Khơi nguồn sức mạnh văn hóa để phát triển du lịch bền vững
Thọ Xuân, vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa của tỉnh Thanh Hóa, đang từng bước trở thành điểm sáng du lịch nhờ chiến lược phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa địa phương. Với 256 di tích, trong đó nổi bật là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh và Đền thờ Lê Hoàn, cùng hệ thống di sản văn hóa phong phú, Thọ Xuân đang khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Gắn kết di sản với sản phẩm du lịch đặc trưng
Thọ Xuân là quê hương của hai triều đại lớn trong lịch sử Việt Nam: Tiền Lê và Hậu Lê. Trên vùng đất này, dấu tích hào hùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn còn được lưu giữ trọn vẹn qua các di tích, văn bia; cung điện và lăng tẩm tại Lam Kinh. Bên cạnh đó, Đền thờ Lê Hoàn tại xã Xuân Lập cũng ghi dấu hình ảnh vị vua khai quốc triều Tiền Lê. Những giá trị lịch sử to lớn này đã được Thọ Xuân xác định là trụ cột trong chiến lược phát triển du lịch bền vững.

Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, việc phát triển du lịch không tách rời nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 được huyện ủy, UBND huyện triển khai đồng bộ, hướng tới mục tiêu đưa Thọ Xuân trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh.
Không chỉ dừng lại ở việc tôn tạo di tích, Thọ Xuân còn chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống để gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Những cái tên như làng bánh gai Thọ Diên, làng bánh lá răng bừa Xuân Lập, làng kẹo, nem Xuân Yên, Xuân Bái, hay làng nghề đan cót nan Thọ Nguyên đã trở thành điểm nhấn văn hóa gắn với du lịch địa phương.
Đặc biệt, nghề làm bánh gai Tứ Trụ là biểu tượng ẩm thực gắn bó với lễ hội, đời sống người dân - đang được khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Mỗi chiếc bánh với lớp bột nếp mịn hòa quyện lá gai, nhân đậu xanh, dừa nạo, thấm đượm hương dầu chuối là món quà đậm chất Thọ Xuân cho du khách bốn phương.

Các nghệ nhân biểu diễn trò Xuân Phả tại Lễ hội Lam Kinh
Cùng với đó, trò diễn Xuân Phả, được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, tái hiện sinh động nét văn hóa cung đình qua các điệu múa truyền thống, cũng đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn trong các kỳ lễ hội.
Khu di tích Lam Kinh không chỉ là trung tâm văn hóa, lịch sử mà còn là bảo tàng về kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Từ bia Vĩnh Lăng là tác phẩm độc đáo do Nguyễn Trãi biên soạn, đến hệ thống lăng mộ, điện, miếu xây dựng hòa hợp với thiên nhiên, tất cả đều phản ánh tầm vóc vĩ đại của triều đại Hậu Lê.
Bên cạnh giá trị lịch sử, Lam Kinh còn ghi điểm nhờ cảnh quan sinh thái đặc sắc. Không gian rừng xanh, khe suối, núi đồi đan xen cùng kiến trúc cổ kính tạo nên vẻ đẹp vừa trang nghiêm, vừa thơ mộng. Đây cũng là nơi tổ chức lễ hội Lam Kinh hằng năm (21-23/8 âm lịch) với các nghi lễ tế lễ cổ truyền, tái hiện những khúc nhạc múa cung đình như "Bình Ngô phá trận" và "Chư hầu lai triều", thu hút hàng vạn du khách tham dự.
Kết nối du lịch liên vùng và xuyên Việt
Nhằm phát huy tiềm năng, huyện Thọ Xuân đã và đang ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch, thu hút các dự án lớn như Khu Resort Sao Mai - An Giang ở Thọ Lâm, xây dựng phố cổ Phố Đầm, phục dựng kinh đô Vạn Lại - Yên Trường.

Bánh gai Tứ Trụ - Sản phẩm OCOP 3 sao
Cùng với đó, các sản phẩm OCOP như bánh gai Tứ Trụ, kẹo lạc Xuân Yên, nem chua Xuân Bái… đang được phát triển thành đặc sản du lịch, kết nối chặt chẽ với các tour tuyến như: Sầm Sơn - Lam Kinh - Suối cá thần, Lam Kinh - Thành Nhà Hồ… Mạng lưới giao thông thuận lợi, đặc biệt với sự hiện diện của Cảng Hàng không Thọ Xuân, tạo điều kiện lý tưởng cho việc đón khách trong nước và quốc tế.
Từ Lam Kinh, du khách có thể mở rộng hành trình khám phá xứ Thanh: ghé thăm đền thờ Lê Hoàn, làng đỏ Xuân Minh là nơi khởi nghĩa cách mạng; xuôi theo sông Chu tới suối cá thần Cẩm Lương; tham quan cửa Hà trên sông Mã hay trải nghiệm văn hóa Mường, Thái với các lễ hội như Pôồn Pôông, Sàng Khàn, thưởng thức rượu cần, cơm lam, mua quế Ngọc Châu Thường...
Những sản phẩm du lịch đặc sắc từ miền Tây xứ Thanh, như chè lam Phủ Quảng, thổ cẩm dân tộc Mường, đồ mây tre đan,… đang dần góp phần định hình bản sắc du lịch văn hóa đặc thù của khu vực.
Kinh nghiệm từ việc phát triển khu di tích Lam Kinh cho thấy: Bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa không chỉ là giữ gìn di sản, mà còn là nền tảng để phát triển bền vững du lịch địa phương. Việc khéo léo gắn kết lễ hội, di sản với trải nghiệm thực tế của du khách giúp tăng giá trị kinh tế, đồng thời lan tỏa tinh thần tự hào dân tộc.
Thời gian tới, Thọ Xuân cần tiếp tục chú trọng đào tạo nhân lực du lịch, nâng cao kỹ năng thuyết minh viên, xây dựng sản phẩm du lịch sáng tạo dựa trên giá trị văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, truyền thông để Thọ Xuân không chỉ là điểm đến văn hóa của xứ Thanh, mà còn là điểm nhấn nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam.