Khởi động 'cuộc đua' để miền Tây có thêm gần 200km cao tốc

Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng kết nối trung tâm vùng ĐBSCL qua địa bàn Cần Thơ, kết nối liên vùng với TP.HCM, vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khi được đưa vào khai thác (dự kiến hoàn thành năm 2026, khai thác toàn tuyến năm 2027) sẽ hiện thực hóa niềm mong mỏi của hàng triệu người dân khu vực ĐBSCL.

Hiện, các địa phương đang dồn toàn lực để triển khai thực hiện.

Chạy đua với thời gian

Cắm cọc GPMB đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang

Cắm cọc GPMB đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang

Những ngày đầu tháng 12/2022, ông Nguyễn Công Sinh, chỉ huy trưởng Tổ công tác cắm cọc GPMB (Công ty CP Tư vấn - Xây dựng Công trình 8), thở phào nhẹ nhõm khi hơn 3.000 cọc mốc GPMB của dự án thành phần 2 (đoạn qua TP Cần Thơ) và dự án thành phần 3 (đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang) thuộc Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được cắm hoàn tất, bàn giao cho địa phương.

Ông Sinh cho biết, theo kế hoạch, trong vòng chưa đầy 2 tháng, đơn vị phải hoàn thành việc sản xuất, đúc và cắm toàn bộ hơn 3.000 cọc GPMB với tuyến đường có tổng chiều dài hơn 74km.

Trong khi đó, khu vực cắm cọc lại nằm xa các trục đường lớn, men theo khu vườn và những cánh đồng nước ngập quá ngực vào mùa nước nổi.

“Nhận kế hoạch, chúng tôi phải triển khai hàng loạt các công việc khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn, làm việc với địa phương thỏa thuận các công trình trên tuyến…

Quá trình hoàn tất những thủ tục này, chúng tôi phải thực hiện song song với việc đúc và sản xuất cọc.

Việc vận chuyển đến cắm cọc cũng khó khăn vô cùng do miền Tây đang vào mùa mưa lũ, nước ngập. Nhiều nhân viên đã phải nhập viện vì làm việc kiệt sức. Tuy nhiên, may mắn là anh em đã hoàn thành được theo đúng tiến độ chủ đầu tư đã đề ra”, ông Sinh chia sẻ.

Nhiều khó khăn, thách thức

Ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ - chủ đầu tư dự án thành phần 2 cho biết, đây là lần đầu tiên TP Cần Thơ thực hiện dự án đường bộ cao tốc nên khó tránh khỏi những khó khăn và thách thức trong quá trình triển khai.

Vấn đề khó khăn nhất chính là công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các trường hợp bị ảnh hưởng. Kế đến là công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường và các thủ tục của dự án được triển khai rất gấp rút.

Khó khăn tiếp theo là vấn đề phối hợp với các huyện có dự án đi qua để công bố thông tin dự án cho người dân, lấy ý kiến của các địa phương về thông số kỹ thuật các công trình cầu, cống.

Mọi việc phải được triển khai một cách khẩn trương để đáp ứng tiến độ trình hồ sơ cho Cục Quản lý xây dựng (Bộ GTVT) có ý kiến thẩm định.

“Một vấn đề nữa chính là việc khan hiếm nguồn cung vật liệu xây dựng cho dự án, đặc biệt là vật liệu cát san lắp.

Riêng dự án thành phần 2 cần khoảng 3,5 triệu m3 cát san lấp và 200.000m3 cát xây dựng. Trong khi đó, các mỏ cát trên địa bàn không đáp ứng được”, ông Cường phân tích.

Nỗ lực vượt khó

Với những yêu cầu cấp thiết, khối lượng công việc khổng lồ, tuy nhiên chỉ sau hơn 5 tháng kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết, đến nay, các địa phương đã đạt được những tiến độ đáng kể.

