Khối ngoại đồng loạt 'xả hàng', cổ phiếu MWG chạm đáy

Hoạt động kinh doanh lao dốc, trong khi khối ngoại lại liên tục rút vốn, cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động chạm đáy và chưa có dấu hiệu ngừng rơi.

Lợi nhuận của Thế giới Di động lao dốc trong 9 tháng đầu năm 2023 khi bước vào cuộc chiến cạnh tranh giá. Ảnh: Lê Toàn

Lợi nhuận của Thế giới Di động lao dốc trong 9 tháng đầu năm 2023 khi bước vào cuộc chiến cạnh tranh giá. Ảnh: Lê Toàn

Khối ngoại đẩy mạnh bán ra cổ phiếu MWG

Kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán (tháng 7/2014) cho tới cuối năm 2022, cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động luôn được khối ngoại ưu ái, mua ròng và liên tục kín room.

Nhưng, từ đầu năm 2023 đến nay, điều này không còn được duy trì khi khối ngoại liên tục bán ra, đỉnh điểm là những tuần gần đây. Nếu như ngày 22/9, khối ngoại có thể mua thêm tối đa khoảng 9,32 triệu cổ phiếu MWG, thì tới ngày 3/11 có thể mua thêm tối đa 27,44 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài là 47,13% (sở hữu tối đa của khối ngoại là 49%). Như vậy, chỉ từ ngày 22/9 đến ngày 3/11, khối lượng sở hữu mà nhà đầu tư ngoại có thể mua vào cổ phiếu MWG tăng thêm khoảng 18,12 triệu cổ phiếu.

Theo dữ liệu của Công ty Chứng khoán SSI, khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu MWG từ cuối tháng 10 tới nay. Cụ thể, phiên ngày 23/10 bán ròng hơn 3,68 triệu cổ phiếu; phiên ngày 1/11 bán ròng ra hơn 5,3 triệu cổ phiếu; phiên ngày 2/11 bán ròng hơn 8 triệu cổ phiếu và hiện tượng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại…

Dưới tác động bán ròng của khối ngoại, từ ngày 13/9 đến ngày 2/11, cổ phiếu MWG giảm 35,6%, từ 57.500 đồng/cổ phiếu, xuống 37.000 đồng/cổ phiếu - mức đáy từ cuối năm 2020 đến nay. Đến sáng ngày 6/11, MWG ở mức 38.900 đồng/cổ phiếu.

Khối ngoại đẩy mạnh bán ra cổ phiếu MWG, nhưng lực cầu nội địa không hấp thụ hết có thể là nguyên nhân chính dẫn tới đà lao dốc của cổ phiếu MWG.

Thông thường, khi các quỹ lớn bán ra số lượng lớn cổ phiếu, họ sẽ tìm đối tác để giao dịch thỏa thuận, giảm tác động tới giá cổ phiếu. Tuy nhiên, việc không tìm được đối tác, cũng như thực hiện bán ngay trong phiên giao dịch liên tục, đẩy giá cổ phiếu MWG giảm sàn 2 phiên liên tiếp cho thấy quyết tâm thoái vốn bằng được của một số nhà đầu tư ngoại, bất chấp cổ phiếu về đáy.

Thực tế, không phải tới đợt bán tháo cuối tháng 10 và đầu tháng 11, mà khối ngoại sở hữu trên 5% vốn điều lệ của Thế giới Di động đã có động thái bán ra từ đầu năm.

Ngày 3/4, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital bán ra 979.600 cổ phiếu. Ngày 11/4, Quỹ Arisaig Asia Fund Limited bán ra 2.397.200 cổ phiếu. Ngày 24/5, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd bán ra 1.338.300 cổ phiếu. Trong các ngày 21/6 và ngày 24/7, Quỹ Arisaig Asia Fund Limited lần lượt bán thêm 668.900 và 576.000 cổ phiếu. Ngày 28/8, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd tiếp tục bán thêm 2.102.900 cổ phiếu MWG...

