Khởi sắc nông thôn mới nơi vùng cao Quảng Ngãi

Trên những triền núi từng chỉ có mì và keo hoang dại, nay là những ruộng gừng, nghệ xanh mướt, vườn chè trĩu lá, rẫy mía oằn búp ngọt… Sự thay đổi ấy đang diễn ra từng ngày trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi tỉnh Quảng Ngãi.

Đặc biệt, những mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kép về kinh tế, môi trường sinh thái do HTX khởi xướng đang giúp người dân địa phương vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới theo hướng toàn diện, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất.

Làm giàu trên quê hương

Xã Đăk Sao là một vùng đất từng đối diện nhiều khó khăn, nơi hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc Kor sinh sống. Năm 2021, trong khi nhiều hộ dân còn trồng mì theo lối canh tác truyền thống, chính quyền xã phối hợp với HTX Nông sản và Thảo dược Tu Mơ Rông xây dựng mô hình liên kết trồng gừng, nghệ theo hướng hữu cơ.

Ban đầu, mô hình chỉ có 15 hộ dân tham gia với 3ha. Nhưng nhờ hiệu quả rõ rệt, đến nay, diện tích đã mở rộng lên 31ha với 48 hộ, phần lớn là người dân tộc thiểu số.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là nền tảng xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ngãi (Ảnh: BQN).

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là nền tảng xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ngãi (Ảnh: BQN).

Tham gia mô hình, các hộ liên kết được sự hỗ trợ trọn gói từ HTX, từ cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng hữu cơ, hỗ trợ phân bón, đến bao tiêu đầu ra ổn định từ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Người dân chỉ bỏ công chăm sóc và chờ ngày thu hoạch.

Anh A Blôc, người dân thôn Đăk Riếp 1, là một trong những người đầu tiên chuyển từ trồng mì sang gừng – nghệ, cho hay trong nhiều năm trồng mì, đất bạc màu mà giá cả thì bấp bênh.

“Từ khi chuyển sang trồng gừng, nghệ, thu nhập ổn định hơn, lại không lo bị ép giá vì có HTX thu mua tận nơi,” anh Blôc chia sẻ. Vụ thu hoạch năm 2024, gia đình anh thu về gần 20 triệu đồng – một khoản thu không nhỏ ở vùng cao.

Không chỉ tạo thu nhập, mô hình này còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất. Thành công của các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại cũng là nền tảng để Đăk Sao trở thành một trong những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, với các tiêu chí đạt chất lượng rất cao.

Hình thành chuỗi liên kết

Trong khi đó, tại xã Kon Đào, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình sản xuất liên kết khác cũng đang phát huy tác dụng mạnh mẽ. Với sự kết nối giữa địa phương, doanh nghiệp và người dân, nhiều hộ đã tham gia trồng mía, dứa, mắc ca theo chuỗi giá trị.

Gia đình anh A Chiến ở thôn Đăk Rô Gia từng thuộc diện hộ nghèo. Sau khi được vận động chuyển đổi cây trồng, năm 2023, anh đã phá bỏ diện tích mì kém hiệu quả để trồng 300 cây mắc ca và 3 sào mía.

Đến giữa năm 2024, mía cho thu hơn 30 tấn, bán được hơn 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Lúc trước trồng mì quanh năm vẫn nghèo, giờ có doanh nghiệp hỗ trợ giống, kỹ thuật, mua mía tận nơi nên mình yên tâm làm ăn”, anh Chiến chia sẻ.

Chính sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và HTX đã giúp nông dân không còn đơn độc trong sản xuất. Họ được hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, đầu ra ổn định và dần dần hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường.

Hay như tại xã Kon Plông, nơi có tới 94,5% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để thoát nghèo bền vững” đang thực sự đi vào đời sống, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Anh A Điêu ở thôn Măng Nách là một điển hình. Từ chỗ chỉ trồng mì, anh chuyển sang trồng 2ha keo và hơn 4ha cau. Ngoài ra, gia đình còn nuôi heo đen và vịt xiêm. Năm 2024, tổng thu nhập của gia đình vượt 200 triệu đồng.

Diện mạo nông thôn mới trên địa bàn các xã vùng cao tỉnh Quảng Ngãi ngày càng khởi sắc (Ảnh: BQN).

Diện mạo nông thôn mới trên địa bàn các xã vùng cao tỉnh Quảng Ngãi ngày càng khởi sắc (Ảnh: BQN).

Cũng tại xã Kon Plông, anh A Vững, thôn Vi Choong, đã chuyển đổi 3 sào mì sang trồng chè sạch, hợp tác với HTX Chè sạch Đông Trường Sơn. Sau ba năm, vườn chè phát triển tốt, giá chè dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, giúp gia đình anh có nguồn thu ổn định quanh năm.

Những chuyển biến này minh chứng cho vai trò quan trọng của HTX trong định hướng sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Khi người dân thay đổi tư duy, HTX đóng vai trò “đầu kéo” để tổ chức lại sản xuất, xây dựng mô hình nông nghiệp hiện đại hơn.

Hạt nhân xây dựng nông thôn mới

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ngãi đang có hàng trăm HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều HTX tập trung tại các khu vực miền núi không chỉ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, mà còn góp phần định hình chuỗi giá trị sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao đời sống cho người dân, góp dấu ấn đậm nét trong xây dựng nông thôn mới.

HTX Trà Bình, HTX Chè Đông Trường Sơn, HTX Tu Mơ Rông là những mô hình điển hình, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Một số HTX đã từng bước đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, OCOP và hướng tới xuất khẩu.

Không dừng lại ở sản xuất, nhiều HTX còn trở thành lực lượng xung kích trong xây dựng nông thôn mới. Bằng việc phát triển mô hình “HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị”, các HTX góp phần đưa tiêu chí thu nhập, việc làm, môi trường trong chương trình nông thôn mới.

Trong thành công của HTX ở Quảng Ngãi có vai trò không thể thiếu của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi. Những năm gần đây, các chương trình như: Hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; Tập huấn kỹ thuật, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.

Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi cũng đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm HTX lên sàn thương mại điện tử; Ứng dụng phần mềm kế toán HTX, chuyển đổi số quản trị nội bộ.

Đặc biệt, các mô hình HTX ứng dụng công nghệ số, sản xuất nông sản sạch, liên kết chuỗi đang được ưu tiên hỗ trợ mở rộng. Nhờ đó, nhiều HTX trở thành trung tâm để các địa phương tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, xúc tiến thương mại, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững.

Dù đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, nhưng thực tế tại vùng cao Quảng Ngãi vẫn còn nhiều thách thức. Hạ tầng giao thông, điện lưới, kho bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn thiếu thốn. Không ít HTX gặp khó về vốn, trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế, khả năng tiếp cận thị trường chưa cao.

Vì vậy, cần sự phối hợp đồng bộ từ trung ương đến địa phương trong việc mở rộng quỹ tín dụng nội bộ HTX, đào tạo kỹ năng quản lý – kỹ thuật cho cán bộ HTX, khuyến khích liên kết giữa HTX – doanh nghiệp – người dân, tăng cường chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

Từ những mô hình liên kết gừng, nghệ, dứa, mía, đến những vườn chè, rừng keo xanh mướt, HTX đã và đang thực sự là “cầu nối” phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới cho vùng cao Quảng Ngãi. Sự đồng hành của Liên minh HTX không chỉ dừng lại ở hỗ trợ kỹ thuật hay vốn vay, mà là đồng hành về tư duy phát triển – tạo nên sự thay đổi từ gốc rễ trong cách nghĩ, cách làm của người dân.

Những bước chân của nông dân giờ đây không chỉ in dấu trên nương rẫy, mà còn vững chãi trên hành trình xây dựng nông thôn mới, làm chủ cuộc sống, làm chủ vùng đất quê hương.

An Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/khoi-sac-nong-thon-moi-noi-vung-cao-quang-ngai-1108350.html