Khơi nguồn nước mát cho mùa vàng bội thu

Đập Bái Thượng chắn ngang dòng sông Chu - bầu nước mát tưới cho gần một nửa đồng ruộng xứ Thanh và phục vụ dân sinh cho hơn 2 triệu người trong vùng. Công trình được Nhà nước đầu tư sửa chữa, đại tu, nâng cấp hoàn thành năm 2000 đã cung cấp nước phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân tốt hơn. Công ty TNHH MTV Sông Chu (sau đây gọi tắt là CT Sông Chu) hiện quản lý 75 hồ đập, trong đó có đập Bái Thượng; quản lý 149 trạm bơm, hơn 2.500km kênh mương và nhiều công trình thủy lợi khác phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sản xuất nước sinh hoạt...

Điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ mùa năm 2023 tại đập Bái Thượng. Ảnh: Thùy Dương

Trong những năm qua, CT Sông Chu đặc biệt chú trọng cải tiến công tác quản lý, điều hành, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hằng năm, công ty có từ 10 - 15 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở các lĩnh vực: Quản lý, điều hành; cải tiến kỹ thuật cơ, điện; bố trí, sắp xếp lao động linh hoạt, hợp lý; quy hoạch - đào tạo nguồn nhân lực; trong đó có 4 sáng kiến được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh công nhận và xếp loại A là: “Nghiên cứu và tổ chức thực hiện tổng hợp các biện pháp tiết kiệm điện năng các trạm bơm tưới trong CT Sông Chu”; “Nghiên cứu, xây dựng và áp dụng phương án khoán trong quản lý khai thác công trình thủy lợi để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an toàn công trình”; “Một số giải pháp điều hành liên hệ thống tưới Cửa Đạt - Bái Thượng - sông Mực để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ tưới trong CT Sông Chu”; “Điều tiết phòng lũ hạ du hồ chứa nước Cửa Đạt linh hoạt, an toàn và hiệu quả”... Các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã và đang được áp dụng, góp phần làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng mỗi năm.

Những ngày tháng 6-2023, trời nắng nóng gay gắt kéo dài, các địa phương, đơn vị đã và đang chủ động chống hạn, bảo vệ cây trồng. Ngược lên đầu nguồn đập Bái Thượng, đi qua những cánh đồng đã đủ nước mát cho bà con nông dân cấy lúa vụ mùa, chúng tôi cảm nhận trải qua bao gian khó, bất lợi của thiên tai, CT Sông Chu đã khắc phục khó khăn, chủ động đổi mới công tác quản lý, vận hành, khai thác tốt các công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững.

Với mục tiêu trọng tâm là vận hành an toàn hệ thống các công trình thủy lợi, phát huy hiệu quả phục vụ nước tưới, tiêu cho hơn 150.000 ha cây trồng/năm của 16 huyện và TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, trong đó hơn 55.000 ha cây trồng vụ mùa năm 2023. Từ công ty đến các chi nhánh trực thuộc đã xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả phương án tưới và chống hạn đến từng công trình, xứ đồng, các huyện, thành phố trong vùng. Kết quả nổi bật là toàn bộ diện tích lúa vụ đông - xuân năm 2023 trong hệ thống thủy nông Sông Chu đủ nước chăm sóc, lúa phát triển tốt, hiện nay đã cho thu hoạch, đạt năng suất cao.

Phục vụ sản xuất vụ mùa năm 2023 trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt, từ công ty đến các chi nhánh thủy nông trực thuộc khắc phục khó khăn, chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ công trình, dẫn nước vào đồng ruộng cho bà con gieo mạ, làm đất gieo cấy hết diện tích cây trồng vụ mùa theo kế hoạch... Từ công ty đến các chi nhánh thủy nông đã phát động cán bộ, công nhân viên ra quân phục vụ sản xuất, thay ca thường trực tại đầu mối công trình, vận hành các trạm bơm, nạo vét bể hút, kênh dẫn các trạm bơm, kênh mương tưới của các hệ thống, vớt rác, thông dòng chảy, cung cấp đủ nước cho các địa phương trong vùng. Điều hành hợp lý các cửa cống lấy nước ở các hồ chứa và có biện pháp tận dụng tối đa các nguồn nước tự nhiên, nước hồi quy, tăng cường trữ nước trong các hệ thống công trình thủy lợi. Điều hành bổ sung nguồn nước giữa các công trình, hệ thống thủy lợi liên quan. Kỹ sư, công nhân công ty đã lặn lội đưa máy bơm dầu đến khu đồng cao, vùng cuối kênh tưới, thửa ruộng hạn cục bộ bơm nước phục vụ sản xuất, hay nối dài đường ống, đắp đập ngăn kênh tiêu nhằm tạo nguồn nước, bơm bổ sung nước kịp thời. Biện pháp điều tiết nước tưới luân phiên được áp dụng ngay từ đầu vụ và duy trì trong cả vụ cho các tuyến kênh chính, trong đó tập trung cho vùng đang khó khăn về nước tưới. Đối với các xã vùng cao, vùng cuối kênh thuộc các huyện như Quảng Xương, Nông Cống, Triệu Sơn, Đông Sơn,... công ty đã chỉ đạo các chi nhánh thủy nông chủ động lắp đặt bổ sung các trạm bơm dã chiến, máy bơm dầu, bơm bổ sung nước kịp thời. Phân công lực lượng thay ca thường trực 24/24 giờ bám sát công trình, địa bàn thông dòng chảy, dẫn nước cho vùng cao, ruộng đồng cuối kênh đang “khát” nước. Vào dịp ngày lễ, chủ nhật, thứ 7, nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân CT Sông Chu phải tạm xa gia đình, người thân làm nhiệm vụ thường trực tại đầu mối các hồ đập, trạm bơm, công trình, kênh mương phục vụ sản xuất, dân sinh.

