Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Những năm qua, vùng tái định cư chuyển dân sông Đà đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân khởi sắc. Trong ảnh: Người dân chuyển cư về xã Hiền Lương (Đà Bắc) phát triển nghề nuôi cá lồng, nâng cao thu nhập.

Những năm qua, vùng tái định cư chuyển dân sông Đà đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân khởi sắc. Trong ảnh: Người dân chuyển cư về xã Hiền Lương (Đà Bắc) phát triển nghề nuôi cá lồng, nâng cao thu nhập.

Nhằm hỗ trợ người dân vùng hồ thủy điện cải thiện sản xuất, nâng cao đời sống, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 dự án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình tại các Quyết định số 747/QĐ-TTg, ngày 7/12/1994 và 472/QĐ-TTg, ngày 19/3/2002. Năm 2009, Chính phủ ban hành Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2015 (theo Quyết định số 1588/QĐ-TTg, ngày 9/10/2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh đề án tại Quyết định số 84/QĐ-TTg, ngày 19/1/2015). Mục tiêu của đề án nhằm đảm bảo ổn định nơi ở của nhân dân, nâng cao đời sống, thu nhập, đảm bảo không còn hộ có nguy cơ tái đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân chung của tỉnh… Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH vùng theo tiêu chí nông thôn mới; nâng tỷ lệ độ che phủ rừng, đảm bảo chức năng phòng hộ cho hồ thủy điện Hòa Bình, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo Đề án, phạm vi thực hiện gồm 40 xã, phường của các huyện và thành phố gồm: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, TP Hòa Bình. Trong đó các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi và TP Hòa Bình đã duyệt trước đó; 3 huyện bổ sung năm 2015 khi xây dựng điểm tái định cư tập trung để tiếp nhận dân cư vùng lòng hồ bị ảnh hưởng thiên tai là Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn; bố trí tập trung, xen ghép tại 40 xã, phường với 38.605 hộ (162.605 nhân khẩu).

Thực hiện Đề án, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh ưu tiên nguồn lực, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống các công trình điện, thủy lợi, y tế, trường học… Đồng thời dồn sức hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế rừng, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thủy sản…

Từng công tác ở Ban Định canh định cư tỉnh đúng thời điểm thực hiện chuyển dân vùng hồ sông Đà, ông Đinh Công Báo, nguyên Bí thư Huyện ủy Đà Bắc nhớ lại: Sau di dân, Đà Bắc khó trăm bề. Hạ tầng thấp kém, nhất là hạ tầng giao thông. Từ trung tâm huyện, nếu đi bằng đường bộ để đến trung tâm các xã có khi mất cả ngày. Cũng vì thế, sản xuất của người dân chủ yếu là tự cung, tự cấp. Không chỉ tỷ lệ hộ nghèo cao, công cuộc di dân khiến cuộc sống, sản xuất bị đảo lộn, nhiều người gián đoạn việc học hành, thậm chí có người còn mù chữ…

Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện Đề án, bức tranh KT-XH vùng tái định cư thủy điện cũng như đời sống, sản xuất của đồng bào nơi đây đã có nhiều thay đổi. Chúng tôi đến huyện Đà Bắc - nơi được coi là trung tâm của cuộc chuyển dân. Đường bê tông phẳng lỳ, nối các xã vùng hồ Hiền Lương - Vầy Nưa tiếp tục được hoàn thiện. Đến các xã Nánh Nghê, Mường Chiềng, Giáp Đắt… không còn mất cả ngày đường. Từ trung tâm huyện, chỉ hai giờ chạy xe, chúng tôi đã có mặt tại Nánh Nghê. Đồng chí Đặng Minh Tấn, Chủ tịch UBND xã thông tin: Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã luôn tạo mọi điều kiện để người dân ổn định đời sống và sản xuất; đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân các bản tái định cư đưa cây, con giống mới và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng bà con luôn tự hào đã góp phần để đất nước sáng điện sông Đà.

Theo UBND tỉnh, kết quả đầu tư của Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình đã làm thay đổi bộ mặt KT-XH các xã vùng hồ. Đề án đã hoàn thành mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; đời sống người dân cải thiện đáng kể; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất có bước tiến nhất định; cơ sở hạ tầng được xây dựng, ANCT- TTATXH được giữ vững. So với bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn của tỉnh, thu nhập bình quân của các hộ tái định cư còn thấp, song đã tăng xấp xỉ 4 lần so với thời điểm năm 2008; 100% hộ tái định cư được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% trẻ em được đến trường; 100% người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, tham gia bảo hiểm y tế; 95% hộ dân được sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường; trên 50% số hộ được tiếp cận các dịch vụ viễn thông…

Tuy nhiên, có một thực tế là quá trình triển khai hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn, do một số mô hình, dự án đầu tư chưa thực sự phù hợp với thực tiễn địa bàn; việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân diễn ra chậm và nhỏ lẻ, số người được hưởng chính sách trực tiếp từ Đề án rất nhỏ so với tổng nhu cầu… Đặc biệt, cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư song vẫn thiếu, chưa đồng bộ, vững chắc… UBND tỉnh đã có những kiến nghị đến các bộ, ngành T.Ư, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tăng hiệu quả thực hiện Đề án, mục tiêu cao nhất là "an cư, lạc nghiệp” tại các vùng tái định cư.

Minh Vũ

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/188671/khoi-sac-vung-chuyen-dan-long-ho-song-da.htm