Khởi sắc từ những mô hình sinh kế giúp người dân biên giới thoát nghèo
Sau thời gian triển khai, các mô hình sinh kế do Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế hỗ trợ cho người dân khu vực biên giới xã Trung Sơn, huyện A Lưới đã mang lại những tín hiệu tích cực, từng bước giúp người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Để đến được ngôi nhà gỗ nằm tách biệt giữa lưng chừng đồi của gia đình chị Hồ Thị Mậu, ở thôn A Đeng 2, xã Trung Sơn, chúng tôi phải băng qua con suối trên những phiến đá gồ ghề phủ đầy rêu.
Thiếu tá Nguyễn Thành Thái, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cho biết: Gia đình chị Hồ Thị Mậu thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hai vợ chồng trẻ và hai con nhỏ dựng nhà ở đây để tiện làm nương rẫy, nhưng phụ thuộc vào thời tiết, phải lo ăn từng bữa. Sau nhiều lần đến thăm, khảo sát thấy bên cạnh nhà có ao nước nên chúng tôi đã vận động gia đình cải tạo để thả cá, làm thêm chuồng nuôi heo. Để gia đình có thêm sinh kế phát triển kinh tế, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đã hỗ trợ gia đình 150 con ngan giống trong mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ”.
Chung tôi vừa vượt qua con suối, một ao nước trong xanh, phẳng lặng như chiếc gương soi bóng ngôi nhà gỗ đơn sơ xuất hiện trước mắt. Bên góc ao cạnh nhà, chị Mậu đang chăm chú nhìn đàn ngan tung tăng dưới nước với ánh mắt đầy hy vọng. Thấy dáng cán bộ Biên phòng, chị hồ hởi chạy đến và khoe: “Nhờ các chú bộ đội hỗ trợ giống, hướng dẫn cách chăn nuôi, gia đình tận dụng các nguồn thức ăn như chuối, rau, ốc, cá tạp sẵn có nên đỡ được phần nào chi phí chăn nuôi, đàn ngan lớn lên từng ngày. Bây giờ, mỗi con nặng hơn 3kg rồi, chừng hơn chục ngày nữa là có thể xuất bán để quay vòng vốn tiếp tục chăn nuôi. Cảm ơn các chú Biên phòng nhiều lắm!”.
Chia tay gia đình chị Mậu, chúng tôi đến thăm gia đình chị Hồ Thị Thảo, trú tại thôn A Đeeng Par Lieng 2, xã Trung Sơn. Chồng chị mất sớm, một mình chị không có việc làm ổn định, vừa phải chạy ăn từng bữa, vừa lo cho hai con nhỏ ăn học nên áp lực đè nặng lên đôi vai. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả đó, trong thời gian qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho gia đình chị. Trong mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ” lần này, gia đình chị được hỗ trợ 150 con ngan giống. Dù bận bịu với công việc hằng ngày, nhưng chị Thảo vẫn dành nhiều thời gian để chăm sóc đàn ngan.
Chị Thảo tâm sự: “Sự hỗ trợ của đồn Biên phòng không chỉ giúp gia đình có sinh kế thoát nghèo mà thông qua đó, tôi còn chỉ dạy các con về sự vượt khó và tình yêu lao động. Với giá khoảng 70 nghìn đồng/kg, đàn ngan của gia đình bán được hơn 9 triệu đồng. Tôi sẽ dùng số tiền này mua sắm quần áo, sách vở cho các con chuẩn bị bước vào năm học mới, phần còn lại để lo cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và đầu tư sản xuất chăn nuôi”.
Không chỉ có mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ”, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân còn triển khai mô hình “Lợn giống cho người nghèo”. Trong mô hình này, có 3 gia đình tại xã Trung Sơn được hỗ trợ, trong đó có gia đình anh Lê Quang Nhân, trú tại thôn A Deeng Par Lieng 2. Anh Nhân đã mạnh dạn vay vốn để mở rộng khu chăn nuôi. Bây giờ trong chuồng không chỉ có lợn thương phẩm, gia đình anh còn nuôi thêm lợn sinh sản để chủ động nguồn giống tại chỗ.
Đưa chúng tôi đi thăm chuồng trại chăn nuôi, anh Nhân không giấu được niềm vui: “Trước đây, gia đình nuôi bò, lợn nhưng toàn chăn thả tự do nên vật nuôi thường mắc bệnh, có khi còn bị chết, từ đó gia đình không nuôi nữa. Từ khi được hỗ trợ lợn giống, lại được bộ đội hướng dẫn cách chăn nuôi nên đàn lợn phát triển khỏe mạnh. Gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư thêm để mở rộng khu chăn nuôi và xác định đây là hướng đi mới để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”.
Xã Trung Sơn có 5 thôn với 919 hộ/3.296 nhân khẩu, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 95%. Địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã còn rất cao với 623 hộ, chiếm 68,09%. Xác định nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đã triển khai nhiều mô hình, việc làm thiết thực như: Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”...
Để tạo sinh kế, tìm hướng đi mới để đồng bào nơi đây phát triển kinh tế, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đã thí điểm mô hình sinh kế cho 26 gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Trung Sơn. Với hơn 1.500 con giống ngan, lợn ban đầu, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Sau hơn 4 tháng triển khai, các mô hình trao “cần câu” cho bà con đã mang đến những tín hiệu tích cực. Nhiều gia đình đã có bước phát triển mới, tìm ra hướng đi để phát triển kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt hơn, có nhiều gia đình không nằm trong diện được hỗ trợ cũng đã học tập, bắt tay vào thực hiện các mô hình để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở khu vực biên giới.
Thiếu tá Nguyễn Thành Thái cho biết thêm, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn thực hiện tốt phương châm “ba bám, bốn cùng” nên thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của người dân. Với đa số người dân sinh sống ở khu vực biên giới thuộc địa bàn đơn vị phụ trách, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Từ những kết quả thu được của các mô hình, thời gian tới, đơn vị sẽ nhân rộng sang các xã khác để tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Có thể nói, những việc làm thiết thực, hiệu quả, nghĩa tình của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đã giúp đồng bào ở khu vực biên giới có sinh kế, tìm được hướng đi mới để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Qua đó, những người lính quân hàm xanh đang thiết thực chung tay cùng các cấp, các ngành nâng cao đời sống của người dân, góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu mạnh.