Khởi nghiệp từ may trang phục truyền thống

Xuất phát từ tình yêu văn hóa dân tộc, mong muốn lưu truyền trang phục truyền thống, chị Nông Thị Tố Uyên (sinh năm 1983), thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định đã mạnh dạn phát triển nghề may trang phục dân tộc.

Chị Nông Thị Tố Uyên may trang phục truyền thống

Chị Nông Thị Tố Uyên may trang phục truyền thống

Là người dân tộc Tày sinh ra và lớn lên tại huyện Tràng Định, ngay từ nhỏ chị Uyên đã yêu thích trang phục dân tộc của đồng bào mình. Chị Uyên chia sẻ: Từ khi còn nhỏ tôi đã được mẹ dạy cho cách thêu tay và may vá. Từ niềm đam mê tôi đã theo học nghề may và mở cửa hàng may tại thị trấn Thất Khê. Ban đầu tôi chỉ may trang phục truyền thống của dân tộc Tày cho người thân trong gia đình, dần dần được mọi người xung quanh biết đến và ủng hộ, tôi đã có những đơn hàng đặt may đầu tiên. Năm 2023, nhận thấy nhu cầu thị trường khá lớn, tôi bắt đầu học cách may trang phục dân tộc khác của nhiều thợ may có kinh nghiệm trên địa bàn huyện.

Với mong muốn không chỉ đơn thuần tạo ra những bộ trang phục truyền thống mà còn lan tỏa cả nét văn hóa, năm 2024, chị Uyên đã mạnh dạn thành lập tổ hợp tác cắt may các trang phục truyền thống, gồm 4 thành viên.

Những ngày đầu mới bắt tay vào khởi nghiệp, tổ hợp tác gặp không ít khó khăn do các tổ viên chưa thành thục kỹ thuật may. Mỗi trang phục đều mang những nét đẹp và ý nghĩa khác nhau, in dấu truyền thống văn hóa và phong tục của dân tộc đó. Theo đó, bên cạnh kỹ thuật may cơ bản, các thành viên trong tổ đều trực tiếp học tập kinh nghiệm từ những người cao tuổi có kinh nghiệm may trang phục truyền thống chỉ dạy và hướng dẫn. Nhờ được tận tình chỉ dạy cách chọn vải, cắt, may, khâu tay, đơm cúc... những bộ trang phục dân tộc do tổ hợp tác cắt may dần đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, được khách hàng trong và huyện yêu thích và tìm mua.

Chị Lý Bích Diệp, khu 2, thị trấn Thất Khê chia sẻ: Từ khi tham gia tổ hợp tác, từ một người chưa biết gì về nghề may, tôi đã được chỉ dạy cách cắt, may, đo một số trang phục dân tộc. Tôi thấy rất vui vì vừa có thể tranh thủ lúc nông nhàn lại vừa được học thêm công việc may vá, kiếm thêm thu nhập từ công việc này. Những lúc nhiều đơn đặt hàng, các chị em trong tổ phải thức cả đêm mới kịp trả hàng.

Mỗi bộ trang phục dân tộc được bán ra thị trường với giá bán dao động từ 550.000 đến 1,2 triệu đồng/bộ và giá thuê từ 100.000 đến 150.000 đồng/bộ. Từ khi thành lập đến nay, tổ hợp tác đã may trên 1.000 bộ trang phục truyền thống dân tộc và có hàng trăm lượt khách đến thuê trang phục và phụ kiện để phục vụ các sự kiện, hội thi, lễ hội... trong và ngoài huyện. Từ đầu năm 2024 đến nay, việc cắt may trang phục truyền thống đã đem lại cho tổ hợp tác doanh thu trên 500 triệu đồng, giúp tạo việc làm ổn định cho các tổ viên từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tràng Định nhận xét: Thời gian qua, chị Nông Thị Tố Uyên luôn là hội viên phụ nữ năng động, dám nghĩ, dám làm với việc phát triển nghề may các trang phục truyền thống của địa phương. Qua đó, góp phần bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm cho chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số, giúp tạo việc làm thêm cho các hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện.

Với những nỗ lực của chị Nông Thị Tố Uyên, tháng 10/2024, dự án “Tổ hợp tác cắt may trang phục truyển thống” của chị đã xuất sắc đạt giải ba tại “Dự án khởi nghiệp năm 2024” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức và đạt giải ba tại Cuộc thi "Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2024" do Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh tổ chức.

MAI LINH- THÁI SƠN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoi-nghiep-tu-may-trang-phuc-truyen-thong-5033274.html