Khởi nghiệp với 100 nghìn đồng
Tham dự diễn đàn kết nối cung - cầu sản phẩm thanh niên khởi nghiệp năm 2023, ai cũng trầm trồ khi nhìn thấy những sản phẩm đan móc thủ công bằng len sợi rất đẹp mắt, được làm từ đôi bàn tay khéo léo của chị Nguyễn Thị Anh Thư (sinh năm 1981), trú tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ. Ít ai biết, những sản phẩm này kết tinh từ quá trình khởi nghiệp miệt mài, bền bỉ của chị với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn... 100 nghìn đồng.
Trò chuyện bên lề diễn đàn, chị Anh Thư cho biết, từ thuở còn bé, chị đã nhìn thấy mẹ miệt mài ngồi móc len sợi. Mẹ chị thường trìu mến bảo rằng, một trong những niềm hạnh phúc của phụ nữ là tự tay làm ra những sản phẩm cho mình và người thân. Cũng từ quan niệm ấy nên khi con gái mới 6 tuổi, mẹ đã dạy Anh Thư những thao tác đan móc đầu tiên. Bấy giờ, dù đôi bàn tay còn lóng ngóng nhưng cô bé người Cam Lộ đã thấy công việc này có sức cuốn hút lạ kỳ.
“Hạt giống” nghề đan móc thủ công mà mẹ gieo vào đôi bàn tay bé nhỏ của Anh Thư mất nhiều năm mới thực sự đơm hoa, kết trái. Vì những bận rộn trong việc học tập, công tác đoàn, rồi cuộc sống gia đình, chị không có nhiều thời gian dành cho việc đan móc thủ công. Thỉnh thoảng, nhớ lời mẹ, chị lại mang chiếc kim, cuộn len ra đan như tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn mình. Mỗi lần ai đó nhìn thấy sản phẩm, có lời khen, chị Thư như được tiếp thêm động lực.
Thế nhưng, chị chưa bao giờ nghĩ, đây sẽ là nghề chính cho mình trong tương lai. “Năm 2011, tôi lập gia đình. Những bộn bề, lo toan của cuộc sống thôi thúc tôi khởi nghiệp. Thế nhưng, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Một lần xem Youtube, thấy các nghệ nhân làm ra những sản phẩm đẹp mắt từ len sợi, ký ức tuổi thơ ùa về trong tôi. Ý tưởng làm các sản phẩm đan móc thủ công bằng len sợi để bán bất chợt xuất hiện”, chị Thư kể.
Để bắt đầu công việc, chị Anh Thư bỏ ra 100 nghìn đồng, về chợ Đông Hà để mua len. Có dụng cụ, vật liệu rồi, chị bắt đầu luyện rèn thêm kỹ năng đan móc thủ công. Buổi đầu, chị Thư ưu tiên làm đồ lưu niệm, trang trí đơn giản. Thế nhưng, bắt tay một cách thực sự vào công việc, chị dần nhận ra, nghề đan móc thủ công không nhàn nhã, dễ dàng như suy nghĩ của nhiều người. Nhiều lúc, chị hoa mắt, mỏi nhừ hai cánh tay... vì phải chuyên tâm, tập trung cao độ cho công việc.
Chị Anh Thư chia sẻ: “Cũng có lúc, tôi cảm thấy mệt mỏi và muốn bỏ cuộc. Thế nhưng, nghĩ lại, tôi không cho phép mình kết thúc khi chỉ mới bắt đầu. Vì vậy, tôi lại nỗ lực, rồi dần quen với những thử thách của nghề. Các sản phẩm ra đời cũng nhờ thế mà ngày càng đẹp, tinh tế hơn. Tôi không phải vất vả đến từng cửa hàng chào bán, đợi lúc có khách mua thì người ta mới trả tiền cho mình nữa. Nhiều khách hàng đã tìm đến với tôi”.
Tiếng lành đồn xa, những sản phẩm ra đời từ bàn tay khéo léo của chị được ngày càng nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến. Có khách hàng ở tận nước Anh xa xôi cũng thường xuyên liên lạc với chị. Mỗi lần như vậy, khách hàng này lại đặt chị làm vài chục chiếc túi xách để bán. Không muốn phụ lòng khách, chị Thư tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa hình thức, mẫu mã, mở gian hàng riêng, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ nhân khác...
Có thời điểm đơn đặt hàng quá nhiều, chị Thư phải khất lại với khách. Từ ngày bước chân vào nghề đến nay, chị luôn xác định: “Không vì vội vã chạy đua với thời gian và mải mê kiếm tiền mà làm giảm sút chất lượng sản phẩm”.
Giới thiệu về những sản phẩm làm ra, chị Anh Thư cho biết, hiện tại, bản thân đã có thể tự tin sống được với nghề. Những năm gần đây, để đáp ứng yêu cầu của công việc, chị thuê thêm nhân công để hỗ trợ. Bao giờ cũng vậy, chị Thư luôn ưu tiên chọn những người già cả, khuyết tật, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... vào làm việc. Từ trải nghiệm bản thân, chị Thư tin, mình có thể giúp những người yếu thế khởi nghiệp với đồng vốn rất nhỏ.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/khoi-nghiep-voi-100-nghin-dong/181342.htm