Khởi sắc dòng vốn thu hút đầu tư

Thích ứng linh hoạt dịch bệnh Covid-19, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển KT- XH; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng…, ngay từ tháng đầu năm 2022, dòng vốn đầu tư vào tỉnh đã tăng, khẳng định một năm tiếp tục khởi sắc.

Công ty TNHH CDL Precision Technology Việt Nam (KCN Bình Xuyên) không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, điều chỉnh tăng vốn đầu tư đáp ứng sản xuất, gia công linh kiện điện tử cho Tập đoàn Sam Sung

Công ty TNHH CDL Precision Technology Việt Nam (KCN Bình Xuyên) không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, điều chỉnh tăng vốn đầu tư đáp ứng sản xuất, gia công linh kiện điện tử cho Tập đoàn Sam Sung

Ngay tháng 1/2022, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 3 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 63 triệu USD; 3 dự án DDI với tổng vốn đăng ký hơn 30 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 5 lượt dự án FDI với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 24 triệu USD và 2 dự án DDI, tổng vốn 238 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong tháng 01/2022 hơn 86,53 triệu USD và hơn 268 tỷ đồng. Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) đã trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 KCN Nam Bình Xuyên; phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 KCN Bá Thiện.

Đồng thời, ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án KCN Nam Bình Xuyên; chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng, phát triển các KCN: Sông Lô I, Sông Lô II, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa, Tam Dương I - khu vực 2, Nam Bình Xuyên, Sơn Lôi. Đây là tín hiệu tích cực cho dòng vốn đầu tư vào tỉnh trong năm 2022.

Theo Sở kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), các dự án đầu tư mới và tăng vốn đều nằm trong các KCN thuộc các nhà đầu tư: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, có công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường, phù hợp với các tiêu chí lựa chọn đầu tư của tỉnh.

Điển hình như dự án cấp mới SXKD ghế sofa, đệm và trang trí nội thất nằm trong KCN Sơn Lôi với tổng vốn đầu tư 61,5 triệu USD thuộc doanh nghiệp (DN) Nhật Bản; dự án sản xuất chế phẩm ATP thuộc Công ty TNHH ATP Pacific Việt Nam (KCN Bình Xuyên).

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; khơi thông các điểm nghẽn, giúp các DN phục hồi, duy trì và phát triển gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; tăng độ bao phủ vắc xin, mở rộng vùng xanh thúc đẩy các hoạt động SXKD.

Vì vậy, năm 2022, Vĩnh Phúc sẽ là điểm đến được nhiều DN lựa chọn. Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 11/2021, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đã trao Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc với Tập đoàn SOJITZ và các đối tác đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam là Vinamilk và Vilico về việc đầu tư, phát triển Dự án đầu tư cải tạo trang trại, chuyển đổi vật nuôi từ lợn sang bò thịt, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản, phân phối tại huyện Tam Đảo.

Đây là cơ hội để Vĩnh Phúc tiếp tục đón dòng vốn Nhật Bản trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Trưởng BQL các KCN tỉnh Nguyễn Xuân Phương cho biết: Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, năm 2021, Ban đã tập trung tháo gỡ 7 điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nhất là các điểm nghẽn trong công tác quy hoạch, phát triển các KCN, phát triển hạ tầng đến chân hàng rào các KCN, công tác bồi thường, GPMB, điểm nghẽn về tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ điều chỉnh thủ tục nhập cảnh; sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định số 82 quy định về quản lý KCN, khu kinh tế; có chính sách ưu tiên thu hút dự án điện tử công nghệ cao…

Nhờ vậy, năm 2021, Ban đã cấp mới 30 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 28 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 560 triệu USD, tăng 127% về vốn đầu tư so với năm 2020, vượt 220% kế hoạch đề ra; cấp mới, điều chỉnh tăng vốn 19 dự án DDI, tổng vốn đầu tư gần 7.776 tỷ đồng, vượt 476% về vốn đầu tư so với năm 2020.

Ông Pang Kai Jen, Giám đốc Công ty TNHH In điện tử Minh Đức (KCN Bá Thiện- Bình Xuyên) cho biết: "Tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và tỉnh Vĩnh Phúc trong ứng phó với dịch bệnh.

Tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn DN triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 qua nhiều kênh thông tin; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN.

Qua đó, giúp DN khắc phục khó khăn, đẩy mạnh SXKD. Năm 2021, công ty đạt doanh thu trên 15 triệu USD, tăng 10% so với năm 2020; nộp ngân sách nhà nước 130 tỷ đồng, tăng 5%; giải quyết việc làm cho 800 lao động. Thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng quy mô SXKD, điều chỉnh vốn đầu tư đáp ứng đơn hàng của khách hàng".

Để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt giữa các tỉnh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn thiện, thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về đầu tư nước ngoài; chú trọng xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh.

Nghiên cứu xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ giảm chi phí cho DN, trọng tâm là các lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn; ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào CCHC để tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho SXKD, đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Phấn đấu năm 2022, tỉnh thu hút đạt và vượt 450 triệu USD vốn FDI và 10.500 tỷ đồng vốn DDI.

Bài, ảnh: Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/73852/khoi-sac-dong-von-thu-hut-dau-tu.html