Khởi nghĩa Lam Sơn - dấu son rạng ngời sử sách (Bài 3): Hội thề Lũng Nhai - hội thề lịch sử!

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã phất cao ngọn cờ: 'Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo', do đó đã quy tụ nhân tâm, thu phục được lòng người. Cũng từ ngọn cờ đại nghĩa ấy đã làm nên Hội thề Lũng Nhai - hội thề lịch sử, hội thề của tinh thần quyết chiến, quyết thắng!

Địa điểm được cho là nơi tổ chức Hội thề Lũng Nhai (thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân ngày nay). Ảnh: tư liệu

Trong nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang, cùng với việc xác định được đội quân tiên phong, thì xây dựng được bộ tham mưu - cơ quan đầu não lãnh đạo - được xem là một trong những nhân tố quan trọng nhất, có tính quyết định nhất đến sự thành bại của cuộc khởi nghĩa. Điều này càng đúng với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (năm 1418), khi Lê Lợi không chỉ biết dựa vào lực lượng xã hội - quần chúng Nhân dân lúc bấy giờ là cơ bản; mà còn chọn được bộ tham mưu trung thành nhất. Để khi thời cơ đã điểm thì chính thức phất cờ khởi nghĩa, dựng nên cơ đồ đại nghiệp.

Theo các nhà nghiên cứu thì Hội thề Lũng Nhai được diễn ra vào một ngày đầu tháng 2 năm Bính Thân (1416). Lê Lợi cùng 18 người thân tín nhất đã đến làng Lũng Nhai (thuộc hương Lam Sơn xưa, nay thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân) - một địa điểm kín đáo ẩn sâu trong rừng núi, thuộc hữu ngạn sông Âm, tả ngạn sông Chu, cách Lam Sơn khoảng 10km về phía Tây - để tổ chức tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em.

Hội thề trang nghiêm, được đất trời chứng giám: “Trời ban cho năm tốt lành, là năm Bính Thân, tháng 2, qua ngày Kỷ Mão là ngày Sóc, đến ngày 12 là ngày Canh Dần.

Phụ đạo lộ Khả Lam, nước Nam, thần là Lê Lợi cùng Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn Linh, Lê Văn An, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Nanh, Lê Kiệm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bồi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến, kính cẩn đem lễ vật, sinh huyết, thành kính dâng lời tấu cáo cùng: Hạo Thiên Thượng Đế, Hậu Thổ Hoàng Địa kỳ và đến các Tôn linh thần bậc Thượng, Trung, Hạ coi sông núi ở các xứ nước ta.

Cúi xin rủ lòng soi xét cho:

Rằng: Có bạn từ phương xa đến, kết giao vui vẻ, cốt giữ lòng tin, thì phải tấn cáo, đó là việc lễ vậy.

Nay ở trong nước, Phụ đạo chính thần là Lê Lợi cùng Lê Lai cho đến Trương Chiến, 19 người, tuy họ hàng, quê quán có khác nhau, nhưng kết nghĩa thân nhau như cùng một Tổ liền cành, phận vinh hiển tuy có khác nhau, nguyện tình nghĩa cùng chung một họ không khác.

Giả sử như có bằng đảng ra ý định xâm chiếm, bày chuyện xâm cướp [hay] tụ tập hống hách làm hại, như vậy, thì Lê Lợi cùng Lê Lai cho đến Trương Chiến, 19 người, sẽ đều chung sức, đồng lòng, chống giữ địa phương, để xóm làng được yên ổn. Sống chết cùng nhau, không quên lời thề son sắt. Chúng thần cúi xin:

Trời đất cùng các vị Thần linh chứng giám, ban cho trăm điều phúc lành tự mình cho đến nhà mình, tổ tông con cháu đều được yên vui, hưởng nhiều lộc trời.

Nếu như thần là Lê Lợi, cùng Lê Lai cho đến Trương Chiến, 19 người, muốn theo đường khác, cầu ơn trước mắt, tối tăm quên nhau, không cùng một lòng, bỏ lời thề ước son sắt, thì bọn Thần cúi xin:

Trời Đất cùng các vị Thần linh giáng xuống trăm tai ương tự mình cho đến nhà mình, tổ tông con cháu đều bị tru diệt theo hình phạt của Trời.

Kính cẩn tấu cáo”.

Theo “Văn bản “Hội thề Lũng Nhai” - khảo đính và luận giải” của PGS. TS Nguyễn Minh Tường, bài “Văn thề” trên được viết vào tháng 2 năm Bính Thân (1416), để Lê Lợi và 18 nhân kiệt của ông thề: Cùng chung sức đồng lòng chống lại lũ “bằng đảng”, tức bọn Việt gian thời bấy giờ như Tri huyện Đỗ Phú, hay Tri phủ Lương Nhữ Hốt... Trong Văn thề Lũng Nhai chưa nói đến việc cùng nhau chống giặc Minh xâm lược, theo nhà nghiên cứu này vì 2 lẽ: một là, lực lượng quân sự của Lê Lợi bấy giờ chưa đủ để có thể nhắm tới nhiệm vụ trọng đại như vậy; hai là, dù cho mục đích cuối cùng của Hội thề Lũng Nhai là đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, thì về sách lược, Lê Lợi cũng cần che giấu, chưa để lộ ra làm gì.

Khởi nghĩa Lam Sơn - dấu son trong trang sử vàng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận, áng “Văn thề” đã toát lên tinh thần yêu nước và khẳng định quyết tâm đánh giặc cứu nước của chủ tướng Lê Lợi, 18 người thân tín, cũng như những người tham gia hội thề. Vì “Giả sử như có bằng đảng ra ý định xâm chiếm, bày chuyện xâm cướp [hay] tụ tập hống hách làm hại, thì Lê Lợi cùng Lê Lai cho đến Trương Chiến, 19 người, sẽ đều chung sức, đồng lòng, chống giữ địa phương, để xóm làng được yên ổn. Sống chết cùng nhau, không quên lời thề son sắt”! Hội thề Lũng Nhai là nơi bộ tham mưu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn “dâng lễ vật”, “sinh huyết” và “lập lời thề son sắt” để tấu cáo cùng thần linh, trời đất. Đó là hành động mang “tính thiêng”, dựa trên chữ “tín” của bậc trượng phu và được người xưa hết sức tin tưởng, đề cao, coi trọng. Xuất phát từ điều đó nên hội thề này đã vượt ra ngoài khuôn khổ, phạm vi hạn hẹp và có ý nghĩa cũng như tác động sâu sắc đến lịch sử dân tộc. Thậm chí có nhà nghiên cứu còn ví, Hội thề Lũng Nhai có tính chất quốc gia, dân tộc tương tự như Hội thề Sông Hát được Hai Bà Trưng tổ chức vào mùa xuân năm Canh Tý (40 SCN).

Xuất phát từ ý nghĩa lớn lao đó của Hội thề Lũng Nhai, PGS Hà Đình Đức cho rằng, lời thề trong Hội thề Lũng Nhai trịnh trọng và thiêng liêng như một bản tuyên ngôn đầu tiên của phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Kể từ đó Lê Lợi và những người cộng sự đã chiêu mộ nghĩa quân và bàn mưu kế đánh giặc. Các anh hùng hào kiệt và những người dân yêu nước bốn phương lần lượt hội tụ về Lam Sơn. Bọn tướng giặc Trương Phụ, Trần Trí, Mã Kỳ đã chú ý theo dõi và tìm cách mua chuộc. Bề ngoài, Lê Lợi lo lót của cải tỏ ra “quy phục”, nhưng bên trong vẫn ngầm chuẩn bị lực lượng chờ đợi thời cơ. Khi điều kiện đã chín muồi, Lê Lợi đã họp bộ tham mưu quyết định khởi nghĩa.

Từ sau Hội thề Lũng Nhai, công việc chuẩn bị khởi nghĩa được đẩy mạnh và khẩn trương hơn. Núi rừng Lam Sơn thực sự trở thành nơi hội tụ sức mạnh của cả nước và vì thế cũng trở thành mục tiêu hàng đầu của quân Minh dồn sức tấn công tiêu diệt. Nhận thấy không còn thời gian và điều kiện tiếp tục hoạt động bí mật, trước khả năng quân Minh có thể đánh úp vào căn cứ nghĩa quân bất cứ lúc nào, Lê Lợi quyết định “đại hội tướng sĩ, bàn tính việc khởi binh”. Tháng 1 năm Mậu Tuất (1418), cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ. Tinh thần của cuộc khởi nghĩa như Nguyễn Trãi đã khẳng định trong “Bình Ngô đại cáo”: “Núi Lam Sơn dấy nghĩa/ Chốn hoang dã nương mình/ Ngẫm thù lớn há đội trời chung/ Căm giặc nước thề không cùng sống/ Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời/ Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối/ Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh /Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ”. Đó cũng chính là tinh thần cốt lõi đã được nhấn mạnh trong “Văn thề” Lũng Nhai: “Giả sử như có bằng đảng ra ý định xâm chiếm, bày chuyện xâm cướp [hay] tụ tập hống hách làm hại, như vậy, thì Lê Lợi cùng Lê Lai cho đến Trương Chiến, 19 người, sẽ đều chung sức, đồng lòng, chống giữ địa phương, để xóm làng được yên ổn. Sống chết cùng nhau, không quên lời thề son sắt”.

Có thể khẳng định, Hội thề Lũng Nhai là nơi bộ tham mưu của khởi nghĩa Lam Sơn ghi tạc lời thề non sông - lời thề cứu nước, cứu giống nòi khỏi họa nô dịch tàn bạo, họa đồng hóa thâm độc của kẻ thù - đã được đất trời chứng giám, được lòng người thuận theo. Lời thề ấy đã trở thành “bệ đỡ tinh thần” giúp Lê Lợi và 18 vị nhân kiệt, cùng nghĩa quân Lam Sơn đi qua chặng đường 10 năm đấu tranh gian khổ, ác liệt để đi đến thắng lợi cuối cùng với chiến thắng Đông Quan lẫy lừng cuối năm 1427. Để rồi, cùng với khởi nghĩa Lam Sơn, Hội thề Lũng Nhai sẽ mãi ghi dấu ấn đậm nét vào trang sử vàng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Bài và ảnh: Trường Giang

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Hội thề Lũng Nhai trong khởi nghĩa Lam Sơn).

Bài 4: Dấu tích khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thanh Hóa.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/khoi-nghia-lam-son-dau-son-rang-ngoi-su-sach-bai-3-hoi-the-lung-nhai-hoi-the-lich-su/196199.htm