Khối ngoại mua ròng, củng cố dòng tiền
Với lượng mua ròng gần 17.000 tỷ đồng trong tháng 11 và hơn 1.100 tỷ đồng phiên đầu tháng 12/2022, giao dịch của khối ngoại góp phần ổn định tâm lý thị trường sau những phiên 'đỏ lửa' trước đó và củng cố niềm tin vào nhịp phục hồi gần đây, dù áp lực chốt lời là khó tránh khỏi.
Mua gom các mã bluechip
Kể từ khi thành lập đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 17 đợt suy giảm lớn, với mức giảm từ 20% trở lên. Trung bình, các đợt suy giảm này xảy ra sau mỗi 1,4 năm, kéo dài 4,5 tháng và chỉ số
VN-Index có mức giảm bình quân 34,1%. Sau các đợt sụt giảm, thị trường luôn hồi phục mạnh mẽ, thời gian tăng giá bình quân là 10,2 tháng và lợi nhuận bình quân đạt 79%.
Trong nhịp hồi phục gần nhất, tính đến cuối tháng 11/2022, VN-Index tăng 5 phiên liên tiếp, với tổng mức tăng 10,8% và thanh khoản được cải thiện.
Có một số yếu tố hỗ trợ cho thanh khoản trên thị trường dồi dào hơn. Một là, áp lực từ tỷ giá không còn nặng nề như cách đây vài tháng, nhờ chỉ số USD Index xuống dưới 106 điểm và tỷ giá USD/VND trong nước xuống dưới mức 25.000 đồng/USD.
Hai là, hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng tại một số ngân hàng đang được nới lỏng để cung ứng vốn cho các doanh nghiệp.
Ba là, khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 17.000 tỷ đồng trong tháng 11/2022, có thể xuất phát từ các nước châu Á, vốn có chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn, trong khi các nước Âu - Mỹ thể hiện quan điểm duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt sang năm 2023.
Khẩu vị ưa thích của khối ngoại vẫn là các cổ phiếu bluechip đầu ngành. Trong tháng 11/2022, khối này mua ròng 1.727 tỷ đồng cổ phiếu VHM, 1.320 tỷ đồng cổ phiếu STB, 1.171 tỷ đồng cổ phiếu KDH, các cổ phiếu HPG, SSI, MSN được mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng mỗi mã. Các cổ phiếu trên đều ghi nhận mức tăng giá 30 - 40% kể từ vùng đáy gần nhất.
Ngược lại, một số cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng trong tháng 11 như HPX, NVL, DXG, nhưng giá trị không lớn.
Phiên giao dịch đầu tháng 12, khối ngoại tiếp tục mua ròng 1.102 tỷ đồng, tập trung vào cổ phiếu VHM, STB, MSN, VIC, HPG.
Các quỹ ETF ngoại trong vài tuần gần đây thu hút được nhiều vốn để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, khối ngoại đã tận dụng thời điểm dòng tiền trong nước hạn hẹp để huy động nguồn lực mua gom cổ phiếu giá rẻ. Hơn nữa, các cổ phiếu nằm trong rổ chỉ số VNDiamond mà khối này liên tục mua ròng đều được thị trường đánh giá cao về chất lượng doanh nghiệp, cùng mức độ an toàn để “sống sót” qua chu kỳ kinh tế khó khăn hơn. Do đó, đây là lựa chọn tốt để phòng thủ tài khoản, hoặc nắm giữ trong tầm nhìn trung hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
Theo DSC, các quỹ ETF ngoại trong tháng 11/2022 thu hút được nhiều vốn để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, Quỹ VNM ETF hút ròng 34 triệu USD, Quỹ FTSE Vietnam ETF hút ròng 16 triệu USD (lũy kế 11 tháng hút ròng 29 triệu USD), Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF hút ròng 133 triệu USD (lũy kế 11 tháng hút ròng 363 triệu USD).
Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại thông qua các quỹ ETF.
