Khởi sắc nông nghiệp Yên Châu
Năm qua, huyện Yên Châu luôn phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng trên địa bàn để triển khai hiệu quả các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Các phòng chức năng của huyện chủ động chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân thâm canh tăng vụ, khai hoang mở rộng diện tích cây trồng, lựa chọn các loại cây, con giống năng suất, chất lượng cao, hướng dẫn người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; quy hoạch, phân vùng phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả theo hướng nâng cao hiệu quả trên diện tích đất canh tác gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng hành với nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp, năm 2019, các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp xây dựng các mô hình về: Trồng rau an toàn; măng tây; lê xanh trên đất đồi khô hạn; xoài tròn; cây chanh leo; me ngọt; cấy lúa theo phương pháp SRI kết hợp sử dụng phân viên nén nhả chậm, cấy lúa theo hiệu ứng đường biên; cây dược liệu; rau thủy canh tập trung tại các xã Sặp Vạt, Tú Nang, Viêng Lán, Chiềng Khoi, Chiềng Pằn...; tổ chức 138 lớp tập huấn tự nguyện theo nhu cầu nông dân và tập huấn gắn với mô hình khuyến nông về trồng trọt và chăn nuôi cho trên 6.230 lượt nông dân tham gia; tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất theo mùa vụ và tư vấn dịch vụ 70 cuộc, với 2.050 lượt người tham gia; tổ chức 10 cuộc tham quan hội thảo cho 350 lượt người tham gia; tư vấn cho nông dân xây dựng 45 bể công trình khí sinh học trong xử lý bã thải chăn nuôi. Nông dân trong huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao ghép cải tạo 130 ha nhãn chín muộn, 80 ha xoài và 3 ha chuối cấy mô; áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại 5 HTX, với 20 ha cây ăn quả; xây dựng mô hình sản xuất ngô bền vững trên đất dốc có vật liệu che phủ với quy mô 60 ha tại xã Lóng Phiêng; mô hình thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI quy mô 2,6 ha tại các xã Chiềng Đông, Sặp Vạt. Chú trọng cho vật nuôi ăn, uống bằng hệ thống tự động; sử dụng đệm lót sinh học; xây dựng các công trình khí sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi... Đến nay, nông dân trong toàn huyện đã xây dựng hơn 200 công trình khí sinh học trong chăn nuôi lợn hàng hóa, tập trung tại các xã Lóng Phiêng, Tú Nang, Sặp Vạt, Chiềng Đông... giảm thiểu tối đa mức độ nguy hại của chất thải chăn nuôi đến môi trường, sức khỏe con người ở khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập HTX, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn huyện hiện có 46 HTX sản xuất, kinh doanh rau quả, chăn nuôi, dịch vụ vật tư nông nghiệp; các HTX có 346 ha được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 100 ha nhãn, xoài được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Cũng trong năm, các HTX đã xuất khẩu trên 1.300 tấn quả các loại sang các nước Anh, Mỹ, Trung Quốc... Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, huyện lồng ghép các chương trình dự án, huy động nguồn lực do nhân dân đóng góp để tu sửa, xây dựng 1 trạm y tế xã, 37 nhà văn hóa, 1 công trình chợ nông thôn, 7 cầu treo, gần 200 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, các công trình đường giao thông và thủy lợi. Toàn huyện hiện có 4 xã đạt tiêu chí về trường học và 3 xã đạt tiêu chí giáo dục; 7/14 xã đạt chuẩn tiêu chí y tế; 2 xã đạt tiêu chí văn hóa và cơ sở vật chất văn hóa; 3 xã đã đạt chuẩn NTM là Viêng Lán, Chiềng Pằn và Chiềng Sàng.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, kết hợp với thực hiện tốt việc huy động và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... kinh tế nông nghiệp, nông thôn huyện Yên Châu đã và đang có nhiều khởi sắc, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện ngày càng phát triển bền vững.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/khoi-sac-nong-nghiep-yen-chau-28339