Khởi sắc vùng biên giới Sốp Cộp

Đến huyện vùng biên Sốp Cộp những ngày này có thể dễ dàng nhận thấy sự đổi thay của bộ mặt nông thôn miền núi. Có được những thay đổi đó là nhờ sự 'chuyển mình' trong tư duy, ý thức phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân địa phương.

Một góc trung tâm huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Một góc trung tâm huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Huyện Sốp Cộp được chia tách từ huyện Sông Mã vào tháng 01/2004. Toàn huyện có 8 xã, diện tích 1.477km², hơn 120km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Sau 18 năm, trung tâm huyện Sốp Cộp đã mang dáng dấp của một đô thị. Không còn thấy những cây cầu tạm bắc qua suối Nậm Ca, Nậm Lạnh ngày nào, mà thay vào đó là cầu bê tông vững chãi, con đường nhựa thênh thang mới hoàn thành nối quốc lộ 4G vào đến cầu Nậm Ca. Hệ thống đường trung tâm hành chính huyện được quy hoạch, xây dựng ô bàn cờ. Bản Hua Mường giờ nhộn nhịp, với đầy đủ các loại hình dịch vụ, thương mại, các công trình khu vực trung tâm hành chính, chính trị; khu dân cư với nhà xây cao tầng; các khu văn hóa - thể dục thể thao; các trường học... được xây dựng khang trang.

Là huyện nghèo ở vùng biên của tỉnh Sơn La, những năm gần đây, bộ mặt vùng biên Sốp Cộp đã và đang thay đổi từng ngày. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện ngày được nâng lên. Cuộc sống vui tươi, ấm no hiện hữu trên các bản vùng cao.

Gia đình anh Lò Văn Thuấn ở bản Nà Mòn được biết đến là một trong những gia đình trẻ làm kinh tế giỏi của xã Mường Và. Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, không đi theo lối mòn, lạc hậu, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn cho năng suất, giá trị thấp sang trồng gần 300 cây cam, quýt giống bản địa. Sau hơn 10 năm trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật, đến nay mỗi vụ cam, gia đình anh thu về gần 200 triệu đồng.

Anh Lò Văn Thuấn chia sẻ: ban đầu khi chuyển sang trồng cây ăn quả anh chỉ dám thử nghiệm trồng hơn 50 gốc. Nhưng sau một thời gian, anh đã chuyển đổi hoàn toàn sang trồng cây cam, quýt; nhờ đó thu nhập của gia đình anh ngày càng ổn định và nâng lên rõ rệt.

Bà con nhân dân xã Nậm Lạnh với mô hình trồng cam.

Bà con nhân dân xã Nậm Lạnh với mô hình trồng cam.

Nhận thấy hiệu quả của việc phát triển cây ăn quả đem lại, người dân ở đây đã cùng học hỏi và nhân rộng mô hình này. Ban đầu chỉ có 10ha đến nay bản Nà Mòn, xã Mường Và đã có gần 60ha cây ăn quả. Những năm gần đây, các sản phẩm nông nghiệp ngắn ngày, hiệu quả kinh tế thấp đã dần được người dân thay thế.

“Hiện nay có hơn 50% hộ dân trong bản đã chuyển sang trồng cây ăn quả, cả bản chỉ còn 25 hộ nghèo. Thu nhập trung bình hằng năm của các hộ có vườn cây ăn quả đạt từ 200 triệu đồng trở lên. Từ khi chuyển sang phát triển cây ăn quả có múi, người dân trong bản đã có thu nhập ổn định, đời sống ấm no và hạnh phúc hơn” anh Lò Văn Bảo, Trưởng bản Nà Mòn chia sẻ.

Một trong những điểm nhấn giúp huyện vùng biên Sốp Cộp có diện mạo, sức sống mới là nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Với sự quan tâm đầu tư nguồn lực của Trung ương và tỉnh Sơn La; sự nỗ lực của cấp ủy chính quyền địa phương, đến nay huyện Sốp Cộp đã có 2 xã đạt chuẩn, 6 xã đã đạt từ 8 - 13 tiêu chí nông thôn mới. Tổng số tiêu chí trên địa bàn huyện đạt 96 tiêu chí, tăng 04 tiêu chí, bình quân đạt 12 tiêu chí/xã, bình quân tăng 0,25 tiêu chí/xã so với năm 2020.