Khó khăn hiện nay là hàng chục hồ chứa nước do đơn vị quản lý hầu hết mực nước xuống thấp đến mực nước chết. Tại các trạm bơm thường xuyên bị cắt điện luân phiên nên việc vận hành các trạm bơm cấp nước tưới bị gián đoạn, gây nhiều khó khăn cho việc phục vụ sản xuất vụ mùa. Hệ thống tưới Cửa Đạt - Bái Thượng đang phụ thuộc lịch phát điện của Nhà máy Thủy điện Cửa Đạt, nhiều thời điểm lượng nước vào kênh chính không ổn định. Các trạm bơm điện trên địa bàn huyện Cẩm Thủy nhiều thời điểm không lấy được nguồn nước do phụ thuộc vào lịch phát điện của một số nhà máy thủy điện trên sông Mã.

Vận hành đập Quy Xá, điều tiết nước kênh Bắc thuộc hệ thống đập Bái Thượng, tưới cho cây trồng vụ mùa.

Để chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, CT Sông Chu đã chủ động sửa chữa, bảo dưỡng các hạng mục công trình và thiết bị, máy móc, bảo đảm vận hành an toàn cống đầu mối hệ thống thủy lợi Bái Thượng. Phối hợp với các nhà máy thủy điện xả nước xuống hệ thống Bái Thượng phục vụ nước sản xuất và đẩy mặn cho vùng hạ lưu sông Chu. Chủ động khắc phục khó khăn, CT Sông Chu đã lắp đặt một số trạm bơm dã chiến tại các trạm bơm Cẩm Tân 1, Cẩm Tân 2,... bơm nước tưới và chống hạn cho cây trồng. Cùng với đầu tư sửa chữa, nâng cấp hoàn thiện hệ thống kênh mương, công trình bị hư hỏng, thiết bị trạm bơm, công ty đã lập phương án kỹ thuật, phối hợp với các địa phương trong hệ thống phát động nông dân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, bờ vùng, bờ thửa thuận lợi cho dẫn nước; xây kiên cố nhiều tuyến kênh và công trình trên kênh. Nạo vét các kênh tưới; bể hút, kênh dẫn các trạm bơm dọc sông Chu, sông Mã, sông Bưởi, tổng khối lượng đã đào đắp gần 53.000m3 bùn, đất, đảm bảo kênh dẫn nước thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng. Hiện tại 149 trạm bơm trong hệ thống thủy nông Sông Chu đã chủ động bơm cấp nước phục vụ nông dân gieo cấy vụ mùa. Nhằm ghi nhận sự nỗ lực, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên các chi nhánh thủy lợi, tổ thủy nông trong việc quản lý, vận hành, cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiệu quả trong bối cảnh thời tiết nắng nóng gay gắt, trong các ngày vừa qua, đảng ủy, ban giám đốc, công đoàn CT Sông Chu tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ, công nhân; tổ chức phương án làm việc phù hợp nhằm đảm bảo sức khỏe cho các cán bộ, công nhân trực tiếp làm việc tại hiện trường trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tổ chức trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa được trích từ quỹ công đoàn, kinh phí cơ quan nhằm khích lệ, động viên tinh thần làm việc của cán bộ, công nhân viên ở các chi nhánh thủy lợi. Thời điểm này, bà con nông dân trong hệ thống thủy nông Sông Chu phấn khởi khi ruộng đồng đã có đủ nước gieo cấy vụ mùa trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài.

Cùng với triển khai phương án chống hạn, CT Sông Chu đang lập phương án phòng, chống lụt, bão (PCLB) cho 75 công trình hồ, đập, để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ban chỉ huy PCLB công ty đã đôn đốc, chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc hoàn thành công tác kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, chuẩn bị vật tư, thiết bị dự phòng thay thế khi có sự cố xảy ra và vận hành thử hệ thống công trình, 100% công trình hiện có bảo đảm an toàn, chủ động phục vụ sản xuất trong mùa mưa, bão. Chỉ đạo các chi nhánh phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các xã có liên quan để triển khai phương án ứng phó tình huống khẩn cấp của các công trình. CT Sông Chu đã tập kết tại các công trình được giao quản lý đủ số lượng vật tư dự trữ PCLB. Ban chỉ huy PCLB các chi nhánh thủy lợi đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng kỹ sư, công nhân thay ca thường trực tại đầu mối công trình để vận hành kịp thời khi có mưa, bão xảy ra.

Tuy công việc thầm lặng, vất vả trong điều kiện đối mặt với thiên tai bão lũ khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt nhưng mỗi cán bộ, kỹ sư, công nhân CT Sông Chu đều yêu nghề, phấn khởi, gắng sức phục vụ sản xuất, dân sinh như dòng sông Chu cần mẫn bồi đắp phù sa, khơi nguồn nước mát cho những mùa vàng nối tiếp bội thu, góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên quê hương Thanh Hóa.

Từ những nỗ lực, phấn đấu không ngừng, CT Sông Chu luôn được xem là một trong những điển hình trong khối các doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi toàn quốc. Trên hành trình xây dựng và phát triển, công ty vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng; nhiều Bằng khen, giấy khen, cờ thi đua, danh hiệu... của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Bài và ảnh: Thùy Dương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/khoi-nguon-nuoc-mat-cho-mua-vang-boi-thu/188541.htm