Khởi nghiệp với nghề may gia công

Được làm công việc yêu thích gần nhà, giờ giấc hành chính và thu nhập ổn định hàng tháng, đây là điều mà bất cứ lao động nữ nào cũng mong muốn. Giấc mơ ấy đã thành hiện thực, khi 2 năm gần đây, tiệm may gia công của chị Trần Thị Hạnh Nhân được thành lập ngay tại khu phố Nam Tân, thị trấn Thuận Nam, Hàm Thuận Nam.

Khởi nghiệp với nghề may gia côn

Nằm ngay km 26, tiệm may Hạnh Nhân chỉ là một ngôi nhà rộng chừng 100 m2, nhưng được chị chủ bố trí, sắp xếp các khu vực may, cắt khá gọn gàng. Hôm chúng tôi đến, do đang chờ nguyên liệu từ TP. Hồ Chí Minh về nên chỉ còn 4 thợ làm việc. Số hàng đang cắt, ráp là áo đồng phục của một cơ quan tại huyện Hàm Thuận Nam đặt. Đôi tay khéo léo của chị Hạnh Nhân thoăn thoắt ráp phần tay áo, vừa nói chuyện trong tiếng máy rào rào. “Từ nhỏ tôi đã rất thích may vá, thêu thùa, nên 18 tuổi đã đi học nghề may. Sau khi theo chồng về mở tiệm tại thị trấn Thuận Nam, có rất nhiều chị em tới xin việc làm, nhưng các sản phẩm đầm, áo dài cưới của tiệm chủ yếu may theo đơn đặt hàng lại không ổn định hàng tháng, nên tôi không dám nhận. Cho đến năm 2018, thu nhập từ thanh long khá bấp bênh khiến nhiều phụ nữ phải chạy đôn chạy đáo tìm việc, chắt chiu lo cuộc sống, khiến tôi thay đổi suy nghĩ, phải tìm đơn hàng may gia công để tạo thêm việc làm. Qua nhiều đêm tìm kiếm thông tin từ các nhãn hiệu thời trang trong nước, Công ty Gumac (TP. Hồ Chí Minh) đã trao cho tôi một cơ hội và tiệm may Hạnh Nhân đã không bỏ lỡ”.

Chị Hạnh Nhân đang thực hiện công đoạn lắp ráp trang phục

2 năm gắn bó với Gumac – một thương hiệu thời trang công sở nổi tiếng cả nước với hàng chục cửa hàng ở khắp các tỉnh, thành, điều khiến chị Hạnh Nhân tự hào là tất cả các mẫu do chị thiết kế đều được đánh giá rất cao và 14 công nhân có thu nhập ổn định. Mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Theo chị Nhân, lý do để một tiệm may nhỏ ở nông thôn trụ vững, đó là các thiết kế váy áo công sở không quá cầu kỳ về chi tiết, phụ kiện, nơ, hay thêu, nhưng đảm bảo yêu cầu thanh lịch, kín đáo. Thêm nữa, kỹ thuật cắt và đường chỉ may đều, đẹp cho dù trên nhiều loại vải.

Chia sẻ về công việc của mình, nhiều chị tại tiệm may Hạnh Nhân vui mừng nói: Mỗi ngày bắt đầu vào làm lúc 7 giờ sáng và hoàn thành công việc vào khoảng 17 giờ chiều, lại được làm gần nhà nên rất thoải mái. Các sản phẩm đều là đầm công sở, thiết kế không cầu kỳ, thêm nữa trước đây chúng tôi đã từng làm qua nghề may nên không gặp khó khăn gì trong quá trình làm việc.

Hiện đa số mẫu mà tiệm may đang gia công đều do chị Nhân thiết kế, chỉ riêng nguyên liệu vải do công ty cung cấp, đó cũng là thuận lợi để hợp tác, liên kết lâu dài với công ty. Đồng thời chị có dự định mở một cửa hàng trưng bày sản phẩm, nhận thêm may đồng phục công sở, tiến tới xây dựng thương hiệu riêng, như vậy sẽ giúp nhiều hơn phụ nữ nông thôn có việc làm.

Không chỉ cơ sở may Hạnh Nhân mà trên địa bàn tỉnh, nhất là ở huyện Đức Linh, thị xã La Gi hiện có nhiều cơ sở may gia công đang hoạt động nhộn nhịp, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nữ của địa phương. Nghề may gia công dễ học, dễ làm và có lợi thế là tiện sắp xếp thời gian để đưa đón con, chăm lo cho gia đình. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 939), Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng rất khuyến khích và tạo điều kiện về vốn vay, hướng dẫn các thủ tục pháp lý để hội viên tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Thùy Linh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/khoi-nghiep-voi-nghe-may-gia-cong-132717.html