Khối thi đua các bộ ngành tổng hợp góp ý dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi)
Chiều 10.12, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Khối thi đua các bộ ngành tổng hợp đã tổ chức tọa đàm đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi).
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng và Trưởng ban Tổ chức cán bộ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Trịnh Xuân Ngọc đồng chủ trì. Tham dự tọa đàm có: đại diện Thường trực Ủy ban Xã hội, đại diện Ban Thi đua khen thưởng Trung ương và đại diện các đơn vị thành viên thuộc khối thi đua các Bộ, ngành tổng hợp.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau nhiều năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng đã đi vào cuộc sống, được các cấp các ngành thực hiện có hiệu quả. Qua thực hiện Luật, công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến được quan tâm, có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Luật cũng đã bộc lộ những hạn chế cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống. Tại Kỳ họp thứ Hai vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Hiện nay, Ủy ban Xã hội đang tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Ba tới. Với thực tiễn phong phú trong công tác thi đua, khen thưởng tại khối thi đua các bộ, ngành tổng hợp thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, tọa đàm có ý nghĩa thiết thực, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: nguyên tắc thi đua, khen thưởng; các danh hiệu vinh dự nhà nước; tiêu chuẩn danh hiệu chiến sĩ thi đua; thẩm quyền đề nghị thi đua, khen thưởng; hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng…
Về tiêu chuẩn danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở tại Điều 21, các đại biểu cho rằng, mục tiêu của thi đua là nhằm tạo động lực động viên mọi cá nhân, tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thực tiễn cho thấy nhiều cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nhưng vì không có sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học nên chưa được ghi nhận thành tích và động viện kịp thời. Do đó, dự thảo Luật nên bỏ quy định tiêu chuẩn có sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học đối với danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Tiêu chuẩn này chỉ nên áp dụng đối với danh hiệu Chiến sỹ thi đua cao hơn như Chiến sỹ thi đua cấp bộ, ngành, Chiến sỹ thi đua toàn quốc.
Về thẩm quyền đề nghị khen thưởng, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai vẫn giữ nguyên tiêu chuẩn để xác định Chiến sỹ thi đua cơ sở là sáng kiến (bao gồm các giải pháp hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học). Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng thực tế cho thấy đây có thể là nguyên nhân khiến cá nhân là người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, doanh nghiệp… khó được đề nghị phong tặng doanh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng bậc cao. Tiêu chuẩn sáng kiến cũng tạo sự mất cân bằng giữa các cá nhân làm việc tại các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu hoặc nghiên cứu khoa học với các cá nhân làm việc trong lĩnh vực khác. Do đó, chỉ nên coi sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học hoặc mưu trí sáng tạo trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu là một trong những cơ sở để xác định tiêu chuẩn bình xét, ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung các tiêu chuẩn khác để thay thế như tính tiêu biểu, nêu gương, động viên… bên cạnh việc đánh giá hiệu quả hữu hình của giải pháp, sáng kiến.
Về khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Văn phòng Quốc hội nhất trí cao với việc bổ sung quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại dự thảo Luật để phù hợp với hoạt động đặc thù của Quốc hội. Việc bổ sung quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách, các cơ quan của Quốc hội tại dự thảo Luật lần này và dự thảo Nghị định quy định chi tiết đã lấp khoảng trống pháp lý đối với thi đua, khen thưởng của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, để công tác thi đua, khen thưởng có căn cứ thực hiện không chỉ đối với Quốc hội mà còn đối với HĐND các cấp, Văn phòng Quốc hội đề nghị quy định bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc hướng dẫn về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu HĐND các cấp và các Ban, các Tổ đại biểu của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
Kết luận tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến thảo luận; khẳng định các ý kiến đóng góp các đại biểu rất sâu sắc, toàn diện và sẽ được tổng hợp gửi cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì tiếp thu chỉnh lý để đóng góp thêm tiếng nói từ thực tiễn trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.