Khối ngoại bán ròng hơn 14.500 tỷ đồng từ đầu năm
Xu hướng bán ròng của khối ngoại duy trì từ đầu năm. Đến hết phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 14.400 tỷ đồng.
Theo đó, khối ngoại bán ròng 682 tỷ đồng trên toàn thị trường trong phiên hôm nay. Đây là phiên thứ 14 liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh cổ phiếu.
Cụ thể, khối ngoại bán ròng gần 723 tỷ đồng trên HOSE và 17 tỷ đồng trên thị trường UPCOM. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng 58 tỷ đồng trên HNX.
Chỉ tính riêng trong tháng 3, khối ngoại bán ròng 11.284 tỷ đồng trên HOSE. Đây là mức bán ròng trên HOSE cao kỷ lục kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động.
Quý I/2024, khối ngoại đã bán ròng 13.872 tỷ đồng trên sàn HOSE, cao hơn 50% giá trị bán ròng trong cả năm 2023.
Thực tế cho thấy, không chỉ năm nay khối ngoại mới bán ròng mà xu thế bán ròng đã xuất hiện vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm khoảng 10%. Do đó, giới phân tích cho rằng không có tác động quá nhiều đến thị trường chung. Dù vậy, việc mua bán của nhà đầu tư nước ngoài phần nào đó ảnh hưởng tới quyết định mua bán của nhà đầu tư trong nước.
Trở lại diễn biến thị trường, trong khi hầu hết các nhóm cổ phiếu diễn biến tiêu cực thì sắc xanh chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu dầu khí. Các mã như PTV tăng 4,44%, PVS tăng 3,83%, PVB tăng 2,47%, PVD tăng 1,55%, PVC tăng 1,35%, PLX tăng 0,4%.
Thực tế, cổ phiếu dầu khí hưởng lợi từ giá dầu đi lên. Giá dầu châu Á tăng sáng 1/4, trước khả năng nguồn cung thắt chặt do thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu ở Nga và số liệu chế tạo khả quan ở Trung Quốc.
Vào lúc 10 giờ 31 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,3% lên 87,29 USD/thùng, sau khi tăng 2,4% trong tuần trước. Giá dầu thô ngọt nhẹ New York cũng tăng 0,4% lên 83,48 USD/thùng, sau khi tăng 3,2% trong tuần trước.
Cả hai loại dầu trên đều vừa ghi nhận tháng tăng giá thứ ba liên tiếp; trong đó, giá dầu Brent “neo” trên mức 85 USD/thùng kể từ giữa tháng Ba khi OPEC+ cam kết kéo dài các mức cắt giảm sản lượng đến hết tháng Sáu. Điều này có thể thắt chặt nguồn cung trong mùa hè ở Bắc Bán cầu.
Hôm nay, thị trường chứng khoán được nâng đỡ bởi nhóm cổ phiếu ngành bất động sản với VIC, VHM, NVL, KDH, DIG, DXG, CEO... ở chiều tăng giá.
Nhóm cổ phiếu tài chính gồm: Ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm ngập sắc đỏ. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chỉ số đi xuống.
Bên cạnh đó, thị trường còn chịu thêm tác động tiêu cực từ các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành như VRE, VJC, MSN, HPG, BVH... ở chiều giảm giá.
Chốt phiên giao dịch ngày 1/4, VN-Index giảm 2,57 điểm xuống 1.281,52 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 971,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 23.287,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 144 mã tăng giá, 327 mã giảm giá và 77 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,32 điểm lên 242,9 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 100,5 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 2.234,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 74 mã tăng giá, 92 mã giảm giá và 71 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,24 điểm xuống 91,33 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 34,4 triệu đơn vị, tương ứng hơn 436,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 151 mã tăng giá, 145 mã giảm giá và 101 mã đứng giá.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khoi-ngoai-ban-rong-hon-14-500-ty-dong-tu-dau-nam/328504.html