Khởi nghiệp thành công với sản phẩm đông trùng hạ thảo

Chỉ trong vòng 1 năm, anh Lê Quốc Huy, chủ một hộ kinh doanh ở thôn Mỹ Bình (xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) đã sản xuất thành công sản phẩm đông trùng hạ thảo, trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Đây được xem là khởi đầu thành công của chàng trai sinh năm 1998 này.

Lê Quốc Huy kiểm tra sản phẩm tại cơ sở nuôi (xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa). Ảnh: KHANG ANH

Lê Quốc Huy kiểm tra sản phẩm tại cơ sở nuôi (xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa). Ảnh: KHANG ANH

Gy dng t mô hình nuôi nm hu cơ

Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, Lê Quốc Huy vào TP Hồ Chí Minh làm việc cho một công ty mỹ phẩm, rồi làm nhân viên thị trường ở tỉnh Bình Phước… Đến đầu năm 2023, Huy về quê bắt tay sản xuất sản phẩm đông trùng hạ thảo.

Chia sẻ về lý do sản xuất sản phẩm này, Lê Quốc Huy nói: Tôi đã có kiến thức về vi nấm khi học đại học. Thời gian đầu làm việc, tôi tìm hiểu thêm về vi nấm, đông trùng, sản phẩm đông trùng ở các tỉnh. Cái duyên là khi đến TP Đà Nẵng, tôi thấy ở đây có mô hình nuôi nấm đông trùng hữu cơ (dùng thuần thực vật nuôi cấy trên vi nấm) rất an toàn. Thêm vào đó, tôi cũng được giảng viên của trường hướng dẫn các bước nên quyết tâm khởi nghiệp từ mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo hữu cơ.

Với một thanh niên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, việc sản xuất sản phẩm là không dễ dàng. “Tôi vay vốn ngân hàng và được gia đình hỗ trợ thêm nên có điều kiện bắt tay vào sản xuất với gần 900 triệu đồng. Từ số tiền này, tôi xây dựng nhà xưởng trên đất của gia đình, đầu tư thiết bị, nguyên liệu và trang trải chi phí vận hành... Sau gần 1 năm sản xuất, hoạt động của cơ sở và thu nhập của tôi dần ổn định”, anh Huy chia sẻ.

Hiện tại cơ sở sản xuất của hộ kinh doanh Lê Quốc Huy vừa có điểm trưng bày sản phẩm vừa có các phòng nuôi, cấy giống… Điều đặc biệt là cơ sở đã tự tạo ra phôi, tự cấy giống... nên có thể kiểm soát được tất cả các khâu từ nguyên liệu đầu vào cũng như quy trình, chất lượng sản phẩm thành phẩm.

Anh Lê Quốc Huy chia sẻ thêm: Tôi tạo phôi bằng cách tận dụng lúa gạo có ở địa phương, rồi nhập giống tảo xoắn Spirulina từ Nhật Bản, kết hợp lấy nước tưới tự nhiên và không dùng bất kỳ hóa chất nào trong quá trình tạo phôi. Khi đã có phôi, tôi đưa phôi vào phòng cấy giống để ủ tối, tiếp đó là qua các công đoạn như kích sáng, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm phù hợp…

Sau 3 tháng mới có được sản phẩm thành phẩm. Hiện cơ sở cũng đã thực hiện công đoạn sấy thăng hoa để sản phẩm giữ được hơn 90% dược chất, sản phẩm cũng không bị biến dạng và bảo quản được khoảng 1 năm.

Tiếp tc hc tp đ phát trin

Sau 3 tháng tính từ thời điểm triển khai mô hình nuôi đông trùng, chàng trai sinh năm 1998 đã có sản phẩm hoàn chỉnh đưa ra thị trường, xây dựng được hệ thống đại lý phân phối trong tỉnh và các tỉnh khác như Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh...

“Cơ sở đã thực hiện tự động hóa các khâu tại phòng nuôi, cấy, sấy sản phẩm thành phẩm. Tuy trên thị trường đã có nhiều sản phẩm đông trùng nhưng để sản phẩm của mình cạnh tranh được, tôi từng bước cải thiện các quy trình sản xuất, có giám sát kỹ thuật chặt chẽ để sản phẩm đạt chất lượng tối ưu. Ngoài ra, tôi còn phải tự tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình”, Huy bộc bạch.

Sản phẩm đông trùng của hộ kinh doanh Lê Quốc Huy được thực hiện theo tiêu chí hoàn toàn hữu cơ, thuần chay và đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm. Từ mô hình cấy nuôi, sản xuất như hiện nay, trong khoảng 3 tháng, cơ sở sản xuất được khoảng 10kg nấm khô. Và 3 dạng sản phẩm chính đã được cơ sở đưa ra thị trường là nấm đông trùng sấy khô, đông trùng ngâm mật ong và rượu đông trùng.

Đặc biệt hơn, bộ 3 sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa đặc biệt, đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa tiêu chuẩn và đông trùng hạ thảo ngâm mật ong của hộ kinh doanh này đã tham gia và được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023. Các sản phẩm cũng được địa phương công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Không dừng lại ở mô hình sản xuất như hiện nay, Lê Quốc Huy còn có những dự định mới trong thời gian sắp tới.

“Trong năm 2024, tôi dự định mở rộng cơ sở, phòng nuôi nấm, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tự động hóa… để tăng năng suất sản phẩm. Tôi tiếp tục đầu tư hệ thống sấy và thành lập công ty để quá trình kinh doanh được thuận lợi. Dù vậy, tôi vẫn phải học tập thêm kinh nghiệm, chuyên môn, cách quản trị, tự chủ tài chính… từ các cơ sở, những người thành công trước đó để vận hành công việc tốt hơn”, anh Huy chia sẻ.

Trong các sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023, sản phẩm đông trùng hạ thảo của hộ kinh doanh Lê Quốc Huy được hội đồng bình chọn đánh giá cao theo tiêu chí đáp ứng thị trường, khả năng phát triển sản xuất; tiêu chí về kinh tế - kỹ thuật - xã hội và môi trường; tiêu chí về tính văn hóa, thẩm mỹ; các tiêu chí khác về chất lượng, giải thưởng…

Phó Giám đốc Sở Công Thương Võ Đình Hạnh

KHANG ANH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/313700/khoi-nghiep-thanh-cong-voi-san-pham-dong-trung-ha-thao.html