Khởi nghiệp từ mô hình HTX: 'Cái khó bó cái khôn'

Có định hướng rõ ràng đi liền với tháo gỡ những khó khăn về vốn sẽ thu hút thêm nhiều thanh niên khởi nghiệp từ mô hình HTX, từ đó đưa kinh tế tập thể khởi sắc.

Thực tế cho thấy, HTX là một trong những mô hình ưu việt giúp tận dụng cơ hội, khắc phục khó khăn khi hội nhập quốc tế và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Chính vì vậy mà không ít thanh niên đã lựa chọn mô hình HTX để khởi nghiệp.

Thiếu nguồn lực để bao tiêu sản phẩm

Tuy nhiên, để phát triển bền vững và đưa mô hình HTX thích ứng với thị trường là điều không hề dễ với những ông chủ HTX này.

Anh Phan Châu Hiệu, Giám đốc HTX nông nghiệp thanh niên Hoài Ân (Bình Định), cho biết khi vào vụ thu hoạch, giá nhiều loại nông sản hạ nhưng với lượng bao tiêu lớn, HTX cũng khó có thể chủ động nguồn vốn để thu mua từ thành viên và nông dân.

“Do đặc thù làm nông nghiệp là có tính thời vụ, theo mùa nên nếu được tiếp cận các nguồn vốn một cách thuận lợi, phù hợp thì những HTX đứng ra thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản trên quy mô lớn sẽ hoạt động thuận lợi hơn”, anh Hiệu nói.

Nhiều giám đốc HTX thanh niên cũng cho biết, do hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, các HTX đã sử dụng hết nguồn lực tài chính của mình để duy trì sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tình hình càng khó khăn và có thể kéo sang năm 2023. Chính vì vậy, các HTX này mong muốn các tổ chức tín dụng cần có gói tín dụng riêng cho HTX thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực.

Nhiều thanh niên lựa chọn HTX là mô hình khởi nghiệp.

Nhiều thanh niên lựa chọn HTX là mô hình khởi nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Niên Phú Hòa (Kiên Giang) mong muốn các ngành chức năng xem xét thực hiện gói tín dụng ổn định, linh hoạt, lãi suất phù hợp đối với tất cả HTX tham gia hoạt động thu mua, bao tiêu các mặt hàng nông sản.

Nhìn tổng thể có thể thấy, ngoại trừ mảng rau quả thì nhiều HTX thuộc một số lĩnh vực như chăn nuôi, thủy sản, hồ tiêu, cà phê… cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều HTX rơi vào cảnh thiếu công nghệ sơ chế, chế biến trong khi lượng nông sản người dân và thành viên sản xuất lớn.

Bên cạnh đó, thị trường thế giới vẫn đang biến động khiến lạm phát tăng, đời sống người dân tại nhiều quốc gia gặp khó khăn nên khách hàng giảm mua. Nhiều HTX không thể mở rộng được sản xuất kinh doanh vì dòng vốn khó khăn, lãi suất từ các tổ chức tín dụng cao nên không dám vay.

Nhưng xét về bản chất, HTX là mô hình hoạt động vì lợi ích thành viên và các hộ liên kết nên dù nhiều mùa vụ, đầu ra khó khăn, nếu HTX không mua nông sản thì thành viên bỏ ruộng, bỏ chuồng hoặc treo ao, từ đó gây ra tình trạng ùn ứ nông sản hoặc mất cơ hội từ các hợp đồng xuất khẩu lớn.

Vậy nhưng, do mới thành lập nên nguồn vốn của HTX cũng có giới hạn, nếu không có sự hỗ trợ lãi suất, thủ tục vay hợp lý từ Nhà nước và các tổ chức tín dụng, các HTX cũng khó có thể đứng ra thu mua, bao tiêu nông sản của thành viên và người dân một cách lâu dài và với số lượng lớn.

Không phải cứ khởi nghiệp là thành công

Ngoài vấn đề vốn, nhiều HTX thanh niên đang gặp không ít chông gai trong qua trình tìm chỗ đứng trên thị trường. Có những thanh niên khi khởi nghiệp từ mô hình HTX gần như làm theo bản năng, tức là thấy được cơ hội từ thị trường nên tìm cách sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để biến những ý tưởng thành sản phẩm hay nhưng kết quả hữu ích, đưa mô hình HTX phát triển bền vững thì không phải ai cũng làm được.

Nhiều thanh niên lựa chọn HTX là nơi khởi nghiệp nhưng chưa nhận thức rõ bản chất, vai trò của mô hình HTX kiểu mới. Có những bạn trẻ chưa hiểu được quy trình khởi nghiệp như thế nào, đặc biệt là hiểu được quy trình khởi nghiệp tinh gọn nhằm bảo đảm cho ý tưởng phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua mô hình HTX có thể tồn tại trong những năm đầu và từng bước phát triển.

Các chuyên gia cho rằng, không phải cứ thấy lợi thế về vùng nguyên liệu là có thể thành lập và phát triển HTX sản xuất, chế biến nông sản hiệu quả. Thay vào đó, muốn HTX thành công, phải có đầy đủ các nguồn lực. Chẳng hạn như nguồn lực hữu hình là tài chính, các tài sản, thiết bị công nghệ… Ngoài ra, các HTX còn phải xây dựng các tài sản vô hình như các loại giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, bằng sáng chế… Nếu có được những điều này, HTX dễ dàng thu hút các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.

Theo các chuyên gia, hiện nay các tổ chức nước ngoài vẫn đang đánh giá cao mô hình HTX. Chính vì vậy, các HTX thanh niên cần mạnh dạn và tự tin trong việc khởi nghiệp và phát triển mô hình này.

Đặc biệt các HTX thanh niên khởi nghiệp theo hướng bền vững, đáp ứng được các tiêu chuẩn thế giới cần vươn mình ra khỏi thị trường nội địa để nắm bắt thị trường. Từ đó, vừa mở rộng mô hình kinh doanh vừa nâng cao cao được giá trị của mô hình sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), cho biết những HTX thanh niên dù chỉ tập trung vào sản xuất các nông đặc sản địa phương cũng phải có khả năng xuất khẩu, tiếp cận thị trường quốc tế hoặc gắn với du lịch để thu hút người tiêu dùng quốc tế.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng chết yểu vì ý tưởng hoành tráng nhưng khi triển khai lại nảy sinh quá nhiều chi phí đầu tư, các HTX nên tận dụng tối đa thời gian nhưng phải đảm bảo tối thiểu tiền bạc. HTX cũng cần xác định đâu là lợi thế và tập trung cho lợi thế đó, tránh việc đầu tư dàn trải dẫn đến bỏ cuộc giữa chừng.

Một điều quan trọng là ngay từ đầu, những người đứng đầu mô hình HTX thanh niên khởi nghiệp cần quan tâm chính là xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu cho HTX để hút khách và thuận tiện cho việc bán hàng và thu hút các nguồn hợp tác, đầu tư.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/khoi-nghiep-tu-mo-hinh-htx-cai-kho-bo-cai-khon-1090678.html