Khởi động khóa học Show Don't tell dành cho các nhà làm phim trẻ tại Việt Nam

Văn phòng UNESCO tại Hà Nội vừa phối hợp với Khoa Thiết kế và nghệ thuật - Đại học Hoa Sen, tổ chức khai giảng khóa học biên kịch phi lợi nhuận Show Don't tell dành cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Nhà biên kịch/Đạo diễn Kay Nguyễn - người đã có nhiều dấu ấn thành công trong làng điện ảnh Việt Nam.

Khóa học diễn ra từ ngày 18.3 đến ngày 21.3.2021 tại Đại học Hoa Sen. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “E-MOTIONS: Thúc đẩy Kết nối và Thiết kế Môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim” do UNESCO và các đối tác thực hiện trong vòng ba năm (2019 - 2022) với sự hỗ trợ từ Quỹ Tín thác của chính phủ Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực và trao quyền cho các nhà làm phim; tổ chức những hoạt động gắn kết các nhà làm phim trong nước với các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

UNESCO sẽ tập hợp các nhà làm phim, các nhà hoạch định chính sách, công ty sản xuất phim, phương tiện truyền thông và các đối tác liên quan để nắm bắt và phân tích nhu cầu, nguyện vọng trong việc định hướng tương lai ngành điện ảnh trong nước. Song song với những hoạt động cụ thể, dự án sẽ hình thành mạng lưới kết nối giữa các nhà làm phim và các chuyên gia trong khu vực Đông Nam Á, tập trung vào Việt Nam, Thái Lan và Indonesia nhằm khuyến khích học hỏi, trao đổi và giao lưu, tăng cường thực hiện những dự án hợp tác phim ảnh.

Các đại biểu và học viên tham dự lễ khai giảng thích thú khi nghe giảng viên Kay Nguyễn chia sẻ về nội dung khóa học thú vị.

Các đại biểu và học viên tham dự lễ khai giảng thích thú khi nghe giảng viên Kay Nguyễn chia sẻ về nội dung khóa học thú vị.

Tên khóa học được lấy cảm hứng từ quy tắc vàng trong kỹ năng viết kịch bản: “Tả mà không kể”. Người viết chỉ phác họa cấu trúc cơ bản của bức tranh, phần còn lại do trí tưởng tượng của người đọc tô thêm màu sắc.

“Chúng tôi muốn thiết kế một khóa học xây dựng câu chuyện tràn đầy niềm đam mê và cảm hứng tích cực, với những tư duy mới mẻ về kỹ thuật sáng tạo. Quan trọng hơn cả, các bạn được khuyến khích để thoải mái là chính mình, kể về những câu chuyện mà họ gửi gắm niềm tin - bởi dự kết nối của họ với những câu chuyện chính là sự kết nối tuyệt vời nhất với khán giả .”, ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

PGS-TS. Võ Thị Ngọc Thúy, Quyền Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, chia sẻ: “Khóa học biên kịch này sẽ là một hoạt động học thuật đặc biệt thú vị dành cho các bạn trẻ nằm trong khuôn khổ chủ trương và nội dung đào tạo của Đại học Hoa Sen, nói chung và Khoa Thiết kế và nghệ thuật, nói riêng. Đó chính là hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo, giàu năng lượng và ý tưởng".

Bày tỏ tự hào khi Đại học Hoa Sen là đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện này, bà Thúy cho biết thêm: "Đây là Khóa học phi lợi nhuận được tổ chức tại TP.HCM. Tôi hy vọng 40 học viên đã qua vòng sơ tuyển là các nhà làm phim trẻ, đặc biệt là các em sinh viên năm cuối của trường trong lĩnh vực làm phim, lĩnh vực truyền thông sẽ học hỏi được nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích. Tôi mong Khóa học sẽ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ trong việc tạo ra các kịch bản tốt, chất lượng nhằm phục vụ cho nền điện ảnh Việt Nam đang ngày càng phát triển”.

Các đại biểu và học viên hào hứng dự lễ khai giảng khóa học.

Các đại biểu và học viên hào hứng dự lễ khai giảng khóa học.

Giảng viên khóa học Kay Nguyễn (tên thật Nguyễn Lê Phương Khanh) là một trong những nhà biên kịch nổi tiếng ở Việt Nam, thành công ở cả phương diện phòng vé lẫn chất lượng nghệ thuật. Cô đã học tập và làm việc tại Mỹ, Anh, Nhật Bản và về nước thành lập nhóm viết A Type Machine vào năm 2013 sau thành công vang dội của Tèo Em.

Các tác phẩm của cô đã đại diện cho Việt Nam ba lần liên tiếp dự tranh giải Oscar: Cô Ba Sài Gòn (2019), Hai Phượng (2020) và Mắt biếc (2021), đồng thời lập nhiều kỷ lục phòng vé. Thông qua trang A Type Machine, cô chăm chỉ xây dựng và phát triển một cộng đồng những người kể chuyện sáng tạo bằng các bài đăng hàng ngày và các lớp học trực tuyến miễn phí thường xuyên với mục đích cung cấp các khóa đào tạo về kỹ thuật và sáng tạo cho các nhà biên kịch trẻ đầy khát vọng tại Việt Nam.

Ngoài ra, khóa học có sự góp mặt của các nhà sản xuất và đạo diễn phim, đại diện từ Đại sứ quán và Trung tâm Văn hóa có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh, là cơ hội để 40 học viên học hỏi từ các chuyên gia và những người tham dự.

“Giáo trình sẽ được hiệu chỉnh dựa trên đầu vào có tuyển lựa kỹ dựa trên hồ sơ của các bạn học viên. Với nhóm các bạn học viên đầy đam mê, đây sẽ là khóa học mà các học viên không chỉ thu lượm kiến thức mình hết mình chia sẻ, mà còn học hỏi được lẫn nhau và kết nối được với nhau để thành một cộng đồng sáng tạo vươn xa hơn lớp học”, Giảng viên khóa học Show Don’t Tell Kay Nguyễn chia sẻ.

Dự buổi lễ khai giảng, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy nhận định, khóa học rất hữu ích trong việc phát huy tư duy sáng tạo của các nhà làm phim trẻ, góp phần phát triển ngành điện ảnh Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Duy mong muốn sẽ có dịp phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội để thực hiện các dự án về nâng cao vai trò của thanh niên trong bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số tại tỉnh Bình Phước trong thời gian tới...

Thắng Trân

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/khoi-dong-khoa-hoc-show-dont-tell-danh-cho-cac-nha-lam-phim-tre-tai-viet-nam-27893.html