Khối tài sản không tưởng của gia tộc Rothschild
Theo tính toán, vào khoảng năm 1850, dòng họ Rothschild đã tích lũy tổng số tài sản lên đến 6 tỷ đô-la, và nếu tính tỷ lệ lãi suất 6% thì đến ngày nay, sau hơn 150 năm, tài sản của dòng họ này ít nhất cũng trên 50.000 tỷ đô-la.
Đế chế tài chính của Rothschild
Chỉ cần anh em các ngài tụ họp lại cùng nhau thì trên đời chẳng có một ngân hàng nào có thể cạnh tranh, làm tổn thương hoặc kiếm lợi từ các ngài. Một khi các ngài hợp sức với nhau thì uy lực sẽ lớn hơn bất cứ ngân hàng nào trên thế giới này.
Lời của Davison nói với Nathan Ngày 24 tháng 6 năm 1814
Trước khi qua đời vào năm 1812, Rothschild cha đã để lại di chúc cho năm người con:
1. Những chức vụ quan trọng trong các ngân hàng của dòng họ phải do các thành viên trong dòng họ nắm giữ, tuyệt đối không để người ngoại tộc nắm những cương vị này. Chỉ cần là đàn ông trong dòng họ thì đều có thể tham gia vào hoạt động thương mại của dòng họ.
2. Việc kết hôn chỉ có thể tiến hành giữa những người trong dòng họ, để tránh tình trạng thất thoát tài sản. (Quy định này trước đây được thực hiện nghiêm túc, về sau có nới rộng, cho phép các thành viên trong gia tộc kết hôn với các dòng họ khác gốc Do Thái trong ngành ngân hàng).
3. Tuyệt đối không cho phép tiết lộ tình hình tài sản nội bộ ra bên ngoài.
4. Trưởng nam trong mỗi gia đình được mặc định xem là thủ lĩnh, trừ khi dòng họ đồng ý mới có thể chọn con thứ để tiếp quản. Bất cứ ai vi phạm di chúc này, sẽ mất đi toàn bộ quyền thừa kế tài sản.

Năm thiên tài nhà Rothschild. Ảnh: Lost Art.
Tục ngữ có câu: “Thuận vợ thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn.” Gia tộc Rothschild thông qua hình thức kết hôn trong nội bộ dòng họ để triệt để ngăn chặn khả năng của cải thất thoát ra ngoài. Trong hơn 100 năm, việc kết hôn theo hình thức này đã diễn ra tổng cộng 18 lần, trong đó có 16 lần là giữa những người con cả vốn là các anh chị em họ với nhau.
Theo tính toán, vào khoảng năm 1850, dòng họ Rothschild đã tích lũy tổng số tài sản lên đến 6 tỉ đô-la, và nếu tính tỉ lệ lãi suất 6% thì đến ngày nay, sau hơn 150 năm, tài sản của dòng họ này ít nhất cũng trên 50.000 tỉ đô-la.
Một quy chế gia tộc hà khắc, hoạt động hoàn toàn kín kẽ, sự phối hợp nhịp nhàng chính xác như một chiếc đồng hồ, nguồn thông tin sớm hơn thị trường, lý trí lạnh lùng sáng suốt, tham vọng quyền lực và tiền tài vô hạn, sự hiểu biết thấu đáo về tiền bạc và của cải cũng như khả năng dự đoán thiên tài đã giúp cho dòng họ Rothschild xây dựng nên một đế chế tài chính lớn nhất trong lịch sử loài người, ngay cả khi đế chế này rơi vào vòng xoáy tàn bạo của tài chính, chiến tranh và chính trị.
Đến đầu thế kỷ XX, tổng số của cải mà dòng họ Rothschild khống chế đã bằng một nửa tổng số của cải thế giới lúc bấy giờ.
