Khối tài sản đồ sộ của nữ đại gia đầu tiên tại Việt Nam

Cuối thế kỷ 19, các thương nhân Pháp và Hoa kiều chia nhau kinh doanh mảng xây dựng và tiêu dùng, xuất khẩu gạo ở Hà Nội. Thế nhưng, có một 'bóng hồng' mà giới thương gia phải kiềng nể. Đó là bà Tư Hồng.

Số phận lênh đênh

Bà Tư Hồng tên thật là Trần Thị Lan (sinh năm 1868), sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Hà Nam. Ở độ tuổi trưởng thành, cô Lan sở hữu nhan sắc tuyệt trần lại thông minh nên nhiều thanh niên trong làng si mê. Tuy nhiên, đúng là hồng nhan bạc phận. Năm 17 tuổi, gia đình vỡ nợ, bố mẹ ép gả Trần Thị Lan cho lý trưởng già làm vợ lẽ. Không chấp nhận cảnh sống đó, Trần Thị Lan bỏ trốn. Bà ra Nam Định làm thuê, kiếm sống.

Trong thời gian sống ở thành Nam, bà gặp người đàn ông bán bún xáo trâu và nảy sinh tình cảm. Về sống với nhau nhưng mãi cả hai không có con. Không những vậy, ở quê nhà, sau khi bố mẹ qua đời, em trai bà bị bắt để trừ nợ. Thương em, bà Lan dứt áo ra đi, tìm cách cứu em.

Bà Tư Hồng sở hữu nhan sắc hơn người. Ảnh tư liệu

Một thời gian sau, bà gặp ông chủ buôn tên Hồng (người Hoa, gốc Quảng Đông). Cả hai phải lòng nhau. Người đàn ông giàu có này đã bỏ ra một khoản lớn để giúp bà Lan cứu em. Sau đó, bà Lan theo chồng về Hải Phòng sinh sống. Tại đây, người ta gọi bà là "Thím Hồng".

Năm 1890, do làm ăn thua lỗ, chồng bà bỏ về nước, để lại người vợ ử lại Việt Nam. Một mình bơ vơ, bà đành mở tiệm tạp hóa nhỏ kiếm sống.

Thời gian sau, bà Lan quyết định lên Hà Nội hy vọng tìm kiếm vận may. Cuối cùng, đúng như mong đợi, bà gặp viên quan tư Croibier Huguet (tên thường gọi Laglan). Chỉ một thời gian ngắn, bà trở thành phu nhân của quan tư Laglan. Đây chính là nguồn gốc của cái tên Tư Hồng (do chồng bà làm quan tư).

Không dựa dẫm chồng, trở thành đại gia khiến đàn ông kính nể

Thời bấy giờ, nữ nhi (nhất là người có nhan sắc) lấy chồng giàu thường an phận ở nhà, hưởng vinh hoa phú quý nhưng bà Tư Hồng thì không.

Sẵn trí thông minh, bà Tư Hồng dấn thân vào chốn thương trường và đạt được những thành công đáng nể. Đặc biệt, khi đó bà mới chỉ 23 tuổi.

Bằng mánh lới buôn bán học từ người chồng trước và tận dụng địa vị của người chồng sau, bà từng bước đặt chân vào giới kinh doanh, thầu khoán Hà thành. Năm 1892, bà gây chấn động khi là người phụ nữ đầu tiên mang hồ sơ đến cơ quan sở tại, phụ trách về thương nghiệp xin thành lập công ty thầu An Nam.

Bà Tư Hồng thông thạo tiếng Pháp, hiểu rõ luật và quy định của chính phủ bảo hộ nên nhanh chóng được cấp phép mở công ty.

Nhờ tác động của chồng bà Tư Hồng, công ty An Nam đã trúng thầu hợp đồng đầu tiên cung cấp thực phẩm cho đơn vị quân Pháp đóng ở Phúc Yên (Vĩnh Phúc) và các hợp đồng cung cấp lương thực, thực phẩm cho các trại giam.

Thành Hà Nội thời xưa. Ảnh tư liệu

Hai năm sau, năm 1894, bà Tư Hồng trở nên nổi tiếng khi gạt được các doanh nghiệp có máu mặt của người Hoa, người Pháp, trúng thầu hợp đồng rất lớn: Phá dỡ thành Hà Nội.

Để trúng thầu dự án này, bà Tư Hồng chấp nhận hạ giá thầu xuống mức thấp nhất. Bà về Hà Nam, thuê nông dân lên làm và thưởng tiền cho ai giới thiệu đủ 10 nhân công đến. Bà mua một căn nhà mặt phố Hàng Da làm nơi giao dịch, tiếp nhận nhân công. Đồng thời, bà về làng rèn ở Xuân Phương (Từ Liêm) đặt sản xuất búa, xà beng với giá rẻ.

Số gạch đá cũ dỡ từ thành Hà Nội, bà mua đất, dựng hàng loạt ngôi nhà ở Cửa Đông, 8 căn nhà Hàng Da, 1 biệt thự ở ngõ Hội Vũ, nhà ở phố Quán Sứ và xây trường dòng Punigier năm 1897 (Trường THPT Việt Đức ngày nay). Như vậy, số tiền từ kinh doanh nhà ở đã bù lỗ cho khoản tiền bà bỏ ra thuê nhân công. Chẳng mấy chốc, sản nghiệp của bà Tư Hồng tăng lên nhanh chóng.

Thành công liên tiếp, bà Tư Hồng mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang thực phẩm, cung cấp lúa gạo cho các nhà tù và vận chuyển tàu biển. Đội vận chuyển đường thủy của bà, trừ lái tàu và thợ xúc than là đàn ông, phần lớn là phụ nữ.

Một số giai thoại cho rằng, bà Tư Hồng là phụ nữ có tấm lòng nhân hậu. Sắc sảo, ghê gớm với nhà giàu nhưng bà lại bao dung với người nghèo.

Xinh đẹp, giỏi giang, trải qua 3 đời chồng nhưng bà Tư Hồng không có một mụn con. Chia tay với người chồng Pháp, bà sống một mình ở trang trại thuộc làng Bạch Mai (nay trong khu vực Đại học Bách khoa Hà Nội).

Có người nói rằng, toàn bộ tài sản bà để lại cho em trai và các cháu, con của em.

Hoàng Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/khoi-tai-san-do-so-cua-nu-dai-gia-dau-tien-tai-viet-nam-1486080.html