Khôi phục bia ghi dấu mối nối ray cuối cùng đường sắt xuyên Đông Dương
Ngày 28/6, tại ga Hảo Sơn (xã Hòa Xuân, Đắk Lắk), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khánh thành bia ghi dấu mối nối ray cuối cùng của tuyến Đường sắt xuyên Đông Dương tại Km1221, nơi vua Bảo Đại từng siết bu lông năm 1936.
Xã hội hóa công trình chào mừng đại hội Đảng bộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Công trình khôi phục bia dấu tích trên được Tổng công ty ĐSVN gắn biển "Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Tổng công ty ĐSVN lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2025-2030".

Ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN báo cáo tóm tắt quá trình thi công công trình.
Cụ thể, công trình khôi phục bia ghi dấu mối nối ray cuối cùng Đường sắt xuyên Đông Dương tại Km1221, phía nam ga Hảo Sơn, được phục dựng nguyên bản bằng đá nguyên khối với tỉ lệ 1/1 như tấm bia người Pháp dựng năm 1936.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN cho hay, trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu, hồ sơ liên quan đến việc xây dựng bia vào năm 1936 và những mảnh vỡ của bia còn lưu giữ lại được, bia được phục dựng bằng đá granít Bình Định nguyên khối, kích thước và hình thức theo đúng với bia gốc.
Thân bia có chiều cao 1,81m, chiều rộng 1,41m, dày 0,43m. Phần đế bia có năm cấp, kích thước đế bia phần rộng nhất phía mặt bia 4,71m, phía mặt cạnh của bia là 2,03m, chiều cao toàn bộ cả đế bia và thân bia là 2,66m. Chữ và hoa văn trên bia được khắc nổi, khôi phục gần như nguyên trạng theo bia gốc.

Ông Phạm Nguyễn Chiến, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Phú Khánh phát biểu nhận nhiệm vụ.
Được biết, tổng mức đầu tư xây dựng công trình 1,6 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa, ủng hộ của các đơn vị trong và ngoài ngành Đường sắt. Với sự tham gia tích cực của 50 cán bộ, công nhân, nghệ nhân, sau chưa đầy một tháng (từ ngày 4/7 - 28/7), công trình đã được hoàn thành.
Ngoài việc phục dựng bia, ngành Đường sắt còn xây dựng, tôn tạo cảnh quan khu vực với khuôn viên cây xanh, tại vị trí đặt bia rộng trên 300m2 và tuyến đường bê tông dài 200m, rộng 3m dẫn nối từ quốc lộ 1 vào.

Lãnh đạo Đảng ủy Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khen thưởng tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quá trình xây dựng công trình.

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình phục dựng bia lưu giữ dấu tích mối nối ray cuối cùng tuyến đường sắt xuyên Đông Dương.
Đích thân vua Bảo Đại siết bu lông nối ray
Theo lịch sử ngành Đường sắt, tuyến đường sắt xuyên Việt hiện nay (trước đây người Pháp gọi là tuyến đường sắt xuyên Đông Dương) là đứa con tinh thần của Toàn quyền Đông Dương Jean Marie Antoine de Lanessan (nhiệm kỳ 1891-1894). Tuy nhiên, nó được khởi công và hoàn thành dưới thời người kế nhiệm là Toàn quyền Paul Doumer (nhiệm kỳ 1897-1902).

Cán bộ, công nhân Công ty CP Đường sắt Phú Khánh chụp ảnh lưu niệm tại bia di tích.
Dự án đường sắt xuyên Đông Dương do chính quyền Pháp xây dựng và vận hành, thông qua Công ty Đường sắt Đông Dương (CFI). Dự án được xây dựng làm 5 giai đoạn, hoàn thành sau 39 năm, tổng chiều dài 1.730km.
Thời khắc lịch sử của tuyến đường sắt xuyên Đông Dương đến vào ngày 2/9/1936, khi hai đoạn tuyến đường ở hai đầu Bắc - Nam của Việt Nam cuối cùng được nối với nhau tại Km1221 (phía nam ga Hảo Sơn, trên địa bàn Phú Yên trước đây, nay là Đắk Lắk). Sự kiện đánh dấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt xuyên Đông Dương, chính thức được liên thông từ Mục Nam Quan (Lạng Sơn) đến Mỹ Tho.

Hoàng đế Bảo Đại ký sắc lệnh khánh thành đường sắt xuyên Đông Dương, có sự chứng kiến của Quyền toàn quyền Đông Dương A.Slivestre.

Toàn quyền Réne Robin và Hoàng đế Bảo Đại tự tay đặt những mảnh đường ray cuối cùng nối liền 2 đầu Bắc-Nam của tuyến đường sắt xuyên Đông Dương.
Chào mừng sự kiện trên, buổi lễ đã được tổ chức long trọng với sự hiện diện của Hoàng đế Bảo Đại và Toàn quyền Đông Dương khi ấy là Eugène Jean Louis René Robin. Trong buổi lễ này, đích thân Toàn quyền René Robin và vua Bảo Đại mặc quốc phục, cầm cờ lê, thực hiện động tác siết bu lông nối ray, chính thức công nhận đã hoàn thành tuyến đường sắt xuyên Đông Dương.
Đến ngày 1/10/1936, để đánh dấu sự kiện khánh thành tuyến đường sắt xuyên Đông Dương, một tấm bia bằng đá nguyên khối được dựng lên tại Km1221. Khu vực đặt bia ở dưới chân Đèo Cả, khu gian Đại Lãnh - Hảo Sơn - vị trí thực hiện mối nối ray cuối cùng của tuyến đường sắt xuyên Đông Dương.

Tấm bưu ảnh chụp tại Km1231 của tuyến đường sắt xuyên Đông Dương.
Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, tấm bia này đã bị bom đạn phá hủy và chỉ còn lại các mảnh vỡ không còn nguyên vẹn. Đến năm 2016, nhằm bảo vệ, giữ lại những dấu tích của bia ghi dấu nối ray cuối cùng của đường sắt xuyên Đông Dương, Tổng Công ty ĐSVN đã lắp dựng một tấm bia bằng đá granit, cao 1,2m, rộng 0,8m, dày 0,15m trên khuôn viên rộng 15m2. Bia được dựng tại vị trí trước đây đã thực hiện những công đoạn cuối cùng của quá trình xây dựng tuyến đường sắt xuyên Đông Dương.
"Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy và Hội đồng thành viên về chào mừng Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty ĐSVN lần thứ XIII nhiệm kỳ 2025-2030, hướng tới kỷ niệm 145 năm hình thành và phát triển ngành Đường sắt Việt Nam (1881-2026) và 80 năm truyền thống ngành Đường sắt Việt Nam (21/10/1946-21/10/2026), tháng 7/2025, Tổng công ty ĐSVN đã phục dựng nguyên bản bia ghi dấu mối nối ray cuối cùng đường sắt xuyên Đông Dương. Đồng thời, tôn tạo, xây dựng khuôn viên xung quanh góp phần giúp cán bộ, công nhân ngành Đường sắt và nhân dân, du khách tìm hiểu về địa điểm lưu dấu một phần lịch sử quan trọng của quá trình xây dựng tuyến đường sắt xuyên Đông Dương xưa, đường sắt xuyên Việt ngày nay", ông Đặng Sỹ Mạnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN cho biết.