Khởi sắc toàn diện ở vùng nông thôn mới Củ Chi
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo vùng đất thép Củ Chi đã có nhiều đổi thay to lớn, chuyển biến tích cực về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nhiều mô hình, chuyển biến đáng mừng
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Mỹ Nguyễn Văn Hoàng nhớ lại: Từ xa xưa, người dân ở Thái Mỹ gần như chỉ biết sống bằng nghề nông và nghề thủ công truyền thống là đan mây, tre… Trước khi xây dựng NTM, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, đầu ra nông sản còn bấp bênh, phần lớn nông dân có trình độ văn hóa thấp cho nên trình độ sản xuất lạc hậu, năng suất và chất lượng nông sản đều thấp. Khi được UBND thành phố chọn làm xã điểm để xây dựng xã NTM, Thái Mỹ ngày càng có điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp: Hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được thiết lập, cấp phối sỏi đỏ và bê-tông nhựa nóng ra tới đồng ruộng, thuận lợi cho việc đi lại và chuyên chở nông sản. Hệ thống kênh thủy lợi được phủ kín, đưa nước đến từng thửa ruộng, thuận lợi cho việc tưới tiêu. Trong sản xuất, bà con nông dân được hỗ trợ vốn, tập huấn khoa học - kỹ thuật, dạy nghề ngắn hạn. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả tốt trong chăn nuôi, trồng trọt như: Mô hình trồng bắp (ngô) giống, trồng bưởi da xanh, rau an toàn, hoa lan, nuôi cá giống… Cụ thể hơn, Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ Lê Ngọc Sương cho biết: Xã có bảy tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp với 540 tổ viên, hằng năm gieo trồng từ 200 ha đến 300 ha bắp giống, lợi nhuận bình quân từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng/ha. Diện tích lúa cũng giảm dần và được chuyển đổi sang chăn nuôi và trồng các loại cây có thu nhập cao như hoa lan, cây kiểng, các loại rau. Xã có tổ hợp tác sản xuất mây - tre - lá xuất khẩu (làng nghề đan đát), giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động (công nhân) với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng; đồng thời, tạo ra việc làm cho một nghìn 138 lao động (chủ yếu là người nội trợ, người lớn tuổi) làm việc tại nhà với thu nhập bình quân khoảng hai triệu đồng/người/tháng. Ðến đầu năm nay, thu nhập bình quân của người dân xã đạt hơn 58 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo đa chiều (theo tiêu chí của thành phố) giảm còn dưới 0,5% tổng số hộ dân toàn xã; tất cả các hộ dân được sử dụng nước sạch…
Không chỉ Thái Mỹ mà những xã khác cũng đã đạt được nhiều mốc phát triển đáng mừng. Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Tây Nguyễn Văn Sơn cho biết: Ðến nay toàn xã không còn nhà tạm, tất cả hộ dân đã có nhà ở bán kiên cố và kiên cố. Thời điểm đầu năm 2019, số hộ nghèo của xã chỉ còn 25 hộ, chiếm 0,91% tổng hộ dân; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 56 triệu đồng/người/năm, xã phấn đấu cuối năm nay sẽ đạt mức 60 triệu đồng/người/năm. Chủ tịch UBND xã Trung Lập Thượng Nguyễn Quốc Huy cũng cho biết: Ðầu năm nay số hộ nghèo ở xã đã giảm xuống còn 19 hộ, chiếm 0,58% tổng hộ dân; 99,86% nhà ở đạt tiêu chuẩn nhà ở của Bộ Xây dựng, không còn nhà tạm, nhà dột nát; tất cả các hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch.
Không ngừng cải thiện
Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Ðình Ðức cho biết: Ðến nay, sau 10 năm xây dựng NTM, huyện Củ Chi đã có nhiều thay đổi tích cực, nhất là về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đường giao thông và vận động người dân sử dụng nước sạch. Giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện giai đoạn 2009 – 2019 tăng bình quân 8,24%/năm. Nông sản trên địa bàn huyện có quy mô lớn về số lượng: Tổng đàn heo đạt hơn 139 nghìn con, tổng đàn bò khoảng 100 nghìn con (trong đó khoảng 60 nghìn con bò đang khai thác sữa), 598 ha hoa kiểng (167 ha hoa lan), 1.642 ha rau an toàn các loại, 260 ha nuôi trồng thủy sản… Sản lượng nông sản hằng năm cung ứng ra thị trường khoảng 208 nghìn tấn rau, tám nghìn tấn thủy sản, 110 nghìn tấn sữa bò tươi và 35 nghìn tấn thịt các loại, 22,4 triệu cành lan mỗi năm. Doanh thu sản xuất nông nghiệp bình quân năm 2018 đạt 500 triệu đồng/ha/năm, riêng mô hình trồng lan cho doanh thu bình quân 700 triệu đồng/ha/năm, rau an toàn đạt 400 triệu đồng/ha/năm, hoa kiểng 600 triệu đồng/ha/năm... Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông của huyện đã tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ, liên thông từ huyện đến xã, phục vụ tốt việc đi lại của người dân, vận chuyển nông sản và vật tư phục vụ sản xuất; gồm 2.107 tuyến đường và 213 tuyến hẻm, có chiều dài 1.434 km.
Tất cả 20 xã của Củ Chi đã đạt cơ bản đủ 19 tiêu chí giai đoạn nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM (Bộ tiêu chí NTM theo đặc thù vùng nông thôn thành phố giai đoạn 2016 - 2020 của UBND thành phố). Ðồng thời, Củ Chi cũng đã cơ bản đạt chuẩn cả 9 tiêu chí huyện NTM theo tiêu chí huyện NTM và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian tới, Củ Chi sẽ tập trung thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, xây dựng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Củng cố và phát triển các hình thức kinh tế hợp tác từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn; tập trung cải thiện và nâng cao hiệu quả các kênh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn nhằm tăng sản lượng tiêu thụ rau, quả của các hợp tác xã, tổ hợp tác; từng bước nâng cao tỷ lệ rau tiêu thụ qua các doanh nghiệp, hợp tác xã, siêu thị.
Ðồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu huyện Củ Chi phải xác định xây dựng NTM là một quá trình tiến bộ không ngừng, luôn phấn đấu, không được bằng lòng, thỏa mãn với những gì đã đạt được; cần quan tâm và làm sao giữ vững và ngày càng nâng chất các tiêu chí NTM, nhất là thu nhập của người dân. Cần thường xuyên theo dõi, duy tu, nâng cấp hệ thống giao thông. Huyện chú trọng duy trì và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường sống, bảo vệ cảnh quan, tích cực đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm giàu hợp pháp; tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất và hiệu quả, lợi nhuận.