Khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo

Những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp ở Đồng Nai nói riêng và ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung diễn ra khá sôi động, nhất là khi có thêm nhiều chương trình, chính sách ra đời nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp…

Mô hình du lịch xanh gắn với cộng đồng của Công ty TNHH một thành viên Tre Xanh Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú). Ảnh: Hải Quân

Mô hình du lịch xanh gắn với cộng đồng của Công ty TNHH một thành viên Tre Xanh Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú). Ảnh: Hải Quân

Tuy nhiên, để hoạt động khởi nghiệp phát triển bền vững thì các địa phương cần chủ động các hoạt động kết nối “hệ sinh thái” khởi nghiệp, tăng cường tính liên kết vùng, tạo thêm các diễn đàn, cầu nối về khởi nghiệp giữa các địa phương…

Trong đó, lưu ý tới hoạt động đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp để làm tiền đề hướng tới các loại hình sản xuất, dịch vụ bền vững theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, từ đó hướng tới phát huy các lợi thế để phát triển trong thời đại hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay.

* Nhiều chính sách trợ lực cho khởi nghiệp sáng tạo

Trong giai đoạn 2017-2019, các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã có nhiều chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất - đời sống và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, bao trùm; không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia…

Cụ thể là TP.Hồ Chí Minh có cơ chế thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao trong hoạt động nghiên cứu triển khai tại Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2018; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; thành lập Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương; quản lý hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Bình Phước; đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2019-2025; chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh Bình Thuận; nội dung, mức chi cho hoạt động sáng kiến, sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; chính sách hỗ trợ, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công nghệ, tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh…

Các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu đóng vai trò lớn trong “hệ sinh thái” đổi mới sáng tạo, trong đó có các kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng, chuyển giao, thương mại hóa, có nguồn nhân lực chất lượng cao như: giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên tham gia vào các dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong “hệ sinh thái” đổi mới sáng tạo của địa phương. Đây cũng là khu vực tập trung nguồn lực tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và có nhu cầu cao đối với các dự án đổi mới sáng tạo…

Đối với Đồng Nai, từ tháng 5-2018, UBND tỉnh phê duyệt “Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023”. Kế hoạch có 3 nội dung chính gồm: hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ thúc đẩy thông tin tuyên truyền về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khoa học công nghệ. Mục tiêu chính của kế hoạch từ nay đến năm 2023 là đưa chỉ số khởi nghiệp của tỉnh tăng hơn 20%, hỗ trợ 30 dự án khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng 5 dự án ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ…

Các đại biểu tham quan gian hàng khởi nghiệp tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai 2019. Ảnh: Văn Gia

Các đại biểu tham quan gian hàng khởi nghiệp tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai 2019. Ảnh: Văn Gia

Cùng với kế hoạch này, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng tư vấn, điều phối mạng lưới khởi nghiệp với 27 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh do Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh làm Chủ tịch. Hội đồng này có nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển về khởi nghiệp, “hệ sinh thái” khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xét chọn, tổ chức các chương trình, đề án, dự án về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; làm đầu mối liên kết, chia sẻ các nguồn lực khởi nghiệp và xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ cho biết, hằng năm cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tổ chức với các mục tiêu chính là góp phần thúc đẩy phát triển “hệ sinh thái” khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh truyền thông về hoạt động trên lĩnh vực này đồng thời thúc đẩy cho việc hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đồng hành với các dự án khởi nghiệp, tiếp tục nỗ lực để tạo ra được không gian riêng. Sở cũng mong muốn trở thành nơi gắn kết các không gian, đơn vị khởi nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

* Nhận thức sâu hơn về đổi mới sáng tạo

Theo các chuyên gia đổi mới sáng tạo là xu hướng khởi nghiệp thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là định hướng phát triển của Việt Nam và nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Nền kinh tế các quốc gia trong khu vực đã xuất hiện những mô hình kinh tế mới dựa vào trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) hay sự phát triển của 5G... thúc đẩy Chính phủ nhìn nhận việc đẩy mạnh chính sách giáo dục tiến bộ là vô cùng quan trọng. Bởi theo các chuyên gia, không thể nói đến nền kinh tế 4.0 trong khi giáo dục chỉ ở mức độ… 2.0.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc lên vị trí 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng so với năm 2018. Thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia.

