Khơi gợi sự tò mò, thích thú của học sinh về nghề nghiệp tương lai ngay tại nhà trường

Theo chuyên gia, giáo viên cần định hướng, hình thành năng lực nghề nghiệp cho học sinh trong chính các hoạt động thực tế diễn ra trong lớp học, không chỉ đợi các chuyến đi thực tiễn, trải nghiệm bên ngoài nhà trường.

Thời gian qua, ngành giáo dục luôn nhận thức rõ việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng. Đây được coi là một hoạt động không thể thiếu ở các trường phổ thông nhằm giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết để định hướng chọn ngành, chọn nghề phù hợp.

Nhấn mạnh vai trò của hoạt động này, tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay: "Nếu chúng ta hướng nghiệp tốt thì phân luồng rất thuận lợi. Nếu chúng ta định hướng đúng ngay từ đầu thì không tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của học sinh, phụ huynh và xã hội".

Hiểu được ý nghĩa, hiện nay các trường THCS, THPT cũng đã chủ động xây dựng đa dạng các hoạt động hướng nghiệp nhằm đồng hành, tạo động lực phấn đấu cho học sinh.

Tại trường THCS Phan Chu Trinh, Ba Đình, Hà Nội, công tác hướng nghiệp được tổ chức thông qua các hội thảo hướng nghiệp, ở đây học sinh được nghe chuyên gia chia sẻ về xu hướng nghề nghiệp, chọn trường THPT trong tương lai, kỹ năng cần thiết để thích nghi với thị trường lao động và môi trường học tập. Ngoài ra, các em cũng được tham quan các cơ sở đào tạo, các trường THPT giúp các em có cái nhìn thực tế hơn về công việc mình quan tâm.

Ngày hội định hướng vào lớp 10 của học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh, Ba Đình, Hà Nội (Ảnh:NTCC).

Ngày hội định hướng vào lớp 10 của học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh, Ba Đình, Hà Nội (Ảnh:NTCC).

Để hoạt động hướng nghiệp được hiệu quả, PGS.TS.Đinh Thị Kim Thoa - Tổng chủ biên sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bộ sách Chân trời sáng tạo cho rằng điều quan trọng nhất là nhà trường, giáo viên phải xây dựng, tổ chức cho học sinh tiếp xúc với thực tế các hoạt động nghề nghiệp.

Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh không phải bắt buộc phải tổ chức cho học sinh đi thực tế, quan sát trực tiếp ngành nghề mới là trải nghiệm, hướng nghiệp. Mà người giáo viên phải xây dựng được chính những hoạt động thực tế đó ở chính tại lớp học của mình.

"Để làm được điều này, hiện nay người dạy có công cụ hỗ trợ đắc lực là công nghệ và internet. Thông qua các video, thước phim, các hình ảnh minh họa khác nhau về nghề nghiệp sẽ giúp học sinh hình dung và phát triển được sự yêu thích, tò mò với mỗi công việc khác nhau", bà Kim Thoa chia sẻ.

Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 8 bộ Chân trời sáng tạo.

Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 8 bộ Chân trời sáng tạo.

Ở đây, khi giảng dạy, giáo viên không cần quá lo lắng khi không biết và hiểu hết tất cả các ngành nghề, vì điều đó là không thể. Tùy từng điều kiện ở mỗi địa phương cũng chỉ có những nhóm ngành nghề nhất định, trong khi thế giới nghề nghiệp lại đa dạng, phong phú. Giải pháp ở đây, PGS.TS.Đinh Thị Kim Thoa đưa ra là giáo viên sẽ đóng vai trò hướng dẫn, đồng hành, thậm chí là học tập, tìm hiểu cùng học sinh khám phá kiến thức mới.

Đây là hoạt động giáo dục bắt buộc nên cần tổ chức làm sao để có thể ngấm sâu vào ý thức của từng học sinh. Hoạt động cần được hiển thị thường xuyên trong thời khóa biểu theo tuần, nhằm tạo thành thói quen cho cho học sinh.

"Giáo viên là người nắm nguyên lý và cách thức hướng nghiệp, học sinh đóng vai trò là người tìm kiếm. Cả thầy và trò có thể gần như cùng học. Thông qua đây, cũng là quá trình để thầy cô hiểu biết thêm. Cho nên không quá lo ngại về việc giáo viên không có kiến thức đủ về các ngành nghề thì không hướng dẫn được học sinh", PGS.TS.Đinh Thị Kim Thoa bày tỏ.

Sách giáo khoa là công cụ hỗ trợ cho giáo viên tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh.

Sách giáo khoa là công cụ hỗ trợ cho giáo viên tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh.

Chuyên gia nhấn mạnh ngoài đi thực tế, quá trình học tập ở trên lớp phải được tổ chức các hoạt động có tính trải nghiệm cao, tăng tính thực tiễn ngay trên lớp học, sao cho học sinh phát huy được bản thân và hình thành được kỹ năng. Sau đó, giáo viên có thể giao các nhiệm vụ, dự án sau mỗi tiết học, để học sinh báo cáo những kết quả đã trải nghiệm ở bên ngoài. Như vậy, chắc chắn sẽ hình thành được định hướng nghề cho các em.

Để đảm bảo hiệu quả việc định hướng nghề nghiệp, theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình – Chủ biên sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 12 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cần rất nhiều sự nỗ lực từ phía người học.

Trong bối cảnh biến đổi không ngừng như hiện nay, khiến cho các công việc cũng liên tục thay đổi để đáp ứng. Vì vậy, bà Thanh Bình cho hay học sinh phải nắm được xu hướng phát triển nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Lập bảng phân tích cơ hội, thách thức, điểm mạnh, điểm yếu để khám phá được một nghề nghiệp phù hợp.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khoi-goi-su-to-mo-thich-thu-cua-hoc-sinh-ve-nghe-nghiep-tuong-lai-ngay-tai-nha-truong-204250111164706703.htm