Khơi nguồn lực từ di sản văn hóa xứ Đoài
Sáng 26-4, Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Sơn Tây phối hợp với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học 'Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài'.
Sự kiện thiết thực kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822-2022), góp phần làm rõ hơn giá trị văn hóa đặc biệt của xứ Đoài trong dòng chảy văn hóa Việt Nam; vị trí, vai trò, giá trị tiêu biểu của di tích Thành cổ Sơn Tây trong lịch sử, văn hóa xứ Đoài, từ đó, đề xuất giải pháp hữu ích nhằm bảo tồn, phát huy hơn nữa giá trị di sản văn hóa xứ Đoài nói chung, di tích Thành cổ Sơn Tây nói riêng trong sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.
Xứ Đoài - kho báu vô giá trong dòng chảy văn hóa Việt
Trong văn hóa Việt Nam, xứ Đoài chỉ một vùng rộng lớn nằm về phía Tây kinh thành Thăng Long, được xác định là cái nôi của nền văn minh Việt cổ. Nhiều tư liệu lịch sử và khảo cổ cho thấy, khu vực này còn là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam; đồng thời là vùng đất văn vật, đóng góp nhiều anh hùng, hiền tài cho đất nước. Nét đặc sắc của truyền thống văn hóa xứ Đoài còn thể hiện qua hàng loạt di sản văn hóa, trong đó nổi bật là tục thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” của người Việt; hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, riêng có, như: Làng cổ Đường Lâm; cụm di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy, chùa Tây Phương, đền Hát Môn, đình Tây Đằng…; hay Thành cổ Sơn Tây - một trong “Tứ trấn thành” bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa, là thành quân sự bằng đá ong duy nhất còn lại trên cả nước.
Với vị thế là một trong tứ trấn của Kinh đô - Thủ đô nước Việt, Xứ Đoài luôn là nơi tiếp xúc, trao đổi văn hóa với Thăng Long - Hà Nội, qua đó, bồi đắp, làm phong phú, vững chắc hơn cốt cách, bản sắc của riêng mình trong suốt chiều dài lịch sử.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, hội thảo thu hút gần 40 tham luận, là những bài nghiên cứu khoa học, cùng hàng chục ý kiến đóng góp đầy tâm huyết và thuyết phục, góp phần làm rõ hơn giá trị văn hóa đặc biệt của xứ Đoài trong dòng chảy văn hóa Việt Nam; vị trí, vai trò, giá trị tiêu biểu của di tích Thành cổ Sơn Tây trong lịch sử, văn hóa xứ Đoài.
GS.TS Lê Hồng Lý (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) nhận định, vùng đất Sơn Tây là nơi cốt lõi, địa bàn chính của xứ Đoài, với núi Tản làm trục xung quanh hai bờ tả ngàn và hữu ngạn sông Hồng và sông Đà.
“Chính địa thế núi sông vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, song lại có tính chiến lược ấy đã tạo nên một xứ Đoài từ cổ đến kim đều là một vùng đất mang nhiều dấu ấn đặc biệt trong văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa tứ trấn của Hà Nội nói riêng, trong đó, đặc trưng nổi bật và quan trọng nhất là sự phong phú, đa dạng về tín ngưỡng thể hiện qua hệ thống di tích dày đặc cùng nhóm lễ hội thờ Tản Viên Sơn Thánh, Hai Bà Trưng, hai vua Ngô Quyền - Phùng Hưng, Từ Đạo Hạnh và hội chùa… trải dài suốt một vùng di sản”, GS.TS Lê Hồng Lý nêu.
Còn theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, xứ Đoài là bức tranh thu nhỏ của văn hóa Việt Nam, nhưng lại chứa đựng những nét đặc sắc riêng có, không thấy ở bất cứ nơi đâu. Ông cũng khẳng định, văn hóa xứ Đoài là một kho báu vô giá trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, nhưng đến giờ, phần nhiều, vẫn còn dưới dạng tiềm năng.
Trong khi đó, nói về giá trị tiêu biểu của Thành cổ Sơn Tây, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Tống Trung Tín chỉ ra: Trong lịch sử, Thành cổ Sơn Tây là một trọng trấn của toàn bộ khu vực phía Tây thành Hà Nội; chứng cứ về một thời kỳ xây thành, đắp lũy dày đặc ở Việt Nam dưới thời Nguyễn; đồng thời là minh chứng thuyết phục cho sức mạnh và lòng quyết tâm chống ngoại xâm trong lịch sử dân tộc. Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay, Thành cổ Sơn Tây là nơi còn lại những dấu tích tốt nhất, phục vụ nghiên cứu kỹ thuật xây dựng công trình quân sự phòng thủ của Việt Nam ở phía Bắc, vì hầu hết các tòa thành khác cơ bản đã mất hết dấu tích hoặc không dễ dàng tiếp cận dấu tích còn lại.
Khai thác hiệu quả tài nguyên di sản văn hóa xứ Đoài
Cùng với việc làm rõ những giá trị tiêu biểu của văn hóa xứ Đoài, di sản Thành cổ Sơn Tây, các nhà khoa học, nhà quản lý tham gia hội thảo cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý, đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Sơn Tây nói riêng và vùng đất xứ Đoài nói chung, góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội cho thị xã Sơn Tây và Thủ đô.
Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Vũ Minh Giang cho rằng, có thể bắt đầu ngay với những dự án cụ thể, xây dựng điểm nhấn là nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa xứ Đoài - thị xã Sơn Tây. Trong đó, việc tôn tạo, phát huy giá trị Thành cổ Sơn Tây phải là một nội dung quan trọng.
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý đề xuất tập trung đầu tư cho giáo dục di sản, với các giải pháp: Nghiên cứu, nhận dạng, tư liệu hóa các giá trị di sản văn hóa phi vật thể có liên quan đến Thành cổ, Văn Miếu Sơn Tây, từ đó xây dựng các kế hoạch hoạt động phát huy giá trị; nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ nghiên cứu, quản lý di sản cũng như cộng đồng tham gia việc thực hành, giới thiệu di sản; xây dựng mạng lưới hợp tác nhằm tăng cường sức mạnh trong nghiên cứu và tổ chức các hoạt động; xây dựng một số chương trình thí điểm giáo dục di sản dựa trên các giá trị không gian văn hóa của Thành cổ, Văn Miếu Sơn Tây…
Còn theo nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trương Quốc Bình, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, khai thác di tích; nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận Cụm di tích lịch sử văn hóa Sơn Tây “Thành cổ - Văn Miếu - chùa Mía - đền Và - làng cổ Đường Lâm” là di tích quốc gia đặc biệt để tôn vinh và bảo tồn những di sản văn hóa đặc sắc của xứ Đoài.
Tại hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai nhận định, hội thảo là dịp quan trọng để khẳng định và làm sâu sắc hơn những giá trị văn hóa xứ Đoài trong dòng chảy văn hóa Việt Nam trước xu thế hội nhập, phát triển của Thủ đô và đất nước; đặc biệt là hệ thống các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên vùng đất Sơn Tây, nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tiêu biểu của văn hóa xứ Đoài; qua đó, thu hút những giải pháp, kiến nghị nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa xứ Đoài, gắn với phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa của Sơn Tây nói riêng và Thủ đô nói chung.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đề nghị, sau hội thảo, thị xã Sơn Tây cần làm tốt công tác tuyên truyền về kết quả hội thảo; có kế hoạch truyền thông về giá trị di sản văn hóa xứ Đoài - Sơn Tây trên các ấn phẩm sách, báo, truyền hình...
"Đặc biệt, Sơn Tây cần phát huy tinh thần và giá trị hội thảo, tận dụng tối đa các tiềm năng, thế mạnh để tiếp tục xây dựng thị xã ngày càng giàu đẹp, văn minh, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Thủ đô”, đồng chí Bùi Huyền Mai nhấn mạnh.