Đáng nói là, các lãnh đạo của Thế giới Di động cũng liên tục đăng ký bán ra cổ phiếu MWG trong thời gian qua. Ngày 13/7, ông Đặng Minh Lượm, thành viên HĐQT bán ra 300.000 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 0,24% về còn 0,22% vốn điều lệ; từ ngày 7 đến ngày 8/9, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 0,266%, về còn 0,197% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, trong một động thái mới nhất, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động vừa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu MWG để nâng sở hữu từ 2,4%, lên 2,47% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 8/11 đến ngày 7/12. Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 3/11 là 38.950 đồng/cổ phiếu, ước tính, ông Tài sẽ bỏ ra khoảng 38,95 tỷ đồng để mua vào 1 triệu cổ phiếu MWG.

Động thái đăng ký mua vào của ông Tài trong bối cảnh cổ phiếu MWG liên tục bị khối ngoại bán tháo nhiều khả năng nhằm hỗ trợ tâm lý cho nhà đầu tư hơn là đỡ giá, do lượng đăng ký mua không quá lớn.

Kinh doanh lao dốc

Quay trở lại với hoạt động kinh doanh của Thế giới Di động, đầu năm 2023, Công ty này “khởi động” cuộc chiến cạnh tranh về giá với các chuỗi bán lẻ khác và tự tin sẽ giành được thị phần của các đối thủ.

Kết quả, sau 9 tháng đầu năm 2023, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu 86.858,3 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 77,51 tỷ đồng, giảm 97,8% so với cùng kỳ; biên lợi nhuận ròng giảm từ 3,39%, về chỉ còn 0,09%.

Trước đó, từ khi niêm yết (năm 2014) đến năm 2022, biên lợi nhuận ròng của Thế giới Di động dao động từ 3,07%, đến 4,28%. Như vậy, biên lợi nhuận ròng trong 9 tháng đầu năm 2023 đang là mức thấp nhất của Thế giới Di động kể từ năm 2014.

Trong khi hoạt động kinh doanh của chuỗi bán lẻ Thế giới Di động và Điện Máy Xanh vẫn đang lao dốc do sức mua yếu, thì các hoạt động đầu tư mới trong những năm gần đây của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

9 tháng đầu năm 2023, chuỗi Bách hóa Xanh tiếp tục lỗ thêm 904,9 tỷ đồng (tổng lỗ lũy kế từ năm 2016 tới nay lên tới 8.299,87 tỷ đồng); chuỗi Nhà thuốc An Khang lỗ 234,4 tỷ đồng (tổng lỗ lũy kế từ năm 2019 đến nay là 553 tỷ đồng); MWG (Cambodia) Co., Ltd lỗ 96,8 tỷ đồng (tổng lỗ lũy kế từ năm 2017 đến nay là 701,5 tỷ đồng)…

Có thể thấy, tình hình kinh tế khó khăn khiến sức tiêu thụ yếu. Việc người dân thắt chặt tiêu dùng đã ảnh hưởng trực tiếp tới các chuỗi bán lẻ. Mặc dù đã đẩy mạnh xử lý tồn kho, nhưng hoạt động kinh doanh của Thế giới Di động cũng không tránh khỏi tình trạng lao dốc.

Mới đây, trong lần gặp gỡ chuyên gia phân tích sau khi công bố Báo cáo tài chính quý II/2023, đại diện Công ty Thế giới Di Động cho biết, những tháng cuối năm 2023 vẫn là giai đoạn khó khăn đối với người tiêu dùng, Công ty đang chuyển hướng để thực thi chiến lược giá tốt nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu tiết kiệm của khách hàng, đồng thời sẽ nắm bắt cơ hội thúc đẩy doanh số khi tình hình sức mua khả quan hơn.

Từ động thái đẩy mạnh bán cổ phiếu MWG của khối ngoại, nhìn rộng ra thị trường thế giới, có thể thấy, các nước phát triển vẫn duy trì lãi suất tăng cao, dòng vốn vẫn rút mạnh ra khỏi các thị trường cận biên, mới nổi. Vì vậy, các cổ phiếu của các quốc gia mới nổi và cận biên trở thành đối tượng bị khối ngoại bán ròng.

Theo dữ liệu mới nhất của Bloomberg, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 11 tỷ USD cổ phiếu trong tháng 10/2013, nâng đợt bán tháo kéo dài 3 tháng lên khoảng 27 tỷ USD tại các thị trường mới nổi châu Á (ngoại trừ Trung Quốc).

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khoi-ngoai-dong-loat-xa-hang-co-phieu-mwg-cham-day-d202580.html