Các ngân hàng của dòng họ Rothschild phủ khắp các thành phố quan trọng của châu Âu. Dòng họ này có một hệ thống thu thập thông tin tình báo và truyền tin nhanh chóng của riêng mình, thậm chí quý tộc và hoàng gia của các nước châu Âu khi muốn truyền những tin khẩn và bí mật cũng đều phải thông qua hệ thống của họ.
Họ còn là những người đầu tiên sáng lập nên hệ thống thanh toán tài chính quốc tế, lợi dụng sự khống chế của mình đối với thị trường vàng thế giới để xây dựng một hệ thống thanh toán sổ sách vận chuyển vàng mà không cần dùng đến hiện vật.
Trên thế giới này, không ai có thể lý giải sâu sắc hơn ý nghĩa đích thực của vàng bằng dòng họ Rothschild. Năm 2004, khi tuyên bố rút lui khỏi hệ thống định giá vàng London, dòng họ Rothschild đã ngầm rời bỏ trung tâm bão táp tài chính chưa từng có của thế giới tương lai để xác định lại mối quan hệ giữa họ với giá trị của vàng.
Nền kinh tế đô-la Mỹ chồng chất nợ nần và rủi ro rình rập hệ thống tiền tệ pháp định của thế giới, cũng như hệ thống ngoại hối thế giới rất có thể sẽ đối mặt với một đợt thanh toán, chỉ có của cải nhiều năm tích lũy của các quốc gia Đông Nam Á với trữ lượng vàng không đáng kể sẽ bị “phân phối lại cho những người thắng cuộc trong tương lai.” Quỹ đối xung sẽ phát động công kích một lần nữa, có điều, lần này đối tượng sẽ không phải là đồng bảng Anh hay tiền tệ của châu Á, mà là trụ cột của nền kinh tế thế giới - đồng đô-la.
Đối với các ngân hàng, chiến tranh là một thông tin vô cùng tốt lành. Bởi các sản phẩm hay các thiết bị đắt tiền phải khấu hao dần dần trong thời bình sẽ tan thành mây khói trong tức khắc, các bên tham chiến không tiếc bất cứ giá nào để giành lấy thắng lợi cuối cùng. Đến khi chiến tranh kết thúc, Chính phủ, dù là của bên thắng hay thua, đều bị lún sâu vào vòng nợ nần của các ngân hàng.
Trong khoảng thời gian 121 năm kể từ khi Ngân hàng Anh thành lập cho đến khi chiến tranh Napoleon kết thúc (1694 - 1815), nước Anh đã có 56 năm sống trong cảnh chiến tranh, một nửa thời gian còn lại được tiêu tốn cho việc chuẩn bị cuộc chiến kế tiếp sau đó.
Việc giật dây gây chiến và tài trợ cho chiến tranh phù hợp với lợi ích căn bản của ngân hàng, và ngân hàng của dòng họ Rothschild cũng không phải là ngoại lệ. Từ cuộc đại Cách mạng Pháp (1789) đến Chiến tranh Thế giới thứ Hai, hầu như đằng sau cuộc chiến tranh cận đại nào cũng đều thấp thoáng bóng dáng của họ. Dòng họ Rothschild hiện là chủ nợ lớn nhất của các quốc gia phát triển ở phương Tây.
Trước khi qua đời, phu nhân Guttle Schnapper của Rothschild cha còn nói rằng: “Nếu các con trai của ta không thích có chiến tranh, thì sẽ chẳng có ai còn nhiệt tình với chiến tranh nữa.” Đến giữa thế kỷ XIX, quyền phát hành tiền tệ của các quốc gia công nghiệp chủ yếu ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Áo, Italy đều lọt vào tầm khống chế của Rothschild, “Quân quyền thần thánh đã bị Kim quyền thần thánh thay thế.” Lúc bấy giờ, sự phồn vinh thịnh đạt của đại lục địa châu Mỹ nằm bên kia bờ Đại Tây Dương đã lọt vào tầm ngắm của gia tộc này.
Nguồn Znews: https://znews.vn/khoi-tai-san-khong-tuong-cua-gia-toc-rothschild-post1545916.html