Khôi phục sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới
Vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Sông Mã đang tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, từng bước thích ứng an toàn và linh hoạt với tình hình dịch bệnh.
Công ty TNHH Hoa Xuân, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) hoạt động kinh doanh xăng, dầu và sản xuất bê tông thương phẩm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ban Giám đốc Công ty đã họp bàn tìm giải pháp, liên kết với các doanh nghiệp trong Chi hội Doanh nghiệp huyện để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, trực tiếp gặp gỡ, tiếp cận khách hàng để đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ về giá, vận chuyển nhằm tăng sức mua. Nhờ vậy, Công ty duy trì hoạt động, đã sản xuất trên 10.000 m³ bê tông, xuất bán trên 2 triệu lít xăng, dầu, tạo việc làm cho 30 lao động với mức lương từ 7-10 triệu đồng/tháng.
Ông Đinh Công Tuân, thành viên Ban Giám đốc Công ty TNHH Hoa Xuân, cho biết: Từ nay đến cuối năm, thị trường xây dựng sẽ bắt đầu nhộn nhịp trở lại, cùng với đó là các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản được triển khai nhiều trong mùa khô, vì vậy nhu cầu về bê tông thương phẩm và xăng dầu sẽ tăng. Công ty chủ động nguồn hàng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Công ty cổ phần thương mại Hiền Luyến, thị trấn Sông Mã, khai thác sản xuất đá xây dựng tại mỏ đá bản Noong Tàu, xã Phiêng Cằm (Mai Sơn), với công suất 30.000 m³/năm. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, sản lượng đá bán ra chậm, đá xây dựng tồn đọng nhiều. Chị Đỗ Thị Luyến, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Hiền Luyến, chia sẻ: Năm 2021, sản lượng khai thác tại mỏ đá được 27.000 m³. Từ đầu năm đến nay, Công ty mới bán được 10.000 m³. Hiện, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thị trường xây dựng bắt đầu nhộn nhịp trở lại, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Để tiết kiệm được chi phí nhân công, nâng cao sản lượng, Công ty đã đầu tư dây chuyền mới vào sản xuất, với hệ thống rô bốt khoan tự động, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đá xây dựng trên địa bàn huyện và tỉnh.
Hiện nay, Chi hội Doanh nghiệp Sông Mã có 37 hội viên, trong đó, 2/3 số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, Chi hội đã chủ động phối hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn huyện liên hệ với các doanh nghiệp trong tỉnh, địa phương khác đang triển khai xây dựng các công trình, dự án để giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Đối thoại, lắng nghe, phản ánh các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của các doanh nghiệp, cùng hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, UBND huyện Sông Mã còn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo quy định. Từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ 16 hộ kinh doanh, 46 đối tượng lao động với số tiền trên 114 triệu đồng; gia hạn nộp thuế theo Nghị định 52 của Chính phủ cho 15 doanh nghiệp, hợp tác xã, với số tiền 63 triệu đồng.
Bà Cầm Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: UBND huyện tiếp tục triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất, kinh doanh gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, tỉnh. Chỉ đạo Chi Cục thuế khu vực Sông Mã - Sốp Cộp tiếp tục rà soát, thực hiện miễn giảm, gia hạn nộp thuế theo quy định. Đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ như giảm lãi suất tiền vay (giảm 1,5%/năm); cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn trả nợ đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Quyết tâm vượt khó, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Sông Mã đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt mục tiêu vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành “mục tiêu kép”, tạo động lực để khôi phục kinh tế của địa phương.