỉ số xanh chứng minh cho các nhãn hàng (đó là điểm cộng).

Có thể nói, ĐMTMN đã tạo ra được thế chủ động điện năng cho doanh nghiệp. Đặc biệt, ở các tỉnh phía Nam thời tiết nắng chiếm 60%, trong khi miền Bắc, miền Trung thì thấp hơn chỉ tương đương khoảng 30%.

Hoàng Dương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoi-dong-co-che-de-phat-trien-dien-mat-troi-ap-mai-trong-khu-cong-nghiep-157826-157826.html