Theo ông Lò Văn Thái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dồm Cang, với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng", chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt giữa các cấp, ngành. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong việc tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Kết quả là sau 10 năm triển khai, xã đã huy động được trên 118 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 18 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Đến nay, trên địa bàn huyện Sôp Cộp có 24 doanh nghiệp, 33 Hợp tác xã đang hoạt động; trong năm có 06 Hợp tác xã đăng ký thành lập mới. Tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các Hợp tác xã thực hiện liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển nông thôn trên địa bàn. Hỗ trợ các Hợp tác xã về các điều kiện tham gia chương trình OCOP.

Phát triển nông nghiệp là thế mạnh của huyện biên giới Sốp Cộp.

Phát triển nông nghiệp là thế mạnh của huyện biên giới Sốp Cộp.

Phát triển kinh tế nông nghiệp là trọng tâm, huyện đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, gắn với triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh; xây dựng các mô hình kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân nâng cao thu nhập. Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: Đến nay, tổng diện tích cây lương thực có hạt toàn huyện đạt trên 6.200ha; diện tích cây ăn quả hơn 1.900ha, sản lượng quả các loại trên 400 tấn; 458ha cây cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch là 296ha, năng suất đạt 10 tấn/ha; trồng hơn 40ha nguyên liệu dứa tại các xã Dồm Cang, Sốp Cộp, Mường Và. Ngoài ra huyện còn phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Mường Và trồng hơn 60ha cây mắc ca.

Ông Tòng Văn Ên, bản Men, xã Dồm Cang, năm nay 76 tuổi, phấn khởi nói: Từ khi xã được công nhận nông thôn mới, trẻ con học trong trường mới khang trang, trạm y tế khám chữa bệnh cũng đầy đủ thuốc và người dân được đi lại trên những con đường sạch sẽ, chúng tôi vui lắm. Bản rất vui, vì vụ cà phê năm nay được mùa, được giá, nhà nào cũng phấn khởi.

Khu trung tâm hành chính huyện đã được UBND tỉnh Sơn La công nhận là đô thị loại V. Hiện, huyện đang triển khai xây dựng khu đô thị trung tâm huyện, với quy mô gần 2ha, sẽ là điểm nhấn của thị trấn Sốp Cộp trong tương lai. Hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật từng bước được xây dựng đồng bộ. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo nhiều chuyển biến mới trong phát triển nông nghiệp, bộ mặt nông thôn; đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Không chỉ ở trung tâm huyện, mà tất cả các xã trong huyện đã được xây dựng trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế kiên cố, khang trang; đường ô tô đến trung tâm các xã được bê tông và rải nhựa.

Đồng chí Quàng Văn Tiêu, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, chia sẻ: Câu nói “Nơi con chim bay bạc đầu chưa tới” đối với huyện Sốp Cộp giờ đã đi vào quên lãng, bởi nếu hơn chục năm về trước, phải mất nhiều giờ đồng hồ cho quãng đường đất 30km từ thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã về trung tâm huyện Sốp Cộp; dốc Con Kiến cao vút, quanh co vắt vẻo theo sườn núi, dốc Khe Sanh bên này vách đá, bên kia vực thẳm. Thì nay, chỉ mất 45 phút đi trên con đường nhựa phẳng phiu xuyên qua rừng đặc dụng; dốc Con Kiến, Khe Sanh được hạ thấp và mở rộng. Sốp Cộp đang khởi sắc.

Y tế, giáo dục được huyện đặc biệt quan tâm.

Y tế, giáo dục được huyện đặc biệt quan tâm.

Phát huy kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sốp Cộp tự tin vượt qua khó khăn thách thức, giành nhiều kết quả toàn diện hơn. Đồng chí Quàng Văn Tiêu, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, thông tin thêm: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Sốp Cộp tiếp tục tập trung phát triển nông lâm nghiệp toàn diện, bền vững; khai thác các nguồn lực, từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới đến từng người dân, xác định rõ trách nhiệm của người dân trong việc tham gia đóng góp, tổ chức thực hiện, giám sát chương trình; không trông chờ, ỷ lại từ nguồn vốn ngân sách.Ngoài ra, huyện tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung chính sách và các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương; huy động thêm các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân để thực hiện có hiệu quả, bền vững mục tiêu giảm nghèo. Với mục tiêu xây dựng huyện Sốp Cộp mạnh về kinh tế, vững về an ninh, chính trị, đảm bảo cho mọi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nguyễn Vân

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/khoi-sac-vung-bien-gioi-sop-cop-108521.html