Khởi động dự án điện hạt nhân

Khi đề cập đến chủ trương phát triển điện hạt nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Điện hạt nhân ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn và tiếp tục phát triển.

Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, nơi từng quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân 2. Ảnh: X.N

Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, nơi từng quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân 2. Ảnh: X.N

Trên thực tế, đây cũng là xu thế chung đang được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn. Đối với Việt Nam, việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.

Xu thế chung của thế giới

Hiện nay, điện hạt nhân đã trở thành xu thế chính (nhất là sau những cuộc chiến tranh, xung đột, cạnh tranh địa chính trị, vấn đề an ninh năng lượng được đưa lên hàng đầu), khi vừa đảm bảo an ninh quốc gia, giá thành thấp hơn điện khí và năng lượng tái tạo, lại vừa có tính ổn định cũng như được đánh giá là “sạch” - đảm bảo được mục tiêu cắt giảm khí phát thải carbon.

Nhiều nước phát triển thời gian gần đây đã quay trở lại, tập trung vào phát triển điện hạt nhân, xem đây như là “xương sống” cho an ninh năng lượng quốc gia. Có thể kể đến như Pháp, Mỹ.

Tại Pháp, hiện nay nước này đang tham vọng tiên phong về công nghệ lò phản ứng hạt nhân nhỏ (SMR), và dự kiến đến năm 2030 sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu lò phản ứng điện hạt nhân nhỏ ra thế giới. Hiện tại Pháp mới chỉ có một dự án đang được phát triển, là dự án Nuward (Hạt nhân tiến bước).

Giới chức Pháp đang đặt mục tiêu đến năm 2030, sản xuất được ngay trên lãnh thổ Pháp một mô hình lò phản ứng SMR để sau đó phục vụ cho công tác xuất khẩu.

Tại Mỹ, mới đây, chính quyền Mỹ đặt mục tiêu đạt 200 gigawatt công suất từ các lò phản ứng hạt nhân mới, bao gồm việc khởi động lại các nhà máy đã đóng cửa và nâng cấp công suất tại các lò phản ứng hiện tại.

Đến năm 2035, kế hoạch này dự kiến sẽ mang lại thêm 35 gigawatt từ hạt nhân, và đến năm 2040 năng lượng hạt nhân tăng đều đặn 15 gigawatt mỗi năm. Đây là bước đi nằm trong chiến lược dài hạn của Mỹ với mục tiêu đưa sản lượng điện hạt nhân tăng gấp 3 lần vào năm 2050.

Nhìn lại lịch sử của điện hạt nhân, kể từ khi năng lượng hạt nhân thương mại lần đầu tiên ra đời vào những năm 1950 và 1960, các chính phủ trên toàn thế giới đã bị cuốn hút bởi tiềm năng vô tận mà nó mang lại. Các lò phản ứng hạt nhân có thể khai thác và kiểm soát sức mạnh vô cùng lớn của phân hạch nguyên tử, biến chúng thành một nguồn năng lượng dồi dào và giá rẻ.

Mỗi kilogam uranium có thể tạo ra năng lượng gấp 20.000 lần so với cùng trọng lượng than đá, khiến hạt nhân trở thành nguồn năng lượng lý tưởng cho một tương lai không còn nỗi lo thiếu điện.

15 năm thăng trầm

Điện hạt nhân là một trong những nội dung chương trình phát triển năng lượng, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia dài hạn của Việt Nam. Vấn đề này đã được đặt ra từ lâu, song về cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nên trong một thời gian dài (kể cả trước 2016) đã bị tạm dừng, chỉ ở mức ý tưởng hoặc dừng ở khâu chuẩn bị. Và số phận các dự án điện hạt nhân ở Việt Nam cũng đã trải qua 15 năm thăng trầm.

Còn nhớ, ngày 25-11-2009, Quốc hội Khóa XII đã thông qua Nghị quyết 41/2009/QH12, về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm nhà máy 1 và 2 với tổng công suất 4.000MW. Tổng mức đầu tư theo 3 kịch bản thấp 10,8 tỷ USD, cao là 11,2 tỷ USD và 12,2 tỷ USD, trên diện tích 1.642ha.

Theo Nghị quyết 41 của Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể số 460 vào ngày 18-3-2010, chia dự án này thành 7 dự án thành phần trong đó EVN được giao làm chủ đầu tư 6 dự án (chủ yếu là kỹ thuật, nhà máy) và tỉnh Ninh Thuận 1 dự án (di dân tái định cư).

Trong các năm 2010-2011, thực hiện chủ trương của Trung ương, Chính phủ đã tiến hành đàm phán với 2 quốc gia: Nga và Nhật Bản. Nga đã đồng ý hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân với công suất là 2.000MW và hỗ trợ về vốn. Còn Nhật Bản thống nhất hỗ trợ về kỹ thuật xây dựng nhà máy điện hạt nhân 2 và hỗ trợ về vốn.

Tuy nhiên, đến ngày 26-11-2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 31/2016/QH14, dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31-8-2018, về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, và hỗ trợ Ninh Thuận phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Sau khi dự án dừng thực hiện theo Nghị quyết 31, các địa điểm này (1.642ha) đã được quy hoạch làm đất dự trữ chiến lược lâu dài cho năng lượng, để có thể tiếp tục xây dựng nhà máy điện hạt nhân khi có chủ trương của cấp có thẩm quyền.

Sau đúng 15 năm, ngày 25-11-2024, thực hiện nghị quyết của Trung ương, Quốc hội đã ra nghị quyết tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Thực tế, Việt Nam trong những năm gần đây đang phải đối mặt với bài toán năng lượng ngày càng khó khăn.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, cùng với sự thay đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao, đòi hỏi một cơ cấu năng lượng mới, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Theo Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (EVNNPB), ước tính vào thời điểm dự án mới bắt đầu có chủ trương, nhu cầu nhân lực cho các dự án điện hạt nhân của Việt Nam rất lớn, đến năm 2022, số lượng nhân sự cần thiết cho 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 là 2.400 người (mỗi nhà máy 1.100 người).

Trong đó, yêu cầu về trình độ đại học 884 người, cao đẳng nghề 922 người, lao động phổ thông 394 người. Số nhân lực trên được phân theo các ngành: Điện hạt nhân 420 người, an toàn hạt nhân và kỹ thuật hóa 140 người, còn lại 320 người cho các ngành nghề khác.

Dự án điện hạt nhân trải qua 15 năm thăng trầm (2009-2024), song không hẳn là bị lãng phí. Thay vào đó, có thể thấy đây là quãng thời gian cần thiết để cho chủ trương và dự án thực sự “chín muồi”.

Có thể nhận thấy rằng, những gì đã làm được trong quá khứ đã đem lại những thành quả rất có ý nghĩa mà giờ có thể kế thừa khi có chủ trương quay trở lại với điện hạt nhân.

THANH HÀ

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/khoi-dong-du-an-dien-hat-nhan-post119231.html