Kỳ vọng giao dịch sôi động
Theo Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam từ cuối tháng 9/2022 chủ yếu do áp lực giải chấp tại nhóm cổ phiếu bất động sản, cộng thêm bối cảnh lãi suất tăng mạnh. VN-Index đã điều chỉnh về gần đường trung bình 10 năm, định giá P/E đang ở vùng thấp, nhiều khả năng thị trường sẽ có diễn biến khả quan trong thời gian tới. Từ nay cho tới tháng 2/2023 sẽ là giai đoạn thích hợp để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thực tế, hoạt động giao dịch của khối ngoại không còn là định hướng thị trường trong vài năm trở lại đây, bởi tỷ trọng dòng tiền trong nước đóng vai trò chủ đạo khi chiếm tỷ trọng hơn 80%. Mặc dù vậy, những tín hiệu tích cực từ dòng vốn ngoại đã góp phần củng cố niềm tin trên thị trường và là nguồn tham khảo hướng đi của dòng tiền chung trong thời gian tới.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, quý IV thường là quý mà nhiều tổ chức tài chính lớn lựa chọn làm thời điểm tái cơ cấu danh mục và giải ngân cho năm mới khi có thể nhận diện được bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp để lọc tìm cơ hội. Với quý IV năm nay, không phải bây giờ, mà ngay từ đầu tháng 10, các nhà đầu tư nước ngoài đã tích cực giải ngân trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sự lạc quan của khối ngoại cùng giao dịch tích cực của các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giúp thanh khoản cải thiện mạnh mẽ, riêng giá trị giao dịch trên HOSE đạt 17.000 - 18.000 tỷ đồng/phiên trong tuần qua, gần gấp đôi mức bình quân nửa đầu tháng 11.
Nhìn vào một số kênh đầu tư phổ biến hiện tại, chứng khoán nhìn chung có sức hấp dẫn hơn, mặc dù đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có dấu hiệu chậm lại. VNDIRECT dự đoán, mức tăng trưởng lợi nhuận từ 12 - 14%, với mức lợi nhuận này thì thu nhập từ thị trường chứng khoán sẽ đạt khoảng 14%.
Trong khi khối ngoại quan tâm đến nhóm cổ phiếu bluechip, thì dòng tiền đầu cơ từ các cá nhân trong nước chủ yếu chảy vào nhóm cổ phiếu trước đó có giá giảm sâu, nhất là nhóm bị bán giải chấp như bất động sản, giúp không ít mã ghi nhận mức tăng trên 50% kể từ đáy ngắn hạn.
Tuy nhiên, khác với dòng tiền đầu cơ, dòng tiền đầu tư vẫn hướng đến các nhóm ngành cơ bản được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý IV/2022 như ngân hàng, công nghệ thông tin, điện, thủy sản, cao su tự nhiên, ống nhựa, dược phẩm.
Trong bối cảnh thị trường còn tiềm ẩn không ít rủi ro, đầu tư vào các nhóm cổ phiếu được hỗ trợ bởi câu chuyện lợi nhuận sẽ an toàn hơn và thu hút được dòng tiền trong các nhịp hồi phục của thị trường chung. Ngoài ra, các doanh nghiệp có dòng tiền tốt, cơ cấu tài chính an toàn, hay các cổ phiếu có định giá P/B thấp với tài sản chất lượng sẽ là các cơ hội đầu tư tốt trong trung và dài hạn.
Về thanh khoản, theo ông Trương Thái Đạt, lịch sử giao dịch cho thấy, dòng tiền có xu hướng quay trở lại thị trường bền vững trong các trường hợp VN-Index vượt lên trên đường trung bình 50 phiên.
“Dự báo, thanh khoản có thể ổn định trên 12.000 tỷ đồng/phiên, nhưng chỉ số cần duy trì vùng hỗ trợ 1.000 điểm trong tháng cuối năm 2022”, ông Đạt nói.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khoi-ngoai-mua-rong-cung-co-dong-tien-post311185.html