Khởi sắc Yên Lãng

Yên Lãng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Sơn, diện tích tự nhiên gần 1.300ha, có 941 hộ với gần 4.400 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mường chiếm hơn 80%. Những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, thực hiện phát triển kinh tế- xã hội, tỉ lệ hộ nghèo ở Yên Lãng giảm dần qua từng năm, đời sống của người dân được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Những mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả giúp tăng thu nhập của người dân, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.

Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình 135, vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội... xã đã hỗ trợ người dân cây, con giống, phân bón, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Riêng trong năm 2020, từ nguồn vốn chương trình 135, xã đã hỗ trợ các hộ mua 42 bình phun thuốc chạy bằng ắc quy; 85 quạt hòm DC; 16 máy cắt cỏ, máy bơm nước, máy tách hạt ngô và máy cày bừa mini động cơ xăng với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng.Chủ tịch UBND xã Đinh Tuấn Minh cho biết: Không chỉ trông chờ vào các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã vận động người dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án của huyện về phát triển chăn nuôi trâu, bò chất lượng cao; phát triển kinh tế đồi rừng, sản xuất lương thực, tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn.Trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh duy trì diện tích một số cây lương thực ngắn ngày như: Lúa, ngô, sắn, chính quyền địa phương còn khuyến khích, tạo điều kiện để người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi sang trồng cây ăn quả lâu năm. Toàn xã hiện có hơn 33ha bưởi Diễn, trong đó gần 20ha đã cho thu hoạch. Các diện tích chè giống cũ được trồng thay thế bằng chè giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó, thực hiện các dự án chăn nuôi kết hợp với biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm vắc xin nên đàn gia súc, gia cầm của xã phát triển tốt. Toàn xã hiện có hơn 1.000 con trâu, bò, 2.600 con lợn, 43.000 con gia cầm. Đối với những diện tích đất trũng, thường xuyên bị ảnh hưởng do xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình đã chuyển dịch từ cấy lúa sang nuôi trồng thủy sản, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.Xã Yên Lãng hiện có hơn 600ha rừng, trong đó 128ha rừng phòng hộ, 474ha rừng kinh tế. Phát huy lợi thế kinh tế đồi rừng, trong sáu tháng đầu năm, Yên Lãng đã trồng mới 55ha rừng, 5.000 cây phân tán (tăng 1.000 cây so với cùng kỳ năm trước), đưa tỉ lệ che phủ rừng đạt 51%. Nhiều hộ đã đầu tư mở xưởng chế biến gỗ, làm mộc, sản xuất vật liệu xây dựng... tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Số lao động có việc làm trên địa bàn xã cơ bản ổn định, tỉ lệ lao động qua đào tạo dần được nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tiểu thủ công nghiệp- dịch vụ thương mại lên gần 59%, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm từ hơn 30% năm 2015 xuống còn 15,13% năm 2020. Đến Yên Lãng hôm nay, diện mạo của xã đã có nhiều khởi sắc, những con đường bê tông trải dài, hạ tầng khang trang hơn, đời sống của người dân được cải thiện là do phát huy những lợi thế của địa phương, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững.

Nguyên An

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-ton-giao/202109/khoi-sac-yen-lang-179540