Bà So-Young Kang, nhà sáng lập kiêm CEO Gnowbe, Singapore cũng cho rằng đã đến lúc nhìn nhận vai trò của giáo dục là một sự đổi mới sáng tạo mà các quốc gia trong khu vực cần đeo đuổi. Hiện nay hơn 5 tỷ người trên thế giới đang sử dụng điện thoại di động, con số này cao hơn cả số người trên thế giới có thể tiếp cận nước sạch, cải cách giáo dục cũng phải theo xu hướng này, phải mang tính đột phá, tận dụng các xu hướng từ nền tảng trên di động để kết nối người học và người dạy.

Dưới góc độ chuyên gia đào tạo khởi nghiệp, ông Huỳnh Thanh Vạn, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam (trực thuộc Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam - VCCI) nhận định, để phong trào khởi nghiệp ở Đồng Nai và các tỉnh, thành có nhiều điều kiện để phát triển đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp đạt hiệu quả, địa phương cần xây dựng đội ngũ cán bộ, doanh nhân làm công tác khởi nghiệp phải thực sự tâm huyết.

“Nếu cán bộ làm công tác khởi nghiệp cũng như các chương trình, cuộc thi khởi nghiệp chỉ mang tính hình thức thì rất nguy hiểm. Chúng ta đào tạo không phải là những người thông thường mà là những doanh nhân tương lai, nếu tư vấn sai, vẽ quá nhiều kỳ vọng mà không sát thực tế thì dẫn đến hệ lụy lớn” - ông Vạn nói.

Ông Nguyễn Tiến Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư khởi nghiệp quốc gia (NSCI), từng tham gia cố vấn nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương trên cả nước, trong đó có Đồng Nai cho hay, các hoạt động cố vấn của doanh nghiệp truyền thống và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có sự khác nhau, nếu không hiểu rõ sự khác biệt thì sẽ định hướng nhầm cho start-up (doanh nghiệp mới khởi nghiệp). Trong đó, vai trò định hướng của các tổ chức, doanh nghiệp cố vấn đối với các
start-up là rất quan trọng.

Việc thiếu tính kết nối giữa start-up và cố vấn khởi nghiệp là một trong những trở ngại của nhiều địa phương hiện nay khi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Do đó, các địa phương cần có đơn vị đứng ra kết nối các mạng lưới cố vấn hỗ trợ khởi nghiệp.

Một mô hình du lịch sinh thái gắn với cộng đồng của Công ty TNHH du lịch Chim Bói Cá Việt (Vietkingfisher). Đây là mô hình tiên phong về du lịch trải nghiệm thiên nhiên và thể thao ở huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: Đình Hiếu

Một mô hình du lịch sinh thái gắn với cộng đồng của Công ty TNHH du lịch Chim Bói Cá Việt (Vietkingfisher). Đây là mô hình tiên phong về du lịch trải nghiệm thiên nhiên và thể thao ở huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: Đình Hiếu

Bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết thêm, Sở Khoa học - công nghệ sẽ góp phần cơ cấu lại các chương trình khoa học công nghệ cấp tỉnh theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo. Các trường đại học là chủ thể nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường liên kết với các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh, thành trong khu vực. Trên cơ sở đó, tạo lập quan hệ hợp tác của cộng đồng khởi nghiệp để hình thành chuỗi giá trị liên kết cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong vùng.

* Đón đầu xu thế hội nhập

Các cuộc chiến tranh thương mại, các hiệp định thương mại tự do... đã và đang mang lại nhiều thách thức nhưng cũng tạo nên cơ hội cho doanh nghiệp Việt phát triển. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải đổi mới tư duy, nhận thức, học tập phương thức kinh doanh của thế giới. Hoạt động đổi mới sáng tạo là yêu cầu tất yếu của doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết nếu doanh nghiệp muốn thành công trên thị trường.

Theo PGS-TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, chính bản thân doanh nghiệp cũng phải tự thay đổi, làm mới bản thân nếu không muốn đánh mất mình. Thế giới đã chuyển sang công nghệ cao, công nghệ số. Doanh nghiệp dù có làm sản phẩm gì đi nữa nhưng muốn bán hàng ra thế giới thì phải đạt chuẩn, do đó bắt buộc phải hướng tới nền tảng công nghệ cao để xử lý sản phẩm và bán hàng.

Bên cạnh những lợi thế hiện có, nhất là hoạt động phát triển công nghiệp, khoa học công nghệ, hoạt động kết nối với những quỹ đầu tư mạo hiểm trong quá trình triển khai xây dựng “hệ sinh thái” khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt quyết định sự “sống còn” của cả hệ sinh thái khởi nghiệp.

Ông Tan Yinglan, Giám đốc điều hành kiêm đối tác sáng lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners, Singapore cho rằng, Việt Nam đang có nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Hơn thế nữa, Việt Nam hiện có nguồn nhân lực, kỹ sư trẻ, tài năng và đầy nhiệt huyết, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Đây là một lợi thế để Việt Nam thu hút, kết nối các nguồn vốn đầu tư phát triển các dự án start-up về công nghệ, nhất là công nghệ cao.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang thay đổi, tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, xu hướng chuyển dịch đầu tư, chuyển dịch hoạt động sản xuất trên thế giới có nhiều biến đổi. Nhiều doanh nghiệp của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… đang xem Việt Nam là một điểm đến tiềm năng để lựa chọn chuyển dịch sản xuất. Điều này mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các địa phương trong nước phát huy các lợi thế, đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh nhận định, để cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp cần tăng cường tính liên kết, tự nâng cao trình độ, đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo trong sản xuất, hướng tới sản xuất theo công nghệ cao, công nghệ sạch theo hướng hiện đại, tham gia vào phân khúc sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu…

“Các địa phương cần tiếp tục quan tâm đến các chính sách hỗ trợ, tập trung nhiều hơn nguồn lực phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp theo hướng công nghệ cao... Đồng thời, không nên thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá bởi như thế sẽ tác động không tốt tới hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, quá trình phát triển của các doanh nghiệp ở địa phương, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa” - ông Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, không gian làm việc chung hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, tổ chức các lớp đào tạo nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh liên kết với mạng lưới các chuyên gia, cố vấn, mạng lưới các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư; đồng thời tập trung nghiên cứu các đề tài khoa học về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Hải Quân - Vương Thế

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường:

Xu thế đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu của cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh trên thế giới. Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương, Đồng Nai rất mong muốn lĩnh hội được những kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, các tỉnh, thành để cùng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức bật mới cho tỉnh cũng như góp phần vào sự phát triển chung của khu vực và cả nước.

PGS-TS.Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh:

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng cần có sự nhận thức lại về những tác động sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong những năm tới, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, internet, cuộc cách mạng công nghiệp này sẽ làm thay đổi cấu trúc kinh tế, thay đổi nhu cầu việc làm và tạo ra những ngành mới mà chúng ta hiện nay chưa biết. Các địa phương cần có cách tiếp cận mới với công nghệ dựa trên đổi mới sáng tạo và đặc biệt chú trọng việc bảo vệ sở hữu trí tuệ. Nếu vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ không được thực hiện nghiêm thì đổi mới sáng tạo rất khó để thành công.

Ông Frank-Jurgen Richter, Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis:

Dựa vào sự đổi mới sáng tạo cùng tầm nhìn dài hạn, Việt Nam đã tận dụng công nghệ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và khu vực. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự dịch chuyển vào khu vực ASEAN cũng như hệ thống thương mại đa phương đã đưa Việt Nam trở thành “điểm hẹn” mới của các nhà đầu tư, xây dựng một “hệ sinh thái” khởi nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển.

Văn Gia - Lam Phương

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201912/khoi-nghiep-gan-voi-doi-moi-sang-tao-2978942/