Trong đó phải kể đến là hoàn thành cắm cọc mốc GPMB trên toàn tuyến. Đây là bước đệm quan trọng để các địa phương triển khai các bước tiếp theo của công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

“Trong thời gian tới, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành và bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023”, ông Lê Minh Cường cho hay.

Tại An Giang, tiến độ thực hiện dự án cũng đang có những dấu hiệu tích cực. Theo UBND tỉnh, đến nay, địa phương đã hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và trình Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) thẩm định vào cuối tháng 11/2022.

Về công tác GPMB, 4 huyện có tuyến đi qua đã ban hành quyết định thành lập hội đồng bồi thường.

Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh hoàn thành việc kiểm kê 548/550 hộ. Ngoài ra, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh An Giang cũng đã hoàn thành công tác tổ chức lấy ý kiến cộng đồng.

Tương tự, tại Hậu Giang, đến nay, chủ đầu tư đã tiếp nhận cọc, mốc GPMB, tiến hành sơ bộ thống kê số hộ bị ảnh hưởng để triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tạo sức bật cho toàn vùng

Đáng chú ý, TP Cần Thơ cũng đã đề xuất Bộ GTVT cho xây dựng 3 trạm dừng nghỉ, lần lượt bố trí tại xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang; xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ và xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Mỗi trạm rộng khoảng 5,6ha, khoảng cách giữa các trạm khoảng 50 - 60km.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối trung tâm vùng ĐBSCL qua địa bàn Cần Thơ và kết nối liên vùng với TP.HCM, vùng Đông Nam bộ và cả nước, tạo sức lan tỏa và động lực thúc đẩy liên kết hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.

“Đối với TP Cần Thơ, đây là tuyến cao tốc vành đai trục ngang đi xuyên suốt qua địa bàn TP theo hướng Đông Tây, kết nối liên thông với các trục đường tỉnh, các khu chức năng quan trọng của TP.

Hiện, địa phương đã rà soát, bố trí quy hoạch các khu chức năng quan trọng để tích hợp vào đồ án quy hoạch TP và sẽ sớm triển khai đầu tư xây dựng để đón đầu và phát huy lợi thế các trục cao tốc khi hoàn thành đưa vào khai thác”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, dự án có điểm đầu kết nối với QL91, kết nối với cửa khẩu Tịnh Biên (tỉnh An Giang) và điểm cuối kết nối với cảng biển nước sâu Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).

Mặt khác, dự án còn kết nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam. Sau khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác, chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển hệ thống logistics của tỉnh.

“Để tận dụng lợi thế đó, tỉnh cũng đã quy hoạch các khu, cụm công nghiệp kết nối tốt với hệ thống cao tốc qua địa bàn”, ông Hòa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng nhận định, dự án có tính chất liên vùng nên khi được đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, là hành lang vận tải lớn, quan trọng nhất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL.

“Với ưu thế năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, thuận tiện, an toàn, tuyến cao tốc sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách, kết nối các thị trường, tạo ra nhiều không gian phát triển kinh tế trên hành lang này”, ông Bình nói.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài hơn 188km, đi qua địa phận tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần vận hành độc lập theo địa giới hành chính của các địa phương. Tổng mức đầu tư dự án hơn 44.690 tỷ đồng.

Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào giữa tháng 6/2022. Đến ngày 25/7/2022, Chính phủ có Nghị quyết số 91 về triển khai Nghị quyết số 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.

Theo Nghị quyết của Chính phủ, các địa phương phải tổ chức lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho dự án thành phần và hoàn thành trước ngày 31/10/2022 để Bộ TN&MT thầm tra, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/11/2022. Đồng thời, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB của các dự án thành phần, cơ bản hoàn thành trước ngày 20/1/2023.

Bên cạnh đó, tổ chức lập, thẩm tra, phê duyệt dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 20/1/2023 và thực hiện các công việc tiếp theo, bảo đảm bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp để khởi công trước ngày 30/6/2023.

Lê An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khoi-dong-cuoc-dua-de-mien-tay-co-them-gan-200km-cao-toc-d578746.html