Khôi phục sản xuất đẩy lùi dịch bệnh
ĐBP - Liên tiếp trong những ngày gần đây, 4 khu vực cách ly, phong tỏa do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã chấm dứt hoạt động cách ly, phong tỏa; các chốt kiểm soát được dỡ bỏ, người dân trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dù vẫn phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là khuyến cáo 5K của Bộ Y tế nhưng việc dỡ bỏ cách ly, phong tỏa đã khiến hàng nghìn người dân như 'trút được gánh nặng' trở lại cuộc sống bình thường.
Sự xuất hiện của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong đợt dịch thứ 4 này ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân. Không chỉ một số dịch vụ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động không có doanh thu mà sản xuất nông nghiệp cũng bị đình trệ khi đúng thời điểm thu hoạch, nhiều hộ dân không thể gặt hái, tiêu thụ nông sản bởi đang phải… cách ly y tế tập trung. Hai chục hộ gia đình với hàng trăm người dân của xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) “đứng ngồi không yên” khi từ đêm 19/5 phải đi cách ly y tế tập trung, những người còn lại cũng phải cách ly tại nhà do liên quan đến các ca bệnh Covid-19 trong khi lúa vụ xuân hè đã chín vàng trên đồng. Họ lo lắng nhưng cũng chẳng thể làm gì bởi không thể trốn khỏi khu vực cách ly đi gặt lúa. Trong gian khó tình người lại thắp sáng khi phong trào “gặt lúa giúp dân” được đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ chung tay thu hoạch lúa giúp bà con. Nỗi lo của người phải cách ly được giải tỏa khi biết thóc đã về nhà.
Cùng với câu chuyện thu hoạch lúa ở Lay Nưa là chuyện hỗ trợ tiêu thụ mận Nà Tấu của TP. Điện Biên Phủ trong những ngày này. Nà Tấu tuy không phải vùng cách ly song do dịch bệnh, hoạt động vận tải tạm dừng không có người thu mua nên mận được mùa chín rụng gốc cây mà không thể tiêu thụ. Nhằm giúp người dân thu lại một phần công sức “một nắng hai sương”, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ mận bằng cách đưa mận xuống bán tại các chợ trên địa bàn thành phố. Nếu như bán tại nhà mỗi ngày chỉ tiêu thụ chừng chục cân mận thì khi đưa xuống các chợ đã có hàng tấn mận Nà Tấu được bà con mua giúp.
Việc kết nối hỗ trợ thu hoạch lúa, tiêu thụ mận không chỉ thể hiện tình người trong gian khó mà tạo thêm niềm tin, động lực cho người dân trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”, tích cực khôi phục sản xuất sau dịch bệnh. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả vừa tập trung phục hồi và thúc đẩy sản xuất theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Điện Biên không có các khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều công nhân nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như các dịch vụ chịu tác động, ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19. Nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, làm đẹp… đã phải đóng cửa, trả mặt bằng, cho người lao động nghỉ việc khi không có doanh thu, không trả lương được cho người làm. Một số doanh nghiệp đang phải xoay xở, hoạt động cầm chừng, cắt giảm lao động… Trong điều kiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì người dân, doanh nghiệp đều cần phải thận trọng, tính toán sản xuất sao cho phù hợp với tình hình mới. Cùng với những điều chỉnh vĩ mô của Chính phủ về cơ chế chính sách, cải cách thể chế, hỗ trợ phục hồi kinh tế thì mỗi doanh nghiệp, địa phương và từng người dân cũng cần có cách làm sáng tạo, linh hoạt kiên trì “mục tiêu kép” không vì chống dịch mà ảnh hưởng tiêu cực quá lớn tới sản xuất.
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát khi đã hai chục ngày qua không có ca mắc mới trong cộng đồng. Cùng với việc kiểm soát phòng dịch phải chú ý khôi phục sản xuất, kinh doanh để đảm bảo đời sống người dân. Dịch bệnh đẩy lùi tới đâu khôi phục sản xuất tới đó nhưng không lơ là chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bởi chỉ khi phòng dịch tốt hoạt động sản xuất kinh doanh mới có thể từng bước khôi phục; kinh tế phát triển mới có nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội.
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cùng toàn thể nhân dân ta đã rất nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Nhiều hoạt động hỗ trợ, giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới sản xuất kinh doanh đã được triển khai; nhiều địa phương, đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, linh hoạt để vừa chống dịch vừa khôi phục, thúc đẩy sản xuất. Cùng với cả nước, Điện Biên đã thực hiện khá nghiêm túc các biện pháp phòng dịch và đến thời điểm này cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Khôi phục sản xuất sau dịch bệnh cũng là thời điểm phù hợp để xây dựng, củng cố, nối lại sản xuất theo chuỗi liên kết giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp; giảm thiểu rủi ro trong cung - cầu sản xuất. Dịch bệnh đẩy lùi tới đâu khôi phục sản xuất tới đó vừa là mục tiêu vừa là quá trình cần sự đồng lòng, cộng đồng trách nhiệm, ý thức của mỗi người dân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, từng bước phục hồi sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa, nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.