Khởi sắc nông thôn mới ở các xã biên giới

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/HU ngày 14/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sông Mã về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới giai đoạn 2020 - 2025, đến nay, 3/4 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 3%; hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ; nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường trao Bằng công nhận xã Mường Hung, huyện Sông Mã, đạt chuẩn nông thôn mới.Ảnh: PV

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường trao Bằng công nhận xã Mường Hung, huyện Sông Mã, đạt chuẩn nông thôn mới.Ảnh: PV

Ưu tiên nguồn lực

Sông Mã có 4 xã biên giới: Chiềng Khương, Mường Sai, Mường Hung, Mường Cai. Những năm trước đây, kinh tế - xã hội ở các xã giáp biên giới chậm phát triển, hệ thống giao thông, các công trình hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Nghị quyết số 09/NQ-HU đặt mục tiêu: Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3%/năm trở lên; 98% số hộ gia đình được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, điện lưới quốc gia; 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Đến năm 2025, xây dựng xã Mường Hung đạt chuẩn nông thôn mới; xã Chiềng Khương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...

Đồng chí Thào A Sử, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sông Mã, cho biết: Cụ thể hóa nghị quyết, huyện đề ra các giải pháp cụ thể, lấy phát triển kinh tế - xã hội làm động lực; củng cố hệ thống chính trị cơ sở làm then chốt. Tập trung triển khai các mô hình sản xuất phù hợp đặc điểm, điều kiện từng bản; nhất là ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Cán bộ Đồn biên phòng Mường Cai tuyên truyền phòng chống cháy rừng cho nhân dân bản Huổi Khe.

Cán bộ Đồn biên phòng Mường Cai tuyên truyền phòng chống cháy rừng cho nhân dân bản Huổi Khe.

Trong 5 năm qua, huyện hỗ trợ xây dựng 50 ha mô hình dứa Queen tại xã Chiềng Khương, Mường Sai; 20 ha mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Mường Hung; mô hình gà đẻ trứng tại xã Chiềng Khương, quy mô hơn 1.400 con. Ngoài ra, 60 hộ dân của 4 xã được hỗ trợ gần 2,2 tỷ đồng theo Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh và Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 28/2/2020 của HĐND tỉnh, đầu tư, xây dựng lò sấy hơi nhiệt; 1 hộ được hỗ trợ 46,2 triệu đồng đầu tư container đông lạnh. Bên cạnh đó, tổ chức hơn 1.200 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nhân dân các xã biên giới.

Lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng các xã vùng biên giới. Giai đoạn 2021-2024, huyện Sông Mã triển khai 80 dự án, tổng mức đầu tư trên 310 tỷ đồng, xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, hệ thống cung cấp điện, cấp nước... Qua đó, tạo điều kiện nhân dân phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh vùng biên.

Đổi thay các bản biên giới

Tuyến đường từ trụ sở UBND xã Mường Hung lên bản biên giới Huổi Bua, là bản xa nhất của xã, dài hơn 12 km. Thay vì phải mất vài tiếng đi bộ như trước, nay chúng tôi đi xe máy chỉ khoảng 30 phút là đến nơi. Bởi giờ đây, tuyến đường về bản được đổ bê tông đến tận bản. Anh Ly A Phịa, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Huổi Bua, phấn khởi: Trước kia, con đường đất lên bản có nhiều đá sắc nhọn. Khi trời mưa, đường lầy lội, trơn trượt, bản dường như bị cô lập. Bây giờ, con đường được Nhà nước đầu tư đổ bê tông khang trang, nhân dân vô cùng phấn khởi, vì đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện.

Công trình "Thắp sáng đường biên" tại bản Búa, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã.

Công trình "Thắp sáng đường biên" tại bản Búa, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã.

Bản Là, xã Chiềng Khương mùa này bao quanh bản là những vườn xoài, nhãn xanh tốt, nhiều ngôi nhà xây kiên cố; tuyến đường vào bản được chiếu sáng bởi hàng bóng điện năng lượng mặt trời, góp phần làm cho bản vùng biên tỏa sáng. Hiện nay, bản Là có 108 hộ, 564 nhân khẩu. Ông Cà Văn Ụa, 80 tuổi, bản Là chia sẻ: Hơn 20 năm trước, bà con chỉ biết trồng ngô, sắn, trồng lúa nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, giờ đây, nhân dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật trồng các loại cây ăn quả, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, kinh tế khởi sắc.

Thăm mô hình kinh tế tiêu biểu của gia đình ông Cà Văn Mai. Ông Mai cho hay: Gia đình tôi áp dụng kỹ thuật trồng 1 ha nhãn chín sớm, sang tháng sẽ cho thu hoạch, với giá trung bình 35-40 nghìn đồng/kg. Năm nay, nhãn được mùa, dự tính 1 ha đạt hơn 11 tấn quả, bán khoảng 300 triệu. Ngoài ra, gia đình còn trồng hơn 2 ha nhãn chính vụ; nuôi 7 con bò, 5 con lợn nái, 300 con gà, mỗi năm trừ chi phí thu lãi hơn 700 triệu đồng.

Đến nay, bản Là đang trồng 50 ha nhãn, trong đó, 8 ha nhãn chín sớm; 12 ha xoài tượng da xanh, sản lượng gần 700 tấn cây ăn quả/năm; 22 ha lúa ruộng, sản lượng trên 100 tấn/năm. Ngoài ra, bản phát triển chăn nuôi hàng hóa, đàn trâu, bò hơn 450 con; đàn gia cầm trên 5.000 con. Cả bản chỉ còn 3 hộ nghèo. Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống nhân dân vùng cao biên giới Sông Mã đã lật sang một trang mới tươi sáng.

Xây dựng vùng biên phát triển

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/HU ngày 14/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sông Mã. Giờ đây, nhân dân 4 xã vùng biên đang trồng 2.926 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là nhãn chín sớm, nhãn chính vụ, bưởi da xanh, bưởi diễn, thanh long, dứa Queen, quýt, mít; trong đó, có 60 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; 10 ha được cấp mã vùng trồng xuất khẩu.

Nhân dân bản Là, xã Chiềng Khương chăm sóc nhãn chín sớm.

Nhân dân bản Là, xã Chiềng Khương chăm sóc nhãn chín sớm.

Đảm bảo bao tiêu sản phẩm nông sản, các xã đã thành lập 13 HTX sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, với trên 300 thành viên; nhiều HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, tiêu biểu như: HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, xã Chiềng Khương; HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Hung; HTX Tân Thịnh, xã Mường Sai.

Bên cạnh đó, bà con còn trồng 65 ha cây cà phê, sản lượng đạt 700 tấn quả cà phê tươi/năm; 8 ha cây mía, sản lượng đạt 20 tấn mía cây. Đồng thời, khoanh nuôi, bảo vệ 2.934,3 ha rừng. Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tổng đàn trên 400 nghìn con gia súc, gia cầm.

Các công trình cơ sở hạ tầng tại 4 xã biên giới cơ bản đáp ứng sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Trong đó, các trụ sở làm việc của UBND xã, trạm y tế xã xây dựng khang trang; 100% trường học xây dựng kiên cố, đáp ứng nhiệm vụ dạy và học của các nhà trường và đạt chuẩn quốc gia; 60% số tuyến đường từ trung tâm xã về các bản đã được cứng hóa; các công trình thủy lợi đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo chủ động tưới tiêu cho trên 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

So với chỉ tiêu nghị quyết đề ra, đời sống của nhân dân 4 xã biên giới đã khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3%/năm trở lên; các xã Mường Hung, Mường Sai, Chiềng Khương đạt chuẩn NTM mới; xã Chiềng Khương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhân dân vùng biên xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; rút ngắn khoảng cách đời sống với nhân dân các vùng trong huyện.

Xây dựng các xã vùng biên giới giàu mạnh, tạo nền tảng đưa huyện Sông Mã bứt phá, vươn lên giàu mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-thon-moi/khoi-sac-nong-thon-moi-o-cac-xa-bien-gioi-MDca2ibHR.html