Khởi sắc ở vùng cao Tủa Chùa
Trong những năm qua, được Đảng, Nhà nước đầu tư các chương trình, dự án, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của người dân, chất lượng cuộc sống của đồng bào Mông trên địa bàn huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đã có sự đổi thay rõ rệt. Bản làng ngày càng khởi sắc, phát triển, đời sống kinh tế đi lên, đường sá đi lại thuận lợi, việc học hành của con em đồng bào được quan tâm đầu tư. Hành trình thoát nghèo của người dân luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua nhiều cơ chế, chính sách, giúp bà con dân tộc thiểu số ngày càng gắn bó với quê hương, góp phần bảo vệ 'phên dậu' quốc gia thêm vững chắc.

Cửa hàng tạp hóa của gia đình anh Vừ A Màng ở bản Trung Thu, xã Trung Thu. Hiện nay, gia đình anh là hộ khá giả của bản do phát triển kinh tế bằng các mô hình chăn nuôi. Ảnh: Ái Vân
Canh tác và sản xuất trên các triền núi đá là một đặc trưng của người Mông ở huyện Tủa Chùa. Để có được những vạt ngô xanh tốt trên những nương đá, người Mông nơi đây đã bỏ ra không biết bao công sức vun đắp, tận dụng từng hốc đá để trồng ngô rồi đến việc xếp đá thành bờ, thành thửa để giữ đất, mỗi hốc đá, ngô được trồng thành cụm từ 3 đến 5 cây. Bà Giàng Thị Sú, bản Tả Dê, xã Tả Phìn cho biết: "Chúng tôi sống ở Tả Phìn toàn núi đá, không có đất để trồng ngô, toàn phải trồng ở những hang đá, hốc đá nhỏ, có lúc còn bê đất ở chỗ khác về cho vào để mà trồng. Những cây ngô đã quen được người dân Tả Phìn trồng theo cách của ông cha từ trước đến nay".
Trong những năm qua, các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tại các xã có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã làm thay đổi cuộc sống của người dân các xã thuộc huyện Tủa Chùa. Trước đây, cuộc sống của người Mông ở bản Trung Thu, xã Trung Thu chỉ biết làm nương, trồng ngô, lúa, quanh năm vất vả nhưng cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Song những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư các chương trình dự án đã giúp người dân nơi đây có nhiều thay đổi.
Gia đình anh Vừ A Màng, ở bản Trung Thu là một điển hình, được xã tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Anh cũng được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi gia súc, gia cầm nên đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt. Do tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi và phòng bệnh, vật nuôi ít mắc bệnh hơn so với chăn thả truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế. Có vốn đầu tư, anh Màng tiếp tục đầu tư và chăn nuôi trâu bò, buôn bán kinh doanh các mặt hàng nông sản, hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đến nay, sau nhiều năm phát triển kinh tế, gia đình anh đã thoát nghèo và trở thành một hộ khá của bản. Anh Màng chia sẻ: "Mình là người dân ở vùng cao, các cụ già có nhiều phong tục cũ đã lạc hậu, đến lượt mình cũng phải thay đổi, nên em nghĩ phải chăn nuôi lợn để bán cho người ta mổ ăn, với lại nuôi gà để thịt hoặc bán theo đàn, rồi phát triển dần dần lên. Bây giờ, em cũng có một ít tiền để mua bò, trâu để nuôi, cùng với chăn nuôi lợn, gà, kinh tế gia đình đã bước đầu ổn định".
Tại xã Trung Thu - nơi có gần 100% dân tộc Mông sinh sống, bây giờ đã không có nhà tạm, thay vào đó là những ngôi nhà mới khang trang, nhà nào cũng chất đầy ngô lúa, người dân đã biết phát triển kinh tế gia đình, biết đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm để nâng cao thu nhập. Anh Thào A Lử, bản Nhè Xua Háng cho biết: "Gia đình em trước đây cũng có nhiều khó khăn, nhưng từ khi chuyển đổi mô hình chăn nuôi, nên khá giả hơn so với trước. Con trâu, con bò hay lợn, gà nuôi thì đã có người đến tận nhà mua, đường sá ở bản đi lại thuận tiện nên việc buôn bán lại càng dễ dàng hơn. Người ta đến tận nhà mua, không như trước kia, mình phải mang xuống chợ mới bán được".

Mô hình nuôi dê của anh Thào A Chủ. Ảnh: Ái Vân
Còn gia đình anh Thào A Chủ, bản Tả Huổi Tráng 1, xã Tủa Thàng lại mạnh dạn vay vốn để nhân rộng đàn dê của gia đình. Hiện tại, anh Chủ nuôi hơn 40 con dê gồm dê thịt, dê giống và dê sinh sản. Thời điểm cao nhất, gia đình anh nuôi hơn 70 con, theo tính toán của anh Chủ, nuôi dê có lãi hơn một số vật nuôi khác, nhanh thu hồi vốn, thị trường tiêu thụ rộng. Mỗi năm, dê thường đẻ được 2 đến 3 lứa, mỗi lần đẻ 1 đến 2 con và chỉ từ 7 tháng đến 1 năm, dê có thể được xuất chuồng, trọng lượng trung bình khoảng 25kg/con, con to có thể lên đến 30kg. Mỗi năm, chỉ riêng việc bán dê, trừ hết tất cả chi phí, gia đình anh thu về hơn 60 triệu đồng. Anh Chủ chia sẻ: "Gia đình cũng chỉ làm nghề nông, ngoài thóc và ngô, tôi nuôi thêm trâu, bò, dê để phát triển kinh tế gia đình. Giá dê hiện tại được giá hơn giá trâu và bò. Vừa rồi, tôi bán dê đực 100.000 đồng/kg, còn dê cái 80.000 đồng/kg".
Ở huyện vùng cao Tủa Chùa, đồng bào Mông chiếm trên 70% dân số toàn huyện. Những năm qua, Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Minh chứng rõ nét nhất chính là những ngôi nhà khang trang ngày một nhiều, các hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia, mua sắm nhiều vật dụng quan trọng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Cơ sở vật chất, trường học, trạm y tế được xây dựng kiên cố. Trong đó, có hệ thống đường giao thông từ huyện đến trung tâm xã đã được trải nhựa, đặc biệt là một số tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, bản được bê tông hóa từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững, Chương trình 135 của Chính phủ.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng có thể thấy, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã giúp đồng bào Mông ở Tủa Chùa từng bước đổi thay cuộc sống. Họ không còn trông chờ, ỷ lại mà đã tự vươn lên, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, tích cực cùng địa phương xây dựng quê hương ngày một ấm no, hạnh phúc.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khoi-sac-o-vung-cao-tua-chua-post488554.html