Khởi nghiệp từ cây giống
Gần đây, nhận thấy nhu cầu mua cao su giống tăng cao, nhất là ở thị trường nước bạn Campuchia và trên địa bàn nên chị Phạm Thị Thảo, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp mạnh dạn vay thêm vốn Ngân hàng chính sách xã hội để khởi nghiệp. Nhờ chịu khó học hỏi, tìm hiểu thị trường và nắm bắt thị hiếu khách hàng nên năm 2019, chị Thảo kinh doanh hiệu quả và là điển hình trong khởi nghiệp được các cấp cơ sở hội đánh giá cao.
Sinh năm 1985, sau khi tốt nghiệp trung cấp kế toán, chị Thảo chọn Bù Đốp làm nơi lập nghiệp. Từ năm 2006, vợ chồng chị chỉ làm rẫy, đời sống vất vả do chưa có nguồn thu ổn định. Năm 2016, chị được bầu làm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Phước cho tới nay.
Trải nghiệm để có kinh nghiệm
Gia đình có diện tích đất rộng nên trước đây, chị Thảo cho người thân mượn đất để nhờ cây cao su giống. Được gia đình động viên, năm 2018 chị mạnh dạn đầu tư kinh doanh cây cao su giống. Sau khi tham khảo thị trường, chị chọn giống cao su 952 (lai hoa) và 209, 235 làm sản phẩm kinh doanh chính. Mới đầu chị làm giống bằng hạt, thực hiện trọn gói tất cả khâu từ hạt đến cây. Tuy nhiên hiệu quả kinh doanh cao su giống từ hạt không cao, chỉ đạt khoảng 20% lợi nhuận mà thời gian kéo dài (6 tháng), qua nhiều giai đoạn, tốn công chăm sóc nên chị chuyển sang kinh doanh giống bầu cắt ngọn. Chị Thảo giải thích: Kinh doanh cây giống theo kiểu bầu cắt ngọn phải chọn nhà cung cấp uy tín thì cây có tỷ lệ sống cao. Sau khi mua về chăm sóc cây phát triển thêm 1-2 tầng lá, khoảng 3 tháng thì xuất bán. Kinh doanh cây cao su giống theo cách này sau khi trừ hao hụt, chi phí lời khoảng 40%.
Chị Phạm Thị Thảo, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp chăm sóc cây cao su giống
Thời gian đầu kinh doanh, chị Thảo làm cả cây điều giống với số lượng khoảng 10.000 cây và 20.000 cây cao su. Khi thị trường cây cao su giống phát triển mạnh, chị tập trung kinh doanh cây cao su giống lai hoa với số lượng khoảng 30.000 cây. Qua tham khảo từ nhiều nguồn, chị nắm được nhiều thông tin và tư vấn khách lựa chọn. Nhiều khách ưa chuộng chọn giống lai hoa vì cây có ưu điểm ít bệnh, mủ nhiều, sinh trưởng tốt, thời gian cho thu hoạch ngắn (khoảng 5 năm có thể khai thác). Cũng từ khi kinh doanh hiệu quả, nhiệt tình với công tác hội, uy tín của chị Thảo đối với nhiều phụ nữ tăng lên. Chị Hồng Lê, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bù Đốp cho biết: Trước đây, chị Thảo buổi sáng phụ chồng bán phở, bún; đưa con đi học rồi đến cơ quan làm việc. Buổi trưa, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi chị tưới cây, buổi tối khi mọi người đi ngủ, chị vẫn miệt mài với vườn cây giống. Thời gian gần đây chồng đi làm xa, chị thay chồng làm tất cả công việc này, nhưng vẫn nhiệt tình với công tác hội, được đánh giá cao.
Tự tin hơn khi khởi nghiệp
Với số vốn tích cóp ban đầu chỉ 50 triệu đồng, năm 2018, chị Thảo vay thêm 40 triệu đồng vốn sản xuất, kinh doanh của Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư kinh doanh. Năm đầu do chưa có kinh nghiệm nên tuy làm cả điều và cao su giống nhưng chị chỉ lời khoảng 40 triệu đồng tính cả công. Năm 2019, qua tìm hiểu thị trường chị tiếp tục vay 20 triệu từ nguồn vốn nước sạch của Ngân hàng chính sách xã hội khoan giếng để chủ động nguồn nước tưới cây. Để kinh doanh cây giống phát triển, chị chủ động tìm khách hàng, thực hiện hợp đồng theo tiến độ một cách chặt chẽ. Chị Thảo cho biết: Thời gian trước, khi nào có khách tôi mới “làm hàng” thì nay tôi tìm khách hàng rồi sắp xếp nguồn hàng. Trước đây, tôi giao tiền cho đối tác 1 lần thì nay giao làm 3 lần; lần thứ nhất để kiểm tra tỷ lệ cây sống/cây chết; lần thứ 2, kiểm tra cây ghép và lần cuối cùng khi bốc cây về. Đặt cọc như vậy nguồn giống được đối tác chăm sóc kỹ, tỷ lệ cây sống cao hơn nên việc chăm sóc cây sinh trưởng dễ dàng.
Tuy nhiên, không phải kinh doanh lúc nào cũng thuận lợi. Năm 2018, sau khi ký hợp đồng mua 5.000 cây giống thì đối tác của chị bất ngờ “lật kèo” khi gặp khách hàng trả giá cao hơn. Thời điểm đó, sau khi làm việc rất nhiều lần nhưng đối tác chỉ đồng ý giao cho chị 1.800 cây. Lúng túng trước tình huống này, nhưng chị Thảo quyết tâm giữ uy tín với khách hàng bằng cách chấp nhận chịu lỗ để tìm đối tác khác có nguồn giống chất lượng dù ở xa và giá cao bù vào. Sau lần đó, chị rút kinh nghiệm và xây dựng lại hợp đồng chặt chẽ hơn, kiểm tra thực tế cây giống theo từng giai đoạn, đạt yêu cầu mới đặt cọc.
“Trong kinh doanh mình phải coi trọng chữ tín, nếu không thì khó có thể cạnh tranh và phát triển bền vững. Mỗi thất bại đều có những bài học kinh nghiệm sâu sắc mà bản thân phải tự rút ra, thấy được hạn chế rồi hoàn thiện dần”.
Chị Phạm Thị Thảo,
Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Phước
Năm 2019, lợi nhuận từ kinh doanh cây cao su giống tăng gấp đôi, khoảng từ 90-100 triệu đồng. Số tiền này tuy không lớn nhưng giúp chị tự tin hơn rất nhiều. Nhờ chịu khó học hỏi, trải nghiệm và thành công nên năm nay gia đình chị Thảo sẽ đón tết đủ đầy nhất từ trước đến nay.
“Từ khi tham gia công tác xã hội, nhờ học hỏi tôi trở nên năng động hơn rất nhiều. Nhất là khi tiếp cận với phong trào khởi nghiệp (Đề án 939 của UBND huyện), tôi khát khao khởi nghiệp để phát triển kinh tế gia đình. Chồng đi làm xa nên ngoài thời gian làm việc ở xã, tôi còn chăm sóc, đưa rước 2 con đi học và thu hoạch 1,5 ha rẫy đang trồng cao su, tiêu. Buổi trưa tôi tranh thủ khoảng 1 tiếng đồng hồ để tưới cây. Buổi tối, tôi thăm vườn cây giống và theo dõi sự sinh trưởng của cây để xử lý sâu bệnh hại. Tôi nghĩ thời nay cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, ai cũng có thể tự vươn lên phát triển kinh tế như gia đình tôi” - chị Phạm Thị Thảo chia sẻ.
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/khoi-nghiep-tu-cay-giong-444114