Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam chuyển sang giai đoạn mở rộng quy mô, chiều sâu
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã bước qua giai đoạn phát triển phong trào và đang bước sang giai đoạn mới, giai đoạn mở rộng cả về quy mô và chiều sâu, giai đoạn tăng cường liên kết cả trong và ngoài nước.
Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo
Trong 2 ngày 20-21/12/2024, tại tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo (Techfest VinhPhuc 2024) với chủ đề “Vĩnh Phúc - Tiên phong sáng tạo, khát vọng đổi mới”. Đây là hoạt động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trọng điểm trong khuôn khổ Đề án 844 về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, trong khoảng 10 năm qua, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khởi nghiệp sáng tạo đầu tiên bằng cách xây dựng nền tảng cơ bản về thể chế, thiết lập các tổ chức và mạng lưới hỗ trợ, phát triển cộng đồng, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp sáng tạo, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu, quỹ đầu tư… và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.
“Năm 2024, bức tranh của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 2 kỳ lân, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm việc chung; 208 quỹ đầu tư; 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh; 79 cơ sở ươm tạo, khoảng 170 trường đại học/cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hình thành hơn 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương và quốc gia”, Thứ trưởng Hoàng Minh cho hay.
Cũng trong năm 2024, Việt Nam xếp hạng thứ 56, tăng 2 hạng so với năm 2023 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink, Thủ đô Hà Nội và TP.HCM lọt vào top 200; thành phố Đà Nẵng lọt top 1000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.
“Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã bước qua giai đoạn phát triển phong trào và đang bước sang giai đoạn mới, giai đoạn mở rộng cả về quy mô và chiều sâu, giai đoạn tăng cường liên kết cả trong và ngoài nước, do đó sẽ đòi hỏi phải sự điều chỉnh, có sự thay đổi vai trò và vị trí của các thành tố trong hệ sinh thái”, Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, vì vậy có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và quốc gia.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Minh cho rằng, bên cạnh nhiều dấu ấn đạt được và đáng ghi nhận, nhưng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng vẫn còn một số hạn chế. Sự liên kết và hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa thực sự chặt chẽ, việc thu hút nguồn lực đầu tư, tài chính, chuyên gia và công nghệ từ các khu vực khác trong nước cũng như quốc tế còn gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học và của các doanh nghiệp lớn vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo chưa đủ sâu rộng. Do đó, mặc dù nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã được hình thành và phát triển, song quy mô hoạt động vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm lực và tiềm năng của địa phương, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ hay công cụ tăng trưởng kinh tế - xã hội nổi bật như mong muốn.
Tăng cường liên kết vùng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm tăng cường liên kết vùng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tỉnh. Các sáng kiến và hoạt động này nên tập trung tạo cơ hội để các nguồn lực được dịch chuyển hiệu quả, đồng thời khai thác tối đa tài nguyên và lợi thế bản địa tại những địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa tương đồng.
“Khi liên kết vùng được tăng cường, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương và khu vực sẽ không chỉ góp phần mở rộng thị trường mà còn huy động được các nguồn lực cộng hưởng, tạo ra giá trị gia tăng đáng kể cho nền kinh tế”, Thứ trưởng Hoàng Minh nêu rõ.
Còn theo ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, để tỉnh có thể đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 từ 10,5 - 11% theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc xác định động lực tăng trưởng chính của tỉnh là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã tạo hành lang pháp lý hỗ trợ cho vay vốn từ Quỹ Khoa học và công nghệ tỉnh để phát triển các dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, đã phê duyệt Đề án Phát triển Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo tỉnh - đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc.
“Đây là trái tim của hệ sinh thái, giúp dẫn dắt, kết nối hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tỉnh; hỗ trợ, liên kết phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo các địa phương lân cận và trong vùng Đồng bằng sông Hồng”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc thông tin.
Qua đó, năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc được Ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp quốc gia bình chọn, chứng nhận là một trong ba tỉnh trên cả nước đạt "Danh hiệu địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2022". Năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